Ông Li Shufu sinh năm 1963 tại Taizhou, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc trong một gia đình làm nông. Sau khi lấy bằng kỹ sư Đại học Yanshan thuộc tỉnh Hà Bắc, năm 1986, ở tuổi 23, với khoản vay từ cha, ông thành lập công ty Geely – hiện là nhà sản xuất ôtô tư nhân lớn thứ hại tại Trung Quốc.
Cũng giống như nhiều doanh nhân hàng đầu trong ngành công nghiệp xe hơi – từ Henry Ford của Ford, Kiichiro Toyoda của Toyota hay Elon Musk của Tesla, Li Shufu có khởi đầu vô cùng khiêm tốn. Ông bắt đầu sản xuất linh kiện tủ lạnh vào thời điểm mà ít người nghĩ rằng một ngày nào đó người Trung Quốc có thể mua và sở hữu ôtô riêng.
Năm 2014, ông từng nói với Forbes Asia rằng ông làm chiếc xe đầu tiên của mình từ cát khi chưa đầy 10 tuổi trên bãi biển ở quê hương mình.
“Chúng tôi sống trong ngôi làng nông nghiệp mà chẳng ai có đủ tiền để mua một chiếc xe hơi hay thậm chí đi máy bay. Chúng tôi cũng không có tiền để mua đồ chơi và tôi không thể tưởng tượng nổi một ngày mình lại tạo ra những chiếc xe hơi thật sự”, ông Li nhớ lại.
Mới đây, việc Geely (tên đầy đủ: Zheijang Geely Holding Group Co.) chi 9 tỷ USD thâu tóm 9,7% cổ phần tại Daimler AG – công ty mẹ của thương hiệu Mercedes-Benz gây chấn động ngành công nghiệp xe hơi. Đây là bước ngoặt lịch sử của một nhà sản xuất ôtô tư nhân Trung Quốc tại thị trường châu Âu.
Ông Li ít khi xuất hiện trước truyền thông và nhận lời tham gia phỏng vấn – Ảnh: Forbes.
Vị tỷ phú sáng lập Geely không mấy khi xuất hiện trước truyền thông và nhận lời trả lời phỏng vấn, nên ít người biết rằng ông cũng chính là người đứng sau sự phục hồi phi thường của thương hiệu ôtô Thuỵ Điển Volvo.
Khi Geely mua lại Volvo từ tay Ford Motor Co. vào năm 2010, ít ai có thể tưởng tượng rằng tỷ phú Trung Quốc này có thể đầu tư nhiều tỷ USD và đạt được thành công nhanh đến vậy. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã đổi mới hoàn toàn thương hiệu và công ty này, đồng thời nhanh chóng nổi lên với nhiều mẫu xe mới đình đám như XC90, V90, S90, XC60…
Một ý tưởng nữa của ông Li đó là Lynk & Co. – khai thác nền tảng kỹ thuật của ôtô Volvo để tạo ra một thương hiệu ôtô “anh em” và bán trực tuyến. Dù vậy, tên thương hiệu Lynk & Co. (phát âm giống Lincoln) đẩy ông Li vào cuộc chiến với Ford Motor – công ty sở hữu thương hiệu xe xa xỉ Lincoln.
Sự phục hồi ấn tượng của Volvo khiến cả ngành công nghiệp ôtô toàn cầu phải nhìn nhận lại về Geely và nhà sáng lập của công ty. Vài năm trở lại đây, đế chế sản xuất ôtô khổng lồ của ông Li đang tích cực mở rộng ra nhiều thị trường lớn ngoài Trung Quốc.
Năm ngoái, Geely tấn công vào thị trường Đông Nam Á bằng thương vụ mua lại 49,9% cổ phần tại công ty sản xuất ôtô lớn nhất Malaysia – Proton Holdings Bhd. Tháng 5/2017, Geely tuyên bố thâu tóm 51% cổ phần của nhà sản xuất xe đua và xe thể thao nổi tiếng của Anh Lotus Cars.
Những thương vụ liên tiếp cho thấy tham vọng tạo ra một danh mục các thương hiệu ôtô toàn cầu ở nhiều mức giá khác nhau của tỷ phú 54 tuổi. Ông Li nằm trong số ít doanh nhân Trung Quốc lập nghiệp thành công trong ngành ôtô vốn được thống trị bởi các công ty nhà nước.
Tỷ phú này cũng đang mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực tài chính. Năm ngoái, Geely trở thành cổ đông lớn nhất của ngân hàng Đan Mạch Saxo sau thương vụ thâu tóm 30% cổ phần.
Ông Li hiện là người giàu thứ 10 tại Trung Quốc và thứ 209 trên thế giới theo xếp hạng của Tạp chí Forbes với tài sản khoảng 16,6 tỷ USD.