Chỉ cơi nới, không xây mới: Đột phá ở đâu?

Đặc khu cần đặc biệt

Vào thời điểm 30 năm trước, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Khi đó, Hiến pháp năm 1980 còn hiệu lực với định hướng tập trung phát triển 2 thành phần kinh tế là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể.

Mặc dù vậy, trong khung thể chế của Hiến pháp năm 1980, Quốc hội vẫn ban hành một đạo luật mà sau đó được quốc tế bình luận là đạo luật hấp dẫn nhất trong khu vực.

“Nếu chúng ta cứ máy móc bám theo một nguyên tắc cứng nhắc thì không thể ban hành được một đạo luật có tính đổi mới, đột phá đến như vậy”.

Câu chuyện về quá trình xây dựng Luật Đầu tư nước ngoài được ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, chia sẻ nhân việc bàn về đặc khu kinh tế.

Phú Quốc là 1 trong 3 đặc khu kinh tế ở Việt Nam.

Phú Quốc là 1 trong 3 đặc khu kinh tế ở Việt Nam.

Kể câu chuyện này, ông Phúc cho rằng, luật về đặc khu kinh tế cũng cần như vậy, tức cần tạo cơ chế có tính vượt trội, khác với phần còn lại cả về mô hình, cơ chế đột phá.

Để chứng minh cho sự vượt trội của dự luật về đặc khu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết: Luật này áp dụng tại một số khu vực có ranh giới địa lý xác định nên cần mạnh dạn cho phép thực hiện các chính sách mới, đột phá và đặc biệt về kinh tế xã hội.

Nhưng ông cũng lưu ý là “không trái với Hiến pháp” và “các cam kết quốc tế”. Tất cả đều nhằm tạo ra một mô hình “đảm bảo vượt trội” và “cạnh tranh với khu vực cũng như quốc tế”.

Quan điểm ấy cũng đã được thể hiện phần nào trong dự luật mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng. Ví như về tổ chức bộ máy thì trao quyền lớn cho trưởng đặc khu; DN được thuê đất đến 99 năm, DN nước ngoài được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam; người nước ngoài có quyền mua bán, thừa kế nhà ở; hãng hàng không quốc tế được phép “bắt khách” ở sân bay của Việt Nam nếu có ít nhất một điểm đến hoặc một điểm đi tại đặc khu,…

Những điều đó, chiểu theo pháp luật hiện hành, đều không được phép. Và đó là một trong những điểm khác biệt của đặc khu với các phần còn lại. Song ông Đông cũng lưu ý rằng, các ưu đãi đó không áp dụng tràn lan mà chỉ “trong một số trường hợp nhất định”.

Tuy thế, những điểm tạm cho là “khác biệt” và “đột phá” trong dự thảo Luật cũng vấp phải không ít tranh cãi.

Rồi cũng còn ý kiến lo ngại 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang) đều nằm ở vị trí rất nhạy cảm về chủ quyền quốc gia, an ninh quốc phòng và môi trường nên cần có giải pháp để đảm bảo các nhà đầu tư nước ngoài “không xây tường kín mít rồi trong đó, người lao động nước ngoài dày đặc, biến đặc khu thành một đơn vị riêng biệt trong lãnh thổ Việt Nam”.

Ngay cả đề xuất không thành lập Hội đồng nhân dân ở đặc khu với mục tiêu để bộ máy tinh gọn cũng không dễ nhận được sự đồng tình. Vai trò của Trưởng đặc khu đến đâu, giám sát thế nào cũng còn là câu chuyện dài.

Đặc khu kinh tế cần có cơ chế chính sách vượt trội, khác biệt.

Đặc khu kinh tế cần có cơ chế chính sách vượt trội, khác biệt.

Xây mới chứ đừng cơi nới

Lo ngại là có, băn khoăn là có, nhất là về an ninh quốc phòng, nhưng thiếu cơ chế đặc biệt cả về tổ chức chính quyền lẫn chính sách kinh tế xã hội thì không thể gọi là “đặc khu”. Nói nôm na, chỉ muốn cơi nới mà không xây mới thì cũng không gặt hái được gì.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cảnh báo: Nếu chúng ta cứ soi chiếu vào hệ thống luật pháp hiện nay cùng cách tiếp cận cũ thì mô hình đặc khu kinh tế khó bứt phá được.

Thực tế, trước khi hình thành đặc khu, các khu kinh tế mở, khu kinh tế đặc biệt đã được mở ra khắp nơi. Không khí ban đầu thì luôn hồ hởi, nhưng càng về sau càng đuối sức. Bao năm nay, khu kinh tế mở Chu Lai vẫn chỉ ở dạng tiềm năng, còn các khu kinh tế đặc biệt như Lao Bảo, Cầu Treo cứ èo uột dần. Mới đây, khu kinh tế đặc biệt Lao Bảo đã gần như bị xóa sổ.

Ngay cả câu chuyện đặc khu kinh tế, được đưa ra bàn luận 15 năm nay, mà giờ vẫn còn đầy tranh cãi.

Ông Thiên nói thẳng: Bởi vì chúng ta có một nhóm vẫn kiên trì, muốn vượt lên nhưng có một nhóm giữ quan điểm theo đúng luật, đúng các ràng buộc thể chế, cứ thế mà làm, và ưu đãi hơn một tí thôi.

Thâm Quyến trực thuộc tỉnh Quảng Châu nhưng đứng đằng sau là chính quyền trung ương, họ cho Thẩm Quyến những cơ chế vượt trội mà tỉnh Quảng Châu muốn can thiệp vào cũng không được. Đó là một khu vực tự do hóa thương mại cao, vấn đề là quyền lực được giao cho các đặc khu kinh tế độc lập với chính quyền địa phương. Ta muốn phát triển các đặc khu kinh tế cũng phải làm vậy – ông Thiên dẫn chứng.

Bó buộc tư duy thì đặc khu cũng khó tạo ra được điều gì đặc biệt. Nói như ông Trần Đình Thiên, khi thiết kế hình mẫu về đặc khu kinh tế phải dựa trên những tư tưởng đổi mới, “còn cứ gò vào rất khó phát triển”.

Đặc khu hành chính – kinh tế Vân Đồn: Giới đầu tư đã sẵn sàng, chỉ chờ Quốc hội “gật đầu”

Bài viết mới