Đặt chiếc Iphone màu đỏ xuống bàn sau khi nghe xong một cuộc điện thoại, bà Đoàn Ngọc, CEO của Công ty Cổ phần CANIFA, liếc nhìn chiếc đồng hồ đeo tay cũng màu đỏ để đánh dấu mốc thời gian bắt đầu nói chuyện rồi mỉm cười: “Ok, tôi sẵn sàng trả lời đây”.
Tại sao không hỏi tôi có vui không?
Tháng 9/2016, Zara mở cửa hàng đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh, đánh dấu sự có mặt tại Việt Nam. Tháng 7/2017, đến lượt H&M tiến quân vào. Tiếp sau đó, nhiều nhãn hiệu thời trang bình dân quốc tế như Uniqlo, Forever 21, Stradivarius… cũng đánh tiếng chuẩn bị đổ bộ vào thị trường đầy tiềm năng này.
Cảnh các tín đồ thời trang kiên nhẫn xếp hàng để “được” mua đồ trong ngày đầu khai trương khiến cho thị trường thời trang Việt Nam cũng như truyền thông sốt xình xịch. Câu hỏi “phải làm gì để cạnh tranh với các hãng fast fashion (thời trang nhanh) quốc tế” lại được đặt ra với các thương hiệu Việt Nam. Nhưng thực tế nhìn lại thị trường, cũng chẳng có cái tên nổi bật nào có mô hình hoạt động tương đương, ngoài CANIFA.
“Tại sao không hỏi tôi có vui không mà lại hỏi có sợ không?”– bà Đoàn Ngọc mỉm cười – “Đây là nhà mình, là đất của mình mà.”
Nữ CEO của CANIFA còn cho rằng, sự xuất hiện của các nhãn hàng quốc tế là cơ hội để nhân viên công ty học hỏi về dịch vụ, tiếp cận cách thức vận hành cửa hàng và nghiên cứu cách khách hàng đối diện với thời trang.
Nhìn nhận một cách khách quan, Zara, H&M đã khiến cho thị trường thời trang sôi động hơn rất nhiều. Mặc dù CANIFA từng ghi dấu ấn với việc tài trợ cho các chương trình Đồ Rê Mí, Project Runway, Vietnam Next Top Model nhưng đến khi các hãng quốc tế đổ bộ thì người ta mới nhắc đến CANIFA nhiều hơn.
Mặt khác, bà Đoàn Ngọc nói, việc các hãng thời trang quốc tế đổ bộ vào Việt Nam đã chứng tỏ rằng đây là thị trường tiềm năng với nhu cầu đang ngày một tăng lên. Đó là môi trường tích cực cho những doanh nghiệp trong ngành.
“Từ khi chúng tôi sinh ra, họ đã tồn tại. Chúng tôi đã thấy họ từ rất lâu rồi, nếu như sợ, chỉ có con đường duy nhất là phải nhìn và chuẩn bị từ trước”- bà Đoàn Ngọc khẳng định.
Định vị của CANIFA là Thời trang dành cho Tất cả
CANIFA hiện là nhãn hàng duy nhất của Việt Nam định vị là hãng thời trang dành cho nhiều hoàn cảnh sử dụng, từ nam đến nữ, từ người lớn đến trẻ em và có chuỗi phân phối lớn với hơn 100 cửa hàng trên cả nước. Với mức giá từ 200.000 đến 1 triệu đồng, CANIFA không định vị ở phân khúc cao cấp mà chọn mức giá phù hợp với số đông. Và đặc biệt, điều mà nhãn hàng này muốn tạo sự khác biệt là độ bền.
Nữ CEO cho biết, nếu như bộ sưu tập của các nhãn hàng quốc tế “đánh” mạnh vào màu sắc và họa tiết để cuốn hút khách hàng bằng tính thời trang thì CANIFA chọn tính chất thời trang vừa đủ (tức là vẫn bắt kịp xu hướng nhưng sản phẩm phải có vòng đời sử dụng dài hơn, được thể hiện bằng chất liệu tốt và không có sự thay đổi lớn về mẫu mã). Chiến lược này phù hợp với hoàn cảnh, thu nhập của phần đông người tiêu dùng Việt Nam còn khiêm tốn và nhu cầu mặc khác biệt chưa quá lớn.
“Định vị của CANIFA là thời trang dành cho tất cả nhưng tất cả ở đây là dành cho những ai chú trọng đến chất lượng, đến nguồn gốc xuất xứ và có quan điểm: giá cả đáng đồng tiền bát gạo.”- bà Đoàn Ngọc nhấn mạnh.
Chính vì thế, bà Đoàn Ngọc cho rằng “CANIFA là một hãng thời trang nhanh (fast fashion) nhưng yếu tố nhanh “vừa đủ”. Nói một cách ví von, nếu như Zara là một cô gái thành thị sành điệu, Uniqlo là những người 40 tuổi chỉn chu, H&M là cô gái trẻ thì CANIFA sẽ trẻ hơn Uniqlo nhưng đủ trưởng thành để nhận thức được khả năng chi trả của mình, để chọn những sản phẩm vừa đủ về tính thời trang, có chất liệu tốt và giá cả phù hợp.
“Chúng tôi không đi theo nhưng các nhãn hàng quốc tế như Zara, H&M hay Uniqlo là cảm hứng và có nhiều điều để chúng tôi tham khảo và học hỏi” – bà Đoàn Ngọc chia sẻ.
Dẫu sao, các hãng thời trang quốc tế như Zara, H&M và trước đó là GAP, Mango mới chỉ tập trung ở các thành phố lớn và kênh phân phối hạn chế. Đứng ở góc độ mặt bằng giá, giá sản phẩm của họ vẫn cao so với thu nhập và khả năng chi trả của số đông khách hàng Việt Nam. CANIFA vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Một cửa hàng của CANIFA – nơi cả gia đình có thể chọn quần áo
Tạo ra sự khác biệt rất khó khăn nhưng thành quả rất ngọt ngào
CANIFA ra đời từ 16 năm trước, được vận hành bởi bộ phận kinh doanh của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Hoàng Dương – một công ty có 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu do hai anh trai của bà Đoàn Ngọc thành lập.
Sản phẩm khi đó cũng chỉ có áo len, chủ yếu để xuất khẩu và trong 5 năm đầu, công ty đem ký gửi áo để bán tại cửa hàng của các công ty may khác như: Thăng Long, May 10, Hanosimex… “chúng tôi quyết định mình phải làm gì khác đi vì không thể chỉ sản xuất rồi đem ký gửi. Vì thế, chúng tôi xây dựng bộ nhận diện thương hiệu của CANIFA, bắt đầu mở cửa hàng đầu tiên tại phố Tôn Đức Thắng” – bà Đoàn Ngọc kể.
Năm 2014 chứng kiến sự bùng nổ của nhãn hàng có màu sắc nhận diện là màu đỏ rực rỡ – màu mà nữ CEO yêu thích. Theo dữ liệu của Công ty Cổ phần Nghiên cứu Ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), doanh thu năm 2014 của Hoàng Dương tăng vọt lên 159 tỷ đồng trong khi các năm trước chưa đến 100 tỷ đồng. Năm 2016, doanh thu của công ty này đã tăng lên đến gần 600 tỷ đồng.
Doanh thu của Canifa tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây
Nói về sự bùng nổ này, bà Đoàn Ngọc lý giải đơn giản: Đó là thời điểm chín muồi khi doanh nghiệp có đủ sức mạnh để mở rộng kênh phân phối sau một thời gian “ươm mầm”.
Trong khi nhãn hàng CANIFA lớn lên thì nhiều thương hiệu thời trang Việt có tiếng một thời lại trầm xuống và đến nay, không mấy người biết đến dù họ vẫn tồn tại. Do thời trang ngoại (bao gồm cả Trung Quốc) quá mạnh hay do doanh nghiệp Việt đang yếu đi?
Bà Đoàn Ngọc chia sẻ quan điểm: “Sự thành công của các nhãn hàng quốc tế là câu trả lời mạnh mẽ nhất cho việc chỉ có nội lực của chúng ta không chịu thay đổi để phục vụ đúng nhu cầu của khách hàng chứ không phải khách hàng không có nhu cầu về thời trang.”
Dễ dàng nhận thấy thời trang là ngành biến động nhanh nhất và với CANIFA, họ đã thay đổi và có chiến lược định vị thương hiệu rõ ràng, khác biệt. Do đó CANIFA đã phát triển từ một cơ sở chỉ chuyên ký gửi hàng hóa thành một trong những nhãn hàng Việt thành công nhất hiện nay.
“CANIFA là CANIFA chứ không phải là Zara, H&M hay Uniqlo” – Bà Ngọc khẳng định lại một lần nữa – “Nhưng nhờ họ, người ta nhận ra Việt Nam hiện chỉ có một nhãn hàng như CANIFA. Tạo sự khác biệt là rất khó khăn nhưng thành quả của sự khác biệt là rất xứng đáng”.