CEO Lafooco: Ngành điều khủng hoảng do tập quán mua bán và sản xuất

Ngành điều hiện nay đang đối mặt với nhiều khủng hoảng trong chu kỳ giá xuống. Theo Hiệp hội điều VN (Vinacas) trên phạm vi cả nước có khoảng 80% nhà máy, cơ sở chế biến điều đã tạm dừng hoạt động. Nhiều nhà máy khác phải hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu và chấp nhận thua lỗ.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng điều nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2018 đạt 537 nghìn tấn, giảm 21%. Trong khi đó, giá trị hạt điều nhập khẩu đạt 1,15 tỷ đồng chỉ giảm 12% cho thấy điều nguyên liệu đã bị đẩy giá lên.

CEO Lafooco: Ngành điều khủng hoảng do tập quán mua bán và sản xuất - Ảnh 1.

Sản lượng và giá trị điều nhập khẩu đều giảm trong nửa đầu năm 2018.

Phóng viên NDH đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Tuân – Tổng giám đốc CTCP Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (Lafooco) để hiểu rõ hơn về thực trạng, nguyên nhân và hướng đi của ngành.

CEO Lafooco: Ngành điều khủng hoảng do tập quán mua bán và sản xuất - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Duy Tuân – CEO Lafooco.

Thưa ông, ngành điều đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó thiếu nguyên liệu đang là bài toán khó với các nhà máy. Xin ông cho biết thực trạng nguồn nguyên liệu điều hiện nay ra sao?

Ông Nguyễn Duy Tuân: Khó khăn chủ yếu về nguyên liệu là bị phụ thuộc vào nhập khẩu. Việt Nam chỉ cung ứng 300.000 tấn nguyên liệu trong khi nhu cầu cho sản xuất là 1,6 triệu tấn, do vậy nhập khẩu là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất. Nắm được yếu tố này, các nhà nhập khẩu đã cố tình ém hàng, ép giá, đưa các điều kiện thanh toán ép khiến bên mua chịu nhiều rủi ro.

Các nước có nguyên liệu trên thế giới lại đưa ra các chính sách đánh thuế xuất khẩu nguyên liệu, phổ biến ở mức 5-10%, chủ yếu bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Không chỉ khó khăn về nguyên liệu sản xuất mà giá cả và thị trường xuất khẩu cũng gặp khó, ông đánh giá như thế nào về thị trường hạt điều hiện nay?

Sau khủng hoảng 2011, ngành điều đã có chuỗi 6 năm tăng giá liên tiếp và hiện cao hơn rất nhiều so với các hạt khác, chỉ kém hạt macca.

Tuy nhiên, thị trường điều nhân bắt đầu giảm kể từ tháng 10/2017 đến nay và chưa có đợt hồi phục. So với giá nhập đầu vụ thì giá hiện tại tại Việt Nam giảm 10-25%.

Trong thị trường giá xuống, những công ty mua ít, tồn kho cuối 2017 ít sẽ lỗ ít. Những công ty đã mua số lượng lớn đủ cho sản xuất cả năm, tồn kho 2017 nhiều sẽ lỗ nhiều hơn vì họ phải trích lập tồn kho cuối 2017 và các hợp đồng mua nguyên liệu cho mùa vụ 2018.

Theo đánh giá của Cashewinfo, thị trường lúc này rất yếu và chậm chạp, điều thô tại Tây Phi tồn nhiều. Ngoài ra, tài chính bị gián đoạn cũng làm chậm lại chuỗi cung ứng. Về điều nhân, thông tin khá mâu thuẫn, khi các nhà rang chiên nói sản phẩm tiêu thụ chậm, trong khi số liệu xuất khẩu lại tăng. Nếu cả 2 thông tin đều đúng có nghĩa là hàng đang được trữ tồn kho, điều này đồng nghĩa với các nhà mua nhân sẽ mua chậm lại.

Hiệp hội đã từng lên tiếng về tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa các nhà máy, xin ông cho biết về thực trạng sản xuất và cạnh tranh đang diễn ra như thế nào?

Việt Nam sản xuất khoảng 1,6 triệu tấn/tổng sản lượng thế giới 3,6 triệu tấn. Khả năng sản xuất này đến từ hơn 1.000 nhà máy điều lớn nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết trong số đó là các doanh nghiệp tư nhân, dẫn đến cạnh tranh bát nháo, dư thừa công suất, giảm chất lượng và cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Thủ phủ Điều Việt Nam là Bình Phước, giống như vùng Kollam của Ấn Độ đang gặp rất nhiều khó khăn và tình trạng các nhà máy sản xuất ngưng hoạt động. Theo thống kê thì hiện nay 60-70% các nhà máy nhỏ đã ngưng sản xuất do tình trạng thua lỗ kể từ tháng 9/2017 khi giá bắt đầu đi xuống.

Tại Long An, 33 nhà máy sản xuất điều đến thời điểm hiện tại chỉ còn 12 nhà máy đang hoạt động.

Với những thực trạng trên, theo ông đâu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khó khăn của ngành?

Hầu hết các nhà máy hiện trong tình trạng thua lỗ. Nguyên nhân là do tập quán mua nguyên liệu khi mùa vụ đến và sản xuất bán nhân điều vào cuối năm. Do vậy, việc lỗ lãi phụ thuộc lớn vào diễn biến giá. Theo quy luật, thường giá rẻ vào chính vụ và giá sẽ lên ở trái vụ. Tuy nhiên có một vài năm sẽ đi ngược quy luật như 2007, 2011 và năm nay 2018.

Về chính sách cho vay, ngân hàng sẽ giảm cho vay và siết các điều kiện cho vay, tăng lãi suất đối với ngành điều năm 2018.

Phương thức thanh toán với điều nhập khẩu phải đặt cọc 10% và thanh toán 88% khi nhận bộ chứng từ, như vậy rất bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam khi đã thanh toán đến 98% mà chưa nhận được hàng hóa.

Các nhà mua lớn châu Âu, Mỹ biết được tình trạng ngành điều như vậy đã mua chậm lại, chờ đợi các mức giá thấp hơn để mua.

Vậy theo ông doanh nghiệp nên làm gì để vượt qua khủng hoảng?

Tình hình thực trạng ngành điều năm 2018 đang gặp khủng hoảng lớn theo chu kì giá xuống 5-6 năm một lần và với mỗi chu kì giá xuống thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho các doanh nghiệp sản xuất và chế biến điều.

Do vậy, doanh nghiệp cần thận trọng trong việc bảo toàn vốn và tìm mọi cách để lỗ ít nhất so với ngành nhằm vượt qua giai đoạn khủng hoảng và phát triển trở lại vào các năm tiếp theo.

Xin cảm ơn ông!

Lafooco (LAF): Quý 4 lãi cao nhờ doanh thu tài chính

Bài viết mới