Sinh năm 1981, anh Trần Hải Quang hiện là người sáng lập, CEO Clingme, một ứng dụng di động giúp khách hàng vừa tìm được địa điểm ăn uống, mua sắm tốt nhất; vừa nhận lại một phần tiền (cashback) sau mỗi lần thanh toán. Clingme đã từng làm xôn xao cộng đồng khởi nghiệp khi trải qua ba lần gọi vốn thành công: đầu tiên là 50.000 USD, lần hai là 200.000 USD và cuối cùng là 2,5 triệu USD.
Từ kinh nghiệm của mình, anh Quang cho biết trong quá trình gọi vốn, quan trọng nhất không phải là tiền mà điều mấu chốt các startup cần phải biết là mình đang làm gì, thời điểm tìm đối tác mình cần gì nhất, nếu cần tiền thì số tiền phù hợp là bao nhiêu. Rất nhiều startup nhận vốn “khủng” nhưng chỉ tiêu xài hoang phí và sau đó thất bại.
“Các cổ đông ở Clingme khuyên tôi khi đi gọi vốn hãy đi chậm thôi, đừng có gọi ngay 5, 10, 20 triệu USD, vì chúng tôi đang hoạt động ở Việt Nam, không phải ở Mỹ. Cứ so sánh tương quan GDP với nhau thì 2,5 triệu USD ở Việt Nam có thể ngang với với 25 triệu USD bên Mỹ rồi”.
Cũng theo anh, trong tập Shark Tank phát sóng gần đây, một startup lên gọi vốn với 2 lựa chọn: 27 tỷ đồng cho 15% cổ phần hoặc 67 tỷ cho 30%. Việc này không logic trong định giá công ty và cũng không có logic khi một startup “nhận 27 tỷ cũng được mà nhận 67 tỷ cũng được”.
“Quan trọng nhất là startup nhận số tiền phù hợp với sự phát triển của mô hình, phù hợp với khả năng của mình. Gốc của vấn đề lúc này là bạn hiểu công ty của bạn, bạn hiểu chính bạn”.
CEO Trần Hải Quang (thứ 3 từ phải sang) trong buổi giao lưu gần đây với sinh viên tại Hà Nội.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm gọi vốn thành công, CEO Clingme cho biết các startup hãy tìm cho mình một người tư vấn (mentor) phù hợp. Người này sẽ giúp startup chuẩn bị cho quá trình định giá công ty, xem các phương pháp định giá ra sao, thế nào là định giá tốt nhất.
Ngoài ra khi gặp nhà đầu tư, mỗi startup nên có phần chuẩn bị 30s để giới thiệu công ty của mình. Mục tiêu của 30s ấy không phải để xin tiền, mà để xin 30 trình bày tiếp theo hoặc xin một cuộc hẹn tiếp theo.
“Sai lầm lớn nhất của startup là lúc nào cũng chăm chăm đến tiền: em cần tiền, anh có tiền cho em không, anh sẽ cho em bao nhiêu tiền”.
“Nếu các bạn tốt thì tiền sẽ tự về . Nhà đầu tư này có thể rót vốn ít nhưng biết đâu anh ấy sẽ kéo theo người khác về đầu tư cho mình. Vậy nên đừng bao giờ đặt vấn tiền lên đầu tiên dù đây là vấn đề quan trọng”.
Một điểm nữa anh Quang nhấn mạnh đó là các startup nên cố gắng tập trung phát triển công ty và tích cực đi hỏi ý kiến nhà đầu tư hay chuyên gia, vì rất có thể trong quá trình xin tư vấn, góp ý, những người này sẽ nảy sinh ý định đàu tư.
CEO Clingme lấy ví dụ thực tế về một người bạn của mình, đang làm startup công nghệ trong lĩnh vực bất động sản. Người này đã nhận được cam kết cam kết đầu tư 5 tỷ cho 17% cổ phần và muốn gọi vốn tiếp từ một nhà đầu tư Mỹ đang sống tại Việt Nam. Nhà đầu tư Mỹ cho biết không có ý định rót vốn vì thị trường trong nước đã có một công ty rất lớn, cộng thêm việc ông đã đầu tư vào một công ty tương tự ở Myanmar.
“Tôi bảo anh bạn rằng cứ đi gặp đi, nhưng khi gặp đừng nói gì đến chuyện đầu tư, chỉ xin ý kiến xem mô hình Myanmar đang làm thế nào và tại sao nhà đầu tư nghĩ mình không thể thắng được cái ông số 1 thị trường kia. Tôi cũng nhắc bạn tôi trình bày cho nhà đầu tư biết anh ấy định làm gì, và dự định ấy sẽ cần bao nhiêu tiền, chứ không đề cập đến chuyện kêu gọi nhà đầu tư rót vốn. Kết quả là nhà đầu tư thấy kế hoạch tốt, tầm tiền vừa phải nên đồng ý nói chuyện tiếp và tự đưa ra đề nghị đầu tư”.
Từ câu chuyện có thật phía trên, anh Trần Hải Quang khẳng định quá trình gọi vốn chính là quá trình kêu gọi niềm tin, chia sẻ tầm nhìn, kế hoạch kinh doanh giữa startup và nhà đầu tư. “Tiền là vấn đề quyết định nhưng đừng bao giờ đặt nó lên đầu tiên”, anh kết luận.