Giá nhà của Hong Kong được ghi nhận ở mức cao kỷ lục – thành phố giữ vị trí đầu bảng về giá nhà ở đắt nhất thế giới trong bảy năm và là thị trường có số lượng nhà ở giá rẻ ít nhất trên toàn cầu. Và trong tương lai gần, mức giá đắt đỏ này không có dấu hiệu chững lại. Nghiên cứu của JLL cho thấy nguồn cung hạn chế đã đẩy giá tăng lên.
Ingrid Cheh, Giám đốc nghiên cứu thị trường Hong Kong của JLL cho biết: “Theo quan điểm của người mua, phân khúc căn hộ sẽ tiếp tục là nguồn cung chủ yếu trên thị trường Hồng Kông. Với rổ hàng rất ít sự lựa chọn, thiếu các chính sách hỗ trợ cho người mua nhà ở thứ cấp và nhu cầu thì không ngừng tăng cao, số lượng căn hộ mới được chào bán sẽ tiếp tục hấp thụ nhanh chóng.”
Trong bối cảnh như vậy, giá trị vốn sẽ tăng 10-15% trong năm 2017, ngay cả khi nơi đây đang áp dụng các quy tắc thế chấp chặt chẽ và dự kiến về việc tăng lãi suất thế chấp.
Không chỉ riêng Hong Kong; có khá nhiều thành phố tương tự thuộc khu vực châu Á. Tại Mumbai, một loạt những nguyên nhân như diện tích đất hạn hẹp do địa hình, chính sách của chính phủ và nhân khẩu học đã dẫn đến việc giá nhà ở tăng cao.
Giá nhà ở tại các thành phố của Trung Quốc cũng luôn nằm trong nhóm cao trong năm năm qua; Bắc Kinh và Thượng Hải xếp hạng thứ ba và thứ tư về thị trường có mức giá nhà ở đắt nhất trên thế giới.
Joe Zhou, Giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc của JLL cho biết: “Lượng tồn nhà ở tại những thị trường này rất thấp và nhu cầu được ở trong ngôi nhà mà mình nắm quyền sở hữu tại những thành phố này rất khổng lồ. Mọi người đều muốn sống ở các trung tâm tài chính kinh tế Cấp 1”.
Để ngăn chặn lạm phát, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp giảm nhiệt hồi đầu năm ngoái, điều này đã có tác động rất hạn chế mặc dù các dữ liệu mới nhất cho thấy các giải pháp cuối cùng đã bắt đầu có tác dụng .