Chân dung 7 lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc vừa lộ diện

Trưa ngày hôm qua (25/10), Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức ra mắt tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh. Bước trên thảm đỏ, Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn đầu nhóm gồm 7 thành viên sẽ thường xuyên gặp nhau hàng tuần để bàn luận và vạch ra phương hướng quản lý mọi vấn đề của đất nước chiếm gần 1/5 dân số thế giới.

Dưới đây là những nét chính về 7 lãnh đạo cao nhất vừa ra mắt của Trung Quốc.

1. Ông Tập Cận Bình (64 tuổi)

Với việc Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc nhất trí đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào Điều lệ đảng, vị thế của Chủ tịch Tập Cận Bình được đánh giá là đã sánh ngang với các cố lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Trong khi ông Mao là người lập nên nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, ông Đặng là kiến trúc sư của công cuộc cải cách mở cửa nền kinh tế Trung Quốc.

Trong 5 năm của nhiệm kỳ đầu tiên, ông Tập đã thể hiện tham vọng tăng cường sức mạnh địa chính trị của Trung Quốc, thúc đẩy nhiều cải cách về mọi mặt.

2. Ông Lý Khắc Cường (62 tuổi)

Vị trí Thủ tướng được cho là rất phù hợp với ông Lý Khắc Cường bởi ông là 1 tiến sĩ kinh tế và từng là nhân vật thân cận hàng đầu của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Ông Lý có thế mạnh về phát triển kinh tế, kiểm soát giá, tài chính, biến đổi khí hậu và quản lý kinh tế vĩ mô.

Ông được cho là có công lớn trong việc vực dậy nền kinh tế của tỉnh Hà Nam, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở tỉnh Liêu Ninh, một tỉnh bị ảnh hưởng mạnh của quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước.

3. Ông Lật Chiến Thư (67 tuổi)

Không chỉ là một trong số ít những quan chức cấp cao thường tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình trong các chuyến thăm ngoại giao, ông Lật chính là người hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến tiền trạm trước khi ông Tập thăm chính thức đến Nga năm 2015.

Trước khi trở thành Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Trung ương Đảng từ năm 2012, ông đã có nhiều thập kỷ công tác tại Thiểm Tây và Hắc Long Giang. Trong những năm 1980, ông có thời gian làm việc cùng với ông Tập khi công tác tại tỉnh Hồ Bắc.

4. Ông Uông Dương (62 tuổi)

Năm 2012, việc giải quyết tốt vụ bất ổn liên quan đến chính sách thu hồi đất đai ở làng Ô Khảm (tỉnh Quảng Đông) giúp ông Uông Dương lọt vào danh sách những nhân vật quyền lực nhất thế giới của tạp chí Time.

Ông Uông nổi lên là một người có tiếng nói khá mạnh mẽ trong một cuộc tranh luận công khai về kinh tế Trung Quốc. Ông là người ủng hộ nhóm chính sách thúc đẩy tự do kinh tế có tên gọi “mô hình Quảng Đông” mà theo đó trao nhiều quyền hơn cho các tổ chức phi lợi nhuận và công đoàn. Đây là cách tiếp cận đối lập với “mô hình Trùng Khánh” của nhân vật đã “ngã ngựa” Bạc Hy Lai – người chú trọng vai trò của các cơ quan nhà nước và một xã hội có tính thống nhất cao.

5. Ông Vương Hồ Ninh (62 tuổi)

Ông Vương đã có 2 thập kỷ đóng vai trò là 1 chuyên gia về chính sách đối ngoại và nhà nghiên cứu chính trị có tầm ảnh hưởng khá lớn. Ở vị trí Trưởng ban Nghiên cứu chính sách Trung ương và là cựu Hiệu trưởng của trường ĐH Luật Phục Đán, ông Vương được cho là có đóng góp ý tưởng xây dựng học thuyết “Ba đại diện” của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân; cố vấn cho học thuyết “Quan điểm Phát triển Khoa học” của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào; và mới đây là quan điểm “Giấc mộng Trung Hoa” của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông luôn nhấn mạnh cơ chế lãnh đạo tập trung thay vì phân tán. Việc ông Vương Hồ Ninh có mặt trong danh sách ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh tư tưởng về cơ chế lãnh đạo tập trung.

6. Ông Triệu Lạc Tế (60 tuổi)

Sinh năm 1957, ông là thành viên trẻ nhất trong 7 ủy viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc. Từng làm bí thư thành phố Tây Ninh, tỉnh trưởng Thanh Hải và sau này là bí thư Thiểm Tây, năm 2012 ông được chọn làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương, phụ trách việc bổ nhiệm nhân sự đảng và biên soạn các báo cáo chi tiết về những lãnh đạo tiềm năng của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Sau 5 năm ở vị trí này, ông được mệnh danh là “bàn tay sắt” chống tham nhũng mới của Trung Quốc, sẽ là người kế thừa và tiếp tục chiến dịch truy quét tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình.

7. Ông Hàn Chính (63 tuổi)

Trong hơn 3 thập kỷ mà ông Hàn Chính trải qua nhiều vị trí lãnh đạo từ thấp đến cao ở Thượng Hải, thành phố này đã thay da đổi thịt từ một thuộc địa cũ thành biểu tượng cho một Trung Quốc hiện đại. Ông là người dẫn đầu vụ đầu tư 44 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng để chuẩn bị cho Shanghai Expo năm 2010.

5 năm tiếp theo, Trung Quốc sẽ cải cách kinh tế như thế nào?

Bài viết mới