Bỏ việc kỹ sư viễn thông để… đi bán mỹ phẩm
Cách đây đúng 14 năm, Nguyễn Hải quyết định chia tay đồng nghiệp và nghề kỹ sư viễn thông để bước sang lĩnh vực kinh doanh. Mẹ anh giận đến mức không muốn gặp mặt mỗi ngày bởi niềm tự hào, hy vọng, cũng như công sức nuôi anh ăn học thành kỹ sư. Cũng không khó hiểu vì sao bà giận đến mức vậy bởi Hải vốn tốt nghiệp khoa công nghệ thông tin rồi làm việc cho Mobifone từ năm 1997. Để xoa dịu tình hình, Hải quyết định chuyển ra ngoài ở riêng.
Những năm đầu thập kỷ 2000, kỹ sư viễn thông được xem là nghề danh giá cùng đồng lương đủ để một mình Hải lo cho cả gia đình. Cùng thời điểm này, vợ anh cảm thấy tù túng với công việc bếp núc, nội trợ, muốn được ra ngoài làm việc, Hải quyết định nộp hồ sơ cho vợ kinh doanh mỹ phẩm. Thời điểm này, công ty mỹ phẩm Oriflame bắt đầu đặt chân vào Việt Nam và tìm đối tác, vợ Hải bắt đầu tập tành kinh doanh từ đó.
Công việc của vợ thuận lợi cùng với thời gian linh hoạt, lại có thêm thu nhập, Hải thi thoảng giúp vợ ship hàng tới người này người kia. Sau một thời gian, vợ Hải ngỏ lời muốn anh chuyển nghề, bởi tin rằng anh có khiếu kinh doanh.
Phải đến tháng 12/2003, Hải mới quyết định bỏ hẳn việc kỹ sư viễn thông để tham gia kinh doanh mỹ phẩm cùng vợ. Một phần động lực khiến anh dứt khoát hơn đến từ lời khuyên của một người thầy rằng sản phẩm chỉ là một phương tiện giúp cho việc kinh doanh. Lời khuyên này giúp anh xóa tan đi e ngại, định kiến về nam giới kinh doanh mỹ phẩm.
Trên thực tế, trước khi bán mỹ phẩm, Hải cũng từng thử sức “đi buôn”, khi nhanh nhạy gom điện thoại “cục gạch” về bán cho cánh tài xế có nhu cầu về pin khỏe để kiếm chênh lệch.
Sau vài lần thất bại trước khi thuyết trình đám đông, dần dần Hải và vợ quen với những sự kiện giới thiệu sản phẩm tới mọi người. Là một trong những người đầu tiên tham gia vào Oriflame, 2 vợ chồng anh cũng được công ty thưởng cho chuyến đi du lịch nước ngoài như Úc hay Thượng Hải trong khi đó là niềm mơ ước xa vời trước đó.
Cái nhìn tiêu cực về kinh doanh đa cấp
Thời gian đầu vào Việt Nam, mô hình kinh doanh của Oriflame khá hiệu quả từ đó mang lại thu nhập cho những người như vợ chồng Hải. Bán hàng đa cấp (Multi- level marketing) là hình thức bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua mạng lưới các nhà phân phối gồm nhiều tầng, nhiều nhanh. Bản chất của mô hình này là cách bán hàng trực tiếp dựa trên các mối quan hệ và tiếp thị truyền miệng.
Các nhà phân phối này được trả hoa hồng/thu nhập từ kết quả bán hàng của bản thân họ và kết quả bán hàng của những người do họ bảo trợ. Tuy nhiên sau khi về Việt Nam, một số công ty áp dụng mô hình này biến tướng thành lừa đảo, đặc biệt là giai đoạn sau năm 2010.
Những thông tin tiêu cực về kinh doanh đa cấp cũng như nhiều công ty mỹ phẩm khác nhảy vào thị trường khiến vợ chồng Hải gặp khó khăn trong việc bán hàng và phát triển đội ngũ tư vấn viên. Năm 2012, có thời điểm hệ thống bán hàng của vợ chồng anh bị đứt tới 60%.
Phải mất tới 5 năm để vợ chồng Hải xây dựng lại mạng lưới cũng như cập nhật những phương pháp bán hàng mới dựa trên công nghệ, bán hàng online. Thậm chí Hải không ngại tổ chức những buối hướng dẫn đào tạo sau 9h tối, để truyền lại quy trình làm việc, mở rộng hệ thống kinh doanh của mình. Hiện mạng lưới của Hải gây dựng lên tới 60.000 tư vấn viên độc lập. Những người mà Hải hướng tới là những người có thu nhập thấp cũng như muốn thay đổi cuộc sống như sinh viên, nhân viên văn phòng, công nhân, mẹ bỉm sữa.
Với mô hình bán hàng đa cấp, ngay tại Mỹ cũng có nhiều luồng ý kiến gây tranh cãi bởi dễ gây ra tình trạng lợi dụng, lừa đảo. Ủy ban thương mại Mỹ cũng từng cảnh báo hãy tránh xa những mô hình MLM trả phí để bạn tuyển dụng nhà phân phối mới vì đây chính là mô hình kim tự tháp bất hợp pháp. Mô hình này nguy hiểm vì sẽ sớm sụp đổ khi không thể tuyển thêm thành viên mới và khi đó tất cả trừ những người ở đỉnh tháp sẽ trắng tay.
Lời cảnh báo này cũng chính là nhiều trường hợp lừa đảo đã xảy ra tại Việt Nam. Ví dụ mới đây nhất là trường hợp công ty Phúc Gia Bảo bán cà phê đa cấp lừa đảo 328 tỷ đồng. Ban đầu, người lập công ty này triển khai kinh doanh cà phê nhãn hiệu Organo – Gold của Mỹ dưới hình thức bán hàng đa cấp nhưng không hiệu quả. Sau đó để có tiền, công ty này đưa ra các gói đầu tư để các nhà đầu tư lựa chọn và được cam kết trả lợi nhuận 37-200%/tháng.
Những vụ án lừa đảo lợi dụng kinh doanh đa cấp vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về tài sản, bức xúc xã hội cũng đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội nhắc đến trong phiên họp Quốc hội tháng 6 vừa qua. Chiều 20/6, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018 trong đó sẽ phạt hình sự bán hàng đa cấp không theo quy định. Theo đó, người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, hoặc hoạt động không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có thể bị phạt tiền tối đa đến 5 tỷ đồng, phạt tù tối đa đến 5 năm tù.
Quay trở lại với Hải, sau 14 năm làm việc cho Oriflame, Tập đoàn này đánh giá anh là một trong ba nhà lãnh đạo đem lại doanh số tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu (TOP 3 Fastest Growing Leaders). Tuy nhiên con đường sự nghiệp của vợ chồng Hải sắp tới không bằng phẳng khi năm 2018 đã đến, quy định mới về quản lý đa cấp sẽ được áp dụng chặt chẽ hơn, cũng như để xóa bỏ được định kiến lừa đảo cũng là điều không phải là dễ dàng.