Trong phiên thảo luận với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam làm sao để cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại tại thị trường Việt Nam và nước ngoài” trong một sự kiện tại TP HCM ngày 6/12, CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn đã chia se những câu chuyện về Tiki trong cuộc đối đầu với những đối thủ lớn và cả câu chuyện của taxi truyền thống với Uber, Grab.
* Tôi còn nhớ có người từng gọi Tiki là Amazon của Việt Nam. Nhưng anh Sơn nói Tiki không phải là “Amazon của Việt Nam” mà là Tiki của thế giới. Anh có thể chia sẻ gì về câu chuyện này?
– Ai cũng có ước mơ rất lớn. Khi làm Tiki, bản chất tôi biết thị trường bán lẻ của Việt Nam tăng trưởng mạnh, từ 8-10%. Thị trường năm nay là khoảng 86 tỷ đô la Mỹ. Trong vòng vài năm tới có thể là 200 tỷ đô.
Có ai đánh thuế ước mơ. Với những gì Tiki đang xây dựng, sẽ tới một ngày nào đó chúng tôi sẽ mang dịch vụ của mình ra ngoài Việt Nam. Tuy nhiên, đó không phải ước của 2-3 năm tới mà là của 10 năm tới. Đó là nguồn động lực rất lớn đối với chúng tôi.
Hôm nay, chúng ta nói chuyện cạnh tranh với những người khổng lồ. Thương mại điện tử (TMĐT) toàn khổng lồ, Alibaba cũng đã vào Việt Nam. Trong khi mọi người lo lắng về chuyện đó thì tôi xin nói một con số: Trong 5 năm Lazada hoạt động ở Việt Nam, năm Alibaba mua Lazada là năm mà Tiki phát triển rất tốt. Tôi nhớ cách đây 5 năm, Tiki được định giá 2 triệu đô giờ đã gấp 80 lần con số đó rồi.
Có 2 thứ ở đây.
Thứ nhất, nếu lo lắng thị trường nhỏ thì mình sẽ bó hẹp trong thị trường nhỏ.
Cách đây 5 năm tôi làm thì không biết thị trường có lớn không. Trong khi đó ngành bán lẻ 85 tỷ đô, tăng trưởng 8-10% thì TMĐT tăng tối thiểu là 35%. Những người khổng lồ là lời khẳng định về kích cỡ thị trường. Hiện giờ TMĐT vào khoảng 2-3 tỷ đô. Vài năm nữa sẽ là khoảng 16 tỷ đô. Với thị trường 16 tỷ đô thì chắc chắn sẽ có những công ty trong nước trị giá hàng tỷ đô.
Bên cạnh đó, khi người khổng lồ vào thì họ đẩy thị trường lên. Họ mang tới nguồn lực, định giá thị trường. Những khổng lồ thì có đối thủ khổng lồ. Có quỹ đầu tư cực lớn đã đầu tư vào Tiki. Tiki có sự đồng hành của nhiều tập đoàn từ Nhật, Mỹ, Đài Loan. Nếu không có những người khổng lồ vào thị trường Việt Nam thì mình không có nhận đầu tư của người khổng lồ khác.
Thứ hai là không có kẻ thù vĩnh viễn. Có người cạnh tranh với mình hôm nay thành mai đối tác, nhà đầu tư của mình. Không có gì phải lo lắng khi có những đối thủ khổng lồ.
* Vậy theo anh, Vinasun, Mai Linh có cạnh tranh nổi với Uber và Grab không?
– Không có gì là không thể. Vấn đề ở đây là thay đổi.
* Theo anh, nên thay đổi như thế nào?
– Thay vì uýnh nhau thì hợp tác. Ý tưởng điên khùng ở đây là Vinasun có thể hợp tác với Mai Linh được không, hay hợp tác với một công ty công nghệ hàng đầu hay thậm chí với Grab, Uber.
* Ecommerce không có biên giới. Bước tiếp theo của Tiki là gì?
– Tôi thấy thị trường mua sắm những thứ mà “cầm nắm được” còn lớn nhưng luôn có thử nghiệm mới. Cuối năm nay, chúng tôi có dịch vụ bán vé máy bay. Tiki sẽ bán bảo hiểm vì thị trường này tăng trưởng cao.
* Đâu là thách thức mà doanh nghiệp Việt phải vượt qua?
– Trong công nghệ, sáng tạo là chắc chắn có. Chuẩn mực thì chỗ nào cũng cần. Đôi khi thấy mình nhỏ quá nhưng nhỏ phải có giấc mơ lớn. Mọi thử thách phải trở nên nhỏ hết khi có ước mơ lớn. Khi ước mơ lớn thì phải chăm chỉ, cố gắng. Amazon giao hàng nhanh và chúng tôi cũng phải giao hàng nhanh. Hiện giờ là giao hàng trong 2 tiếng, bất chấp tắc đường. Đặt mình phải tốt nhất có thể, Tiki mơ giấc mơ lớn là phục vụ hàng trăm triệu dân. Nếu thất bại trong cạnh tranh là do mình dở. Nếu có ước mơ lớn thì mình sẽ có động lực để bước tiếp.