Theo Tien Tzuo, CEO và đồng sáng lập của Zuora, một start-up có giá trị hơn 3 tỷ USD đang có những bước chuyển mình vô cùng đặc biệt, những quan điểm về “quyền sở hữu” đang dần được thay thế bằng “ý tưởng chia sẻ”. Thay vì mua đĩa CD hoặc DVD giờ đây chúng ta đi thuê, các công ty cũng trả tiền thuê các phần mềm đám mây để quản lý dữ liệu chứ không còn mua về nữa. Nếu trước đây chúng ta trả tiền để sở hữu độc quyền một thứ gì đó thì hiện nay, chúng ta có xu hướng thanh toán theo tháng/quý/năm tùy theo nhu cầu sử dụng.
Sự vận động này của nền kinh tế là một điều tất yếu đã được Tzuo đoán trước. Tzuo từng là nhân viên số 11 tại Salesforce, một trong những công ty phần mềm đi tiên phong trong khái niệm về phần mềm dựa trên đăng ký. Ông rời Salesforce vào năm 2008 để thành lập Zuora, một công ty phần mềm kế toán dựa trên ứng dụng đám mây giúp các công ty lập hóa đơn cho các dịch vụ thuê bao của họ.
Tzuo đã đặt cược toàn bộ sự nghiệp của mình vào những gì ông gọi là “nền kinh tế đăng ký”.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng những việc ông làm không khác gì công ty cũ là bán những phần mềm đám mây, ngoại trừ việc thay vì mua trọn gói thì họ phải trả tiền theo tháng. Nhưng với Tzuo, suy nghĩ đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại trong tương lai.
Nếu trước đây, trong nền kinh tế đăng ký này, bạn phải thuyết phục khách hàng mua sản phẩm thì bây giờ, quan trọng hơn là bạn phải thuyết phục được họ tiếp tục sử dụng sản phẩm/dịch vụ đó. Để làm được điều đó, bạn phải thay đổi rất nhiều, từ cách điều hành công ty, cách xây dựng sản phẩm, cách làm tiếp thị hay thậm chí cả văn hóa công ty.
Vì sao học trường kinh tế không thực sự đúng đắn?
Tzuo nhận thấy, kiến thức ở các trường kinh tế còn đi sau thực tế rất nhiều. Ông từng khẳng định trong một lần phỏng vấn: “Đừng theo học các trường kinh tế. Tất cả những gì bạn đi học ở trường ngày nay đều chậm hơn 20 năm so với thực tại”. Lý giải điều này có thể là do những kiến thức sách vở không cập nhật kịp thời xu hướng thị trường ngày nay và điều đó khiến cho những kiến thức thu lượm được trở nên thừa thãi, vô dụng.
Thay vào đó, Tzuo khuyến khích đọc thêm nhiều sách về lĩnh vực này đồng thời mở rộng các mối quan hệ trong ngành để học hỏi và đúc kết thêm nhiều kinh nghiệm thực tế, tăng thêm trải nghiệm. “Tập trung vào khách hàng và ngừng nghĩ về sản phẩm/về chính mình đi thì bạn sẽ tìm thấy con đường đúng đắn”.
CEO của Amazon – Jeff Bezos cũng đồng tình với quan điểm của Tzou. Trong khi thế giới không ngừng đổi dời thì những công ty sống sót chính là những nơi am hiểu khách hàng sâu sắc hơn. Đây cũng chính là nguyên lý để Amazon vẫn tiếp tục tăng trưởng, theo phân tích của Tzuo. “Amazon biết tôi đã mua bán những gì, xem những bộ phim nào và giờ, thông qua Alexa, họ còn biết tôi đang băn khoăn những gì nữa cơ”.
Khi bạn biết chân dung khách hàng của mình là ai, bạn có thể trực tiếp giao tiếp với họ và từ đó, thay đổi cách bán hàng, tiếp thị, thiết kế sản phẩm, chăm sóc khách hàng để “phục vụ” khách hàng tốt nhất.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, chính Jeff Bezos – CEO Amazon đã khẳng định: “Chúng tôi chỉ liên tục nói về nó, về khách hàng chứ hoàn toàn không phải về đối thủ… Hãy nhớ, dù đối thủ có ở trước bạn bao xa thì cả bạn và đối thủ đều vẫn ở sau khách hàng. Họ là tiêu chuẩn cuối cùng”, Bezos giải thích.