Ngay cả khi phố Wall chưa thức giấc, 4/10 đã tỏ ra giống như 1 ngày đầy sóng gió cho thị trường trái phiếu địa phương có tổng giá trị 3.800 tỷ USD của nước Mỹ.
Có thể một số người đã đoán trước được điều gì sẽ xảy ra. Đêm muộn ngày 3/10, trong chương trình “The Sean Hannity Show”, Tổng thống Donald Trump khiến thị trường sửng sốt khi nói rằng có thể vùng lãnh thổ theo quy chế thịnh vượng chung Peuerto Rico – hòn đảo đã rơi vào cảnh vỡ nợ trước cả khi bị cơn bão Maria tàn phá tháng trước – đơn giản sẽ được xóa khoản nợ 74 tỷ USD và các trái chủ sẽ trắng tay. Kết quả là đến sáng hôm sau giá trái phiếu chính quyền Puerto Rico ngay lập tức giảm xuống còn 30,25 cent trên 1 USD mệnh giá (mức 44 cent trước đó vốn đã là thấp chưa từng có tiền lệ).
Tất nhiên, số phận của hòn đảo xinh đẹp Puerto Rico sẽ phụ thuộc vào việc ông Trump có thể thực sự xóa bỏ khoản nợ hơn 70 tỷ USD hay không. Sự thật là số nợ này đã tích lũy từ nhiều thập kỷ và bị thổi phồng bởi chính những nhà đầu tư thèm khát lợi nhuận trên phố Wall. Không có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump có kế hoạch làm vậy. Như thường lệ, các quan chức Nhà Trắng nhanh chóng chỉnh lại lời bình luận của Tổng thống.
Dẫu vậy, theo Harry Fong, chuyên gia phân tích tại MKM Partners, đó có thể là “dấu chấm hết cho thị trường trái phiếu địa phương mà chúng ta vẫn từng biết”. Municipal bonds (hay còn gọi là muni bonds) là những trái phiếu do các chính quyền địa phương phát hành và hoàn toàn chịu trách nhiệm, chính quyền liên bang sẽ đứng ngoài, không cam kết bảo lãnh hay giúp đỡ các địa phương nếu họ gặp khó khăn.
Phát biểu của ông Trump đã gây sóng gió cho thị trường muni bonds, nơi giá cả hiếm khi biến động thậm chí là 1 – 2 cent trong 1 phiên. Ít ai có thể nhớ được lần cuối cùng giá muni bonds giảm mạnh như vậy là khi nào. Kể cả khi thống đốc Puerto Rico tuyên bố vỡ nợ vào tháng 6/2015, giá cũng không giảm mạnh như vậy.
Giá trái phiếu Puerto Rico giảm mạnh.
David Tawill, Chủ tịch và là nhà đồng sáng lập của Maglan Capital, nhận định điều này là không tốt cho thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, “giống như nhiều trường hợp khác, dường như Tổng thống Trump không thực sự hiểu rõ hoàn cảnh và có lẽ ông không quan tâm đến giới hạn quyền lực của mình”.
Sáng hôm sau, giám đốc Ngân sách của Nhà Trắng Mick Mulvaney đã lên tiếng “chữa cháy” cho những bình luận của Tổng thống, và nhiều chuyên gia phân tích cho rằng ý tưởng của ông Trump không thể trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, ý tưởng Puerto Rico có thể khiến các chủ nợ trắng tay vẫn tăng thêm tính bất ổn cho quá trình đưa nền tài chính của hòn đảo này về trạng thái bình thường. Nhiều người thậm chí nghĩ về viễn cảnh các thành phố, bang và vùng lãnh thổ khác (như Illinois, Hartford, Connecticut và quần đảo Virgin thuộc Mỹ) có thể tiếp bước.
Dù sao thì những bình luận của ông Trump vẫn là thứ mà thị trường muni bonds chưa bao giờ nghe thấy. “Chúng ta phải nhìn vào toàn bộ cấu trúc nợ của Puerto Rico. Họ nợ những người bạn ở phố Wall quá nhiều tiền. Chúng ta sẽ phải xóa bỏ số nợ đó. Rất có thể – bạn biết đấy, có thể bạn sẽ phải nói lời tạm biệt”, ông Trump nói.
Isaac Boltansky, chuyên gia phân tích tại Compass Point, nhận định nếu như Tổng thống tiếp tục đưa ra những bình luận bất lợi cho các trái chủ và chúng được phản ánh lên giá cả, chi phí đi vay của mọi thành phố trên khắp nước Mỹ sẽ tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến người nộp thuế.
Bản thân các lãnh đạo của Puerto Rico cũng không có ý định để cho các chủ nợ trắng tay, đơn giản là bởi vì làm như vậy họ sẽ không bao giờ có thể quay trở lại thị trường trái phiếu. Tại buổi họp báo ở San Juan hôm thứ 4, Thống đốc Ricardo Rossello bác bỏ những bình luận của Tổng thống Trump và nói rằng sẽ giải quyết nợ tuần tự theo quy trình phá sản. “Đó chỉ là quan điểm của Tổng thống, Puerto Rico đang bắt tay vào giải quyết theo cách chính thống”.
Puerto Rico là 1 vùng lãnh thổ thuộc Mỹ nhưng không tuân theo quy chế tiểu bang, tức là 3,5 triệu người dân Puerto Rico không phải đóng thuế liên bang và là công dân Mỹ nhưng lại không có quyền bỏ phiếu bầu cử Tổng thống (chỉ được bỏ phiếu sơ bộ) và chỉ có 1 nghị sĩ trong Hạ viện.
Hơn 1 thập kỷ kinh tế suy thoái và thâm hụt ngân sách ngày càng phình to, cộng với việc những con người ưu tú nhất của quần đảo này (trong đó có nhiều bác sĩ) di cư đến Mỹ đã khiến kinh tế Puerto Rico rơi vào khủng hoảng. Trước khi hàng loạt siêu bão đổ bộ gây ra những thiệt hại nặng nề, tỷ lệ thất nghiệp ở đây đã lên tới 12% so với mức 4,4% của toàn nước Mỹ. 43,5% dân số sống dưới mức nghèo đói. Nợ tương đương hơn 3/4 GDP.
Siêu bão Maria vừa qua khiến cơ sở hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng càng làm cho tình hình ở đây thêm tồi tệ.
Có một nghịch lý xảy ra ở quần đảo này là trong khi người dân ở đây dồn dập di cư đến Mỹ hoặc các quốc gia khác để trốn tránh khủng hoảng kinh tế, đây lại là điểm đến ưa thích của giới triệu phú, tỷ phú vì những ưu đãi về thuế.