Chân dung “nhạc trưởng” đang chỉ đạo cuộc chuyển mình của kinh tế Trung Quốc

Khi Liu He bước lên bục phát biểu ở Davos ngày 24/1, nhà kỹ trị tốt nghiệp ĐH Harvard sẽ bước thêm một bước ra ánh sáng. Nhân vật này vốn đã thu hút nhiều sự chú ý của giới chuyên gia kinh tế kể từ khi được bổ nhiệm giữ vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Trung Quốc.

Là cố vấn chủ chốt của Chủ tịch Tập Cận Bình, Liu chính là đại diện của Trung Quốc tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới đang diễn ra tại khu nghỉ dưỡng phủ đầy tuyết trắng tại Thụy Sĩ. Và ngày hôm qua (24/1) ông đã có bài phát biểu quan trọng khẳng định lại mô hình tăng trưởng mà Trung Quốc đang hướng tới.

Được cho là người đang “đứng sau cánh gà” điều khiển nhiều chính sách kinh tế và tài chính quan trọng của Trung Quốc, Liu được dự đoán sẽ trở thành người kế nhiệm của Phó Thủ tướng Ma Kai – người đứng đầu 1 siêu ủy ban mới được lập ra để gánh vác nhiệm vụ loại bỏ các rủi ro trong hệ thống tài chính. Ông Ma sắp bước sang tuổi nghỉ hưu.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Liu lọt vào danh sách 25 ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc. Trong bối cảnh Trung Quốc quyết tập mở cửa thị trường nội địa và tháo gỡ tình trạng vay nợ quá mức, đây là sự kiện không có gì bất ngờ.

Theo đánh giá của Shen Jianguang, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty chứng khoán Mizuho, nếu sau này trở thành Chủ tịch Ủy ban kinh tế tư vấn sách lược cho ông Tập, Liu sẽ là phiên bản Trung Quốc kết hợp những đặc tính của cả Larry Summers và Ben Bernanke (đều là các cựu Chủ tịch Fed). “Ông ấy không chỉ quản lý toàn bộ thị trường tài chính, bao gồm cả chính sách tiền tệ và giám sát tài chính, mà còn phụ trách cả chính sách tài khóa và chính sách cải cách”.

Liu chính là “bộ não” đứng sau các cải cách trọng cung hướng đến giảm dư thừa công suất và thúc đẩy các lực đẩy thị trường. Ông cũng sẽ là nhân vật chủ chốt giúp định hình chính sách kinh tế mà Trung Quốc theo đuổi trong 5 năm tới.

Nợ của Trung Quốc đang ở gần mức cao gấp 3 GDP, trong đó nợ của các doanh nghiệp và nợ của các hộ gia đình tạo thành 1 “mạng lưới” phức tạp. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã xác định rõ cần phải giảm nợ mà không khiến thị trường tài chính xáo trộn, tránh làm tổn hại nền kinh tế.

Theo James Stent, tác giả cuốn “”China’s Banking Transformation: The Untold Story” và cũng là người đã có hơn 1 thập kỷ nằm trong ban quản trị của một vài ngân hàng Trung Quốc, Liu sẽ đóng vai trò chủ chốt trong quá trình này. “Rõ ràng là Liu He sẽ có rất nhiều quyền lực trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế Trung Quốc, cho dù ông giữ chức vụ gì đi chăng nữa”.

Mặc dù Liu thường né tránh sự chú ý, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng ông chính là giọng nói phía sau bài xã luận về nợ không đề tên tác giả viết mà tờ Nhân dân Nhật báo đăng tải tháng 5/2016. Bài báo này dẫn lời một “quan chức giấu tên” nhận định Trung Quốc phải đối mặt với núi nợ xấu và nhiều rủi ro khác liên quan đến tình trạng nợ ngày càng dâng cao.

Những năm 1970, Liu theo học ở ĐH Renmin (Bắc Kinh) và lấy bằng cử nhân kinh tế ở đây. Sau đó ông có thời gian học tập ở Seton Hall University (bang New Jersey, Mỹ) và có bằng thạc sĩ ngành quản trị công của Kennedy School of Government (trực thuộc Harvard) năm 1995.

Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa (1966-76), Liu – khi đó là một công nhân và trước đó từng tham gia quân ngũ – được gửi tới miền Đông Bắc Trung Quốc. Sau này sự nghiệp của ông phần lớn là làm việc cho Ủy ban Kế hoạch nhà nước, cơ quan từng quy hoạch giá cả mọi mặt hàng ở Trung Quốc từ lúa mì đến xe đạp. Ông có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm của Trung Quốc.

Ông cũng là người đóng vai trò quan trọng thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khi thị trường tài chính toàn cầu lao đao vì khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi đó là Timothy Geithner và Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Summers đã kết nối với các lãnh đạo cao cấp nhất của Bắc Kinh thông qua Liu.

Câu chuyện thực đằng sau tốc độ tăng trưởng vượt dự báo của Trung Quốc

Bài viết mới