Dựa trên các nghiên cứu, tờ Le Monde nhận định: “Châu Á làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới”.
Trên bàn cờ kinh tế thế giới, châu Á khẳng định vị trí của mình và trong năm 2018.
Ấn Độ sẽ đứng hàng thứ năm trong số các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, qua mặt Pháp và Anh.
Dự báo phân loại này do Trung Tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh của Anh (CEBR) công bố ngày 26/12 vừa qua.
Sự thăng tiến này sẽ còn tiếp tục trong 15 năm tới.
Từ nay đến năm 2032, Hàn Quốc và Indonesia sẽ nằm trong nhóm 10 nền kinh tế hàng đầu. Đài Loan, Thái Lan, Philippines và Pakistan sẽ trong nhóm 25.
Vẫn theo nghiên cứu của CEBR, nếu tính tổng sản phẩm nội địa (GDP) theo đô la, thì đến năm 2030, Trung Quốc sẽ vượt lên trên Hoa Kỳ.
Còn nếu tính theo “sức mua”, tức là cùng một số tiền mua hàng hóa ngay tại nước đó, thì GDP của Trung Quốc dường như đã ngang bằng với Mỹ.
Bất kể tính theo tiêu chí nào, châu Á đều có xu hướng gia tăng tỉ trọng kinh tế.
Theo điều tra của công ty tư vấn Anh PricewaterhouseCoopers (PwC), được công bố hồi tháng 02/2017, thì đến năm 2030, trong số 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới, có tới 4 nước châu Á, đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia.
Ông Julien Marcilly, chuyên gia kinh tế thuộc cơ quan bảo hiểm xuất khẩu Pháp Coface, nhận định: Các trung tâm quyền lực kinh tế có xu hướng di chuyển rõ nét về châu Á. Đó là điều chắc chắn. Còn trọng lượng kinh tế các nước phát triển sẽ giảm dần.
Về phần mình, CEBR nhắc lại: Cho đến năm 2000, các quốc gia vẫn thường được gọi là “những nước phát triển” chiếm 76% trọng lượng kinh tế toàn thế giới. Con số này sẽ giảm xuống còn 44% vào năm 2032.
Và các quốc gia vốn được coi là “đang phát triển”, ngược lại sẽ chiếm 56%.
Do vậy, báo cáo của CEBR kết luận: ảnh hưởng chính trị tất yếu sẽ biến đổi theo chiều hướng này. Các nền kinh tế đang phát triển trước đây sẽ có trọng lượng gia tăng trong các định chế quốc tế và quan hệ song phương.
Sự năng động của khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục thể hiện trong năm 2018 với tỷ lệ tăng trưởng có thể lên tới 5,4%, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế giới (3,7%), cũng như tất cả các khu vực kinh tế khác.
Le Monde cho biết, có nhiều yếu tố giải thích cho sự thăng tiến của kinh tế châu Á: các nền tảng vĩ mô kinh tế vững chắc, hội nhập thương mại mạnh mẽ với đầu tàu là Trung Quốc, dân số tăng nhanh.
Đến năm 2030, châu Á sẽ có thêm 410 triệu dân và chiếm 50% tổng dân số toàn cầu.
Tỷ lệ đô thị hóa của châu Á cũng cao, 40% (các nước phát triển có tỷ lệ từ 80 đến 90%). Sự phát triển các trung tâm đô thị sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp, dịch vụ và mức chi tiêu dùng. Đó là những động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, báo Le Monde cũng lưu ý là nên tỉnh táo đánh giá các thành tích kinh tế.
Chuyên gia Julien Marcilly giải thích: Sức mạnh kinh tế được thể hiện qua quy mô tầm vóc thị trường. Các phân loại nói trên không phản ánh được mức độ giàu có trung bình của từng quốc gia. Một số nền kinh tế tiến rất nhanh nhưng GDP tính theo đầu người lại thấp hơn so với các nước phát triển.
Theo Ngân hàng Thế giới, trong năm 2016, thu nhập tính theo đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 15% so với dân Mỹ, trong khi đó Ấn Độ chỉ bằng 3%.
Mặt khác, mức chênh lệnh giàu nghèo tại Trung Quốc và Ấn Độ rất cao. Giới chủ các tập đoàn lớn tại Ấn Độ có thu nhập cao hơn 229 lần mức lương tháng trung bình và Ấn Độ đứng hàng thứ hai, sau Hoa Kỳ, có mức chênh lệnh giàu nghèo cao nhất thế giới.
Ngoài ra, châu Á cũng phải đối mặt với một số thách thức, như dân số tại một số nước có xu hướng giảm, nguy cơ già trước khi giàu như tại Trung Quốc, tăng trưởng không còn cao như trước.
Một số quốc gia châu Á có thể rơi vào cái “bẫy thu nhập trung bình”, sau một thời gian tăng trưởng nhanh thì bị khựng lại, ngăn cản khả năng cải thiện nâng cao mức sống cho ngang bằng với các quốc gia phát triển.