Chân dung Martin Schulz – Từ người bán sách và không có bằng đại học đến đối thủ của bà Angela Merkel

Từng là một người nghiện rượu, cầu thủ bóng đá và không có bằng đại học, Martin Schulz dường như không phải là ứng viên cho vị trí thủ tướng.

Tuy vậy, vào ngày 24/9 sắp tới, lá phiếu của hàng triệu người Đức sẽ quyết định liệu ông ấy có thể trở thành người thay thế bà Angela Merkel, người phụ nữ quyền lực nhất của đất nước có nền kinh tế mạnh nhất châu Âu từ năm 2005 đến nay.

Giống như Bernie Sanders của Mỹ và Jeremy Corbyn của Anh, ông là người của Đảng Dân chủ xã hội phải “đấu” với một nữ chính trị gia bảo thủ hơn. Và theo kết quả thăm dò, cơ hội dành cho ông là không được tốt lắm.

Liệu ông có thể làm được những gì mà 2 ông Sanders và Corbyn từng thất bại? Đây là những gì bạn cần biết về đối thủ của bà Merkel.

Ông Schulz là ai?

Cả Sanders lẫn Corbyn đều bị xem là những kẻ “ngoại đạo” cố gắng bước vào và làm xáo trộn nền chính trị chính thống. Và thời trai trẻ của Schulz dĩ nhiên cũng không giống như cuộc sống của một chính gia điển hình.

Một chấn thương đầu gối nghiêm trọng đã làm tiêu tan giấc mộng trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp của ông. Ông phải vật lộn với chứng nghiện rượu và chưa bao giờ học đại học mà chỉ làm việc trong một nhà sách và sau đó trở thành thị trưởng thành phố nhỏ nơi mình sinh sống.

Tuy nhiên, Schulz vẫn thường nói về quãng thời gian trước đây với 1 niềm tự hào. “Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi thực sự đã rơi vào tình cảnh khó khăn, mở ra cuộc khủng hoảng trong cuộc đời tôi”, ông nói với các cử tri Đức trong 1 video trực tiếp phát trên YouTube hồi đầu tháng 9.

Thế nhưng6 năm qua, ông là chủ tịch Nghị viện châu Âu, và đã là thành viên của tổ chức này suốt 16 năm trước đó.

Chiến dịch của ông Schulz ​

Schulz đã dùng chiêu “kẻ ngoại đạo” từ lúc bắt đầu chiến dịch – và thành công.

Tỷ lệ ủng hộ dành cho Đảng Dân chủ xã hội (SPD) tăng vọt sau khi ông trở thành lãnh đạo hồi tháng giêng, và thu hút thêm 20.000 thành viên mới trong những tháng sau đó.

Vô số ảnh chế đã được dựng lên để nói về chiến dịch tranh cử của ông Schulz, trong đó có áp phích “Hi vọng” giống như ông Obama và những lời kêu gọi “Biến châu Âu vĩ đại trở lại” giống ông Trump.

Chìa khóa thành công của Sanders và Corbyn là một chiến dịch mạnh mẽ nhắm vào những người bình thường trong xã hội, và điều đó cũng rất cần thiết với những nỗ lực của SPD.

Tobias Nehren, người phụ trách chiến dịch trên internet của SPD, đã ở Mỹ vài tuần trước cuộc bầu cử năm ngoái, và nhận được nhiều lời khuyên hữu ích từ các nhà hoạt động từng làm việc cho Sanders và đối thủ của ông là bà Hillary Clinton.

Trong những tháng gần đây, ông đã kêu gọi những người ủng hộ mới trên mạng của SPD đổ ra đường, gõ cửa hàng triệu gia đình.

Và giống như Sanders and Corbyn, ông Schulz đã huy động phần lớn tài chính cho chiến dịch của mình từ nhiều nguồn hiến tặng.

Nhưng thiếu tiền hiện đang là một vấn đề và ông đã mất đi sự ủng hộ ban đầu dành cho mình, rơi lại phía sau trong các cuộc thăm dò ý kiến và không còn có những phát biểu mang tính tầm nhìn hướng về các đề xuất chính sách cụ thể hơn.

Đối thủ của ông

Có lẽ rắc rối lớn mà ông Schulz phải đối mặt là đối thủ của ông ấy. Bà Merkel là người rất dày dặn kinh nghiệm và là đối thủ quá nặng ký”, Charles Lees, giáo sư chính trị tại đại học Bath của Anh, tranh luận.

Bà hiếm khi đề cập đến tên ông Schulz trong chiến dịch và thường bị cho là lảng tránh những vấn đề gây tranh cãi và không trình bày những chính sách cụ thể. Những chiến lược đó cũng khiến cho ông Schulz khó tung ra đòn tấn công nào thành công.

Một “cuộc đấu tay đôi” trên truyền hình giữa 2 ứng viên hôm 2/9 vừa qua được xem là cơ hội của ông Schulz để tấn công đối thủ của mình và chứng tỏ ông là một sự thay thế thích hợp. Tuy nhiên, có ít đòn tấn công của ông khiến cho bà Merkel nao núng.

Cử tri

Cả hai ông Sanders và Corbyn đều thu hút được những cử tri không hài lòng với thực trạng hiện tại, chán ngán với những năm thắt lưng buộc bụng và những chính trị gia “chỉ giỏi nói”.

Dù ông Schulz “rao giảng” một thông điệp tương tự – chống sự bất bình đẳng và bóc lột công nhân, ủng hộ đầu tư của chính phủ và công lý xã hội – nhưng dường như không hiệu quả.

“Không giống như những nền kinh tế Anglo-Saxon khác, các cử tri bình thường hiện khá hài lòng. Đó không phải là những cử tri không hạnh phúc. Đúng là hiện có những có những vấn đề, nhưng chúng không rõ ràng lắm”, giáo sư Lees phân tích.

Ngoài ra, các cử tri Đức “có khuynh hướng rất ghét rủi ro chính trị vì lịch sử của đất nước họ”, ông nói thêm.

Lịch sử hậu chiến của Đức dường như ủng hộ điều đó. Quốc gia này chỉ có 8 nhà lãnh đạo kể từ năm 1949 đến nay, và 3 trong số họ đã giữ chức vụ ít nhất 12 năm.

Trong khi cả hai ông Sanders và Corbyn về cơ bản đều chiến đấu giành quyền lực với những đối thủ bảo thủ hơn thì ông Schulz lại đang làm việc trong một hệ thống đa đảng phức tạp hơn.

Điều đó cản trở ông và tổ chức của ông theo 2 cách.

Chính phủ Đức gần như luôn được hình thành từ sự liên minh giữa các đảng với nhau, và Đảng Dân chủ xã hội của ông Schulz đã lãnh đạo cùng với Đảng Bảo thủ của bà Merkel trong 4 năm qua.

“Nếu ông chỉ trích chính phủ của bà Merkel thì cũng có nghĩa là ông đang chỉ trích đảng của mình”, Dan Hough, giáo sư chính trị tại đại học Wessex, phân tích.

Hệ thống đa đảng cũng có nghĩa là những người khác biệt quan điểm chính trị thật sự có thể tìm thấy chỗ trú chân trong những đảng nhỏ hơn.

Đó là nơi mà các cử tri bất mãn cũng sẽ được thu hút. “Sự tồn tại của một đảng cánh tả là điều mà 2 ông Corbyn và Sanders chưa bao giờ phải đương đầu”, giáo sư Hough giải thích.

“Tôi không thể nghĩ ra ai khác trong đảng SPD có cơ hội tốt hơn Martin Schulz, nhưng thắng cử là một điều khó mà đạt được. Ông ấy cần phải tìm ra được một phương pháp hiệu quả để ‘đấu’ với bà Merkel, điều mà đến giờ ông ấy vẫn chưa làm được”, Hough nói thêm.

Bà Merkel đang đánh mất cả Đức và EU?

Bài viết mới