CEO Bita’s Đỗ Long: Ra chiến trận tướng phải dẫn đầu

Khi những sản phẩm giày dép của Bita’s đang phủ sóng khắp các tỉnh thành, tạo nên sức hút của một thương hiệu Việt bền chí trước làn sóng cạnh tranh quyết liệt của các thương hiệu ngoại, thì cũng là lúc ông Đỗ Long bước sang một ngã rẽ mới.

Dành hết tâm sức, uy tín, thậm chí cả tiền bạc cá nhân, để dồn sức tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp đúng nghĩa nhất, ông đã dẫn dắt một đội ngũ gồm 37 ngàn thành viên kết nối với những bộ óc quản trị tiên phong của Việt Nam, để dẫn dắt cuộc chơi lớn với tinh thần hy sinh, xả thân vì cộng đồng khởi nghiệp.

Ngày 28/10, CLB Quản trị và Khởi nghiệp kỷ niệm 1 năm thành lập với hàng loạt hoạt động tích cực dành cho cộng đồng khởi nghiệp, ông có thể cho biết ý tưởng nào đã giúp ông đưa ra những cách làm khác biệt, đầy sức sống cho CLB non trẻ này?

Tôi cũng đã từng quan sát cách làm của các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, cũng từng muốn tham gia tư vấn, nhưng không khéo họ lại hiểu mình khác đi. Trước nay, tôi thấy hoạt động hội đoàn của cả nước mình thiên về tập hợp doanh nhân để chủ yếu phản ánh chính sách một cách thụ động, thiếu tính chủ động trong triển khai các hoạt động cụ thể liên quan đế quản trị doanh nghiệp và kết nối, tương tác trong kinh doanh.

Mình là người đi sau, nên phải có cách làm khác biệt. Nghiên cứu các hiệp hội doanh nghiệp của thế giới làm thế nào để mình làm khác họ, hoặc cái nào hay của họ mình học hỏi, từ đó đưa ra các hành động mới mẻ.

Trong điều kiện điều lệ của CLB chưa có, mình nói anh em thôi cứ chủ động làm, ai có kiến thức về quản trị doanh nghiệp cứ đứng lớp, có lớp 20-30 người, có lớp 200-300 người, tự nhiên từ đó sẽ có gắn kết.

Rất vui là các thành viên cũng bỏ thời gian đi học, có tương tác, từ đó thảo luận đưa ra cái mới. Các buổi học đều được đánh giá 7-8 điểm.

Anh em doanh nhân có tâm, bỏ thời gian đứng lớp, nhất là chủ tịch tập đoàn KIDO Trần Kim Thành. Thứ bảy, chủ nhật đáng lẽ là thời gian giành cho gia đình, nhưng anh trực tiếp viết giáo trình, đứng lớp, góp ý cho từng anh em. Sự nhiệt tình của anh Thành đã lôi kéo rất nhiều anh em doanh nhân khác tham gia đứng lớp, chẳng những ở Sài Gòn mà còn bay ra Hà Nội nữa.

Rồi những mạnh thường quân cho miễn phí nơi giảng, những chất xúc tác này làm cho không khí học hành đến rất tự nhiên. Anh em CLB chỉ tốn mấy trăm ngàn học phí, không áp lực. Kết quả ban đầu từ những khóa học đó, anh em đánh giá lại cách khởi nghiệp, điều hành, có người rất thành công. Đó là tác động trực tiếp, khác hẳn cách làm việc của các hội đoàn hiện nay.

Ông Đỗ Long và thành viên CLB Quản trị và Khởi nghiệp.

Trong khi chờ đợi, tôi cũng mong các hội đoàn khác chuyển đổi theo hình thức hoạt động này, chứ không chỉ đến để … nhậu nhẹt là chính, anh em tới lúc nào đó cũng ngán

Tháng 11 này tôi sẽ dẫn một đoàn sang gặp gỡ 40 doanh nghiệp Đài Loan với 29 ngành nghề, tùy các bạn lựa chọn, hợp tác…

Thông qua CLB đã thúc đẩy hợp tác giữa đại học Y dược và các bệnh viện ở Đài Loan để mở Trung tâm khám chữa bệnh quốc tế tại TP HCM, giúp cho các khách hàng Việt Nam và FDI có thể khám chữa bệnh trong môi trường hiện đại, với dàn bác sĩ trong và ngoài nước giỏi trong nhiều lĩnh vực.

Trung tâm đã mở cửa, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Y tế Đài Loan đã đến cắt băng khánh thành. Sắp tới Trung tâm sẽ nâng cấp trang thiết bị và dụng cụ khám bệnh để giới doanh nhân có thể đến khám chữa bệnh với dịch vụ cao.

Làm thế nào một CLB chẳng có quyền hạn nào trong tay mà đánh động cả nước với những hoạt động phong phú trong nhiều lĩnh vực như vậy?

Ở nhà riết bà xã cũng không biết mình làm “Bộ” gì, từ khởi nghiệp sang giáo dục, y tế…mỗingày mất mấy giờ cho CLB. Những tổ chức nếu chỉ dừng lại ở phong trào thì đến một ngày nào đó sẽ …dẹp tiệm! Tôi nghĩ từ phong trào thu hút rất đông bạn trẻ tham gia này, phải gạn lọc tinh chất lại, để tạo ra giá trị lớn hơn, quay trở lại củng cố cho số đông.

Từ 15 anh em tinh gọn lại, CLB sẽ bắt đầu sang Đài Loan để quan sát, tìm hiểu các vấn đề hợp tác kinh doanh trong nông nghiệp, hải sản, ngư nghiệp, kể cả những vấn đề đào tạo. Đó là nỗ lực dựa trên nền tảng không lý thuyết, không đong đếm, chỉ chọn lựa dự án, chọn lựa anh em trong CLB có kiến thức tham gia vô, tổ chức trao đổi thường xuyên. Người ta đi đàm phán mấy năm không xong, mình chỉ có 1,5 năm, dự án giữa đại học Y dược và các bệnh viện của Đài Loan là dự án mang tính xã hội cao nhất.

Mục tiêu CLB đi theo ba hướng: Y dược, giáo dục nghề, gắn liền với quy trình chuyển đổi kinh tế 4.0. Sắp tới CLB sẽ thực hiện những chương trình liên kết với Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ, đều là nghề hot cho giới trẻ Việt Nam có thể ứng dụng được trong cuộc cách mạng số.

Tôi luôn thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài “Đầu tư ở Việt Nam đi, mấy ông đừng lo gì cả”.

Hiện một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đang nhờ tôi đàm phán với phía Đài Loan để hợp tác liên kết trong việc khám chữa bệnh tại Việt Nam. Bên cạnh đó thúc đẩy các trường đào tạo hộ lý, bác sĩ từ Việt Nam sang Đài Loan đào tạo. Có khả năng 1 năm đào tạo từ 200 sinh viên hoàn toàn miễn phí một cách dài hạn, đây là cam kết của người đứng đầu Bộ Y tế Đài Loan.

Mảng giáo dục, tận dụng các chương trình của Mỹ do một ủy viên của CLB là tiến sĩ luật, thành viên của Amcham đảm trách. Anh ấy có văn phòng ở Bangkok, Hongkong, với thế mạnh về luật quốc tế, và rất yêu Việt Nam.

Anh sẽ giúp cho các đối tác Việt Nam sang Mỹ học về luật. Tôi đã bàn với anh để đưa ra 30 ngành nghề cho anh em CLB chọn lọc, kiếm địa điểm tổ chức đào tạo thường xuyên. Đây sẽ là mô hình mới về giáo dục tại Việt Nam

Đưa ra slogan “ We are One”, thông điệp mà anh muốn gửi gắm đến mọi thành viên trong CLB là gì?

Tôi muốn nhấn mạnh mỗi một người đều quan trọng, không tách rời nhau, mỗi người đều có trách nhiệm chung cho CLB.

Quan sát các hoạt động của hội đoàn hiện nay, tôi thấy tiếng vang không có, mình không la, nhưng có cách nào đó hành động để mọi người cùng nhận được cái gì thiết thực, mọi người đều có tiếng nói, đóng góp nhất định. Những nơi khác đang tranh nhau về chức vụ, bằng cấp, còn ở đây lo học thuật và ứng dụng.

Anh em vui lắm, ngồi họp dỡn với nhau thoải mái, sau đó có tổng kết, đánh giá, việc ai nấy lo, người này bận người khác nhảy vô, trong mối quan hệ đó nên cách làm cũng khác. Mấy anh Đài Loan nói chưa thấy CLB nào giống vậy, lạ quá.

Quan điểm của tôi ngay từ đầu là các vị đảm nhận vai trò cao trong CLB theo nhiệm kỳ phải xuống để người khác lên thay. Mình là người sáng lập cũng phải tuân thủ nguyên tắc đó, còn ngồi lâu quá riết mọc rễ mọc cây thì CLB làm sao phát triển nổi. Nhiều người nói CLB này đâu có lương, đâu có vai trò chính trị gì mà đúng 1 năm phải xuống? Tôi nghĩ mình là người tiên phong, phải tạo nền tảng vững chắc để dù có ai lên thay thì hoạt động của CLB vẫn giữ được phong độ, sẽ tồn tại, có độ bền vững.

Chúng ta đang hàng ngày nói về hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng làm thế nào để tạo ra nó thì vẫn chưa có một chiến lược hoạch định cụ thể từ Nhà nước tới các hiệp hội doanh nghiệp, nhìn sang các nước, ông có thể chia sẻ quan sát của riêng mình?

Hệ sinh thái khởi nghiệp cần có nhiều tầng, tầng thứ nhất là những doanh nghiệp hiện hữu có tên tuổi, có kinh nghiệm tái khởi nghiệp để theo kịp xu thế 4.0, tốc độ tăng trưởng không bị chậm lại, không bị thôn tính. Tầng thứ hai là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tái khởi nghiệp để cạnh tranh với các doanh nghiệp thế giới. Tầng thứ ba là các bạn trẻ khởi nghiệp.

Việt Nam nên học kinh nghiệm của Đài Loan, Nhật Bản để tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp. Nhắc đến Nhật Bản, chúng ta thường nghĩ đến những tên tuổi lớn như Mitsubishi, Toyota…, nhưng cả nền kinh tế lại dựa vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX, chiếm đến 70% GDP quốc gia. Tập hợp sức mạnh từ những doanh nghiệp nhỏ nên sẽ không bị khủng hoảng.

Startup Việt Nam đang rơi vào định hướng rất nguy hiểm, các em làm xong mô hình gì đó thành công, không quyết liệt đeo bám cho mô hình lớn mạnh để sanh đẻ ra các mô hình khác, mà chỉ bán … lúa non, giống như trúng số mà không biết cách sẽ …nghèo hơn.

Mô hình startup Nhật Bản, Hongkong là phải đeo bám tới cùng. Vai trò Nhà nước cực kỳ quan trọng, họ có cả một Bộ chuyên quản lý về khởi nghiệp, chăm lo cho khởi nghiệp nên mới bật lên mạnh mẽ. Đài Loan từ 1970-1980 đã quy hoạch khu công nghệ cao Tân Trúc, từ đây “đẻ” ra bao nhiêu nhà khoa học, tỷ phú Đài Loan, 70% startup Đài Loan cũng từ đó ra. Tôi vô KCN Tân Trúc cảm giác như vô rừng, nhưng trong đó có đầy đủ nhà hàng, khách sạn, rạo chiếu phim, khu nghiên cứu khoa học…Không có KCN Tân Trúc thì không có Đài Loan hôm nay.

Con trai tôi đang thực tập ở đó, được hưởng lương, được cấp căn hộ, có chỗ tập thể dục thể thao, đọc sách, siêu thị…Lương đảm bảo đủ sức trả cho tất cả mọi chi phí sinh hoạt, thậm chỉ còn thừa tiền. Cách đào tạo của họ là người đi trước hướng dẫn người đi sau, “mở” hoàn toàn. Thăm một nhà máy sản xuất ung thư ở Đài Loan chỉ có 60 người điều hành, toàn bộ tự động hết. Người ta sẵn sàng cho mình tham quan, vì họ thấy thế giới ngày càng nhỏ lại, cởi mở hơn, sẵn sàng chia sẻ, chứ không lưng chừng như hệ sinh thái của mình.

VN bắt đầu không muộn, nhưng không được chậm. Tổng thống Pháp mới đã thấy Paris chậm chân hơn các nước khác, ông đã quyết định xây dựng một Trung tâm riêng, cho người ta đến đó suy nghĩ, khởi nghiệp. Qua Israel, tôi ngỡ ngàng, lúc nào trong nói chuyện, ăn uống, sinh hoạt các vị chính khách đều kích thích trí tuệ sinh viên phải khởi nghiệp, với những khẩu hiệu rất tích cực. Đất nước muốn mạnh giàu phải có những khẩu ngữ hành động được, đừng tốn tiền vô ích vào những khẩu hiệu suông.

Với quy mô dân số VN, chưa thấy TP nào có quy hoạch từ 3 đến 5 hecta cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Đáng lý Nhà nước và các hiệp hội phải vận động các doanh nghiệp lớn để xây dựng các khu startup rộng lớn hoàn toàn miễn phí dành cho người khởi nghiệp. Bằng quan hệ rộng lớn của họ với nhiều quốc gia, các doanh nhân lớn sẽ kêu gọi các nhà khoa học từ nước ngoài về để giúp đỡ cho sinh viên học hành tới nơi tới chốn. Tại sao Đài Loan nói tiếng Anh nhiều như vậy là nhờ tiếp cận với sách vở và giáo dục quốc tế từ rất sớm.

Trong kiến nghị của tôi với Thủ Tướng đã đề cập đến việc kêu gọi các DN lớn tham gia tạo ra khu sinh thái khởi nghiệp với điều kiện miễm phí hoàn toàn vì cộng đồng. Còn để startup phát triển tự phát như hiện nay thì chưa thể tạo ra giá trị, sẽ bị triệt tiêu lẫn nhau, như câu chuyện TheKAfe, vì không có môi trường startup tích cực giúp họ.

Một nền tảng thị trường mới đang thay đổi cách thức startup thế nào thưa ông?

Đài Loan đi tới nền tảng ở đâu cũng startup được hết. Một cửa hàng bán giày dép Puma bây giờ mở cửa theo kiểu ngoài dày dép còn bán cà phê, có thể kêu đồ ăn vừa coi giày dép, có chỗ trao đổi kỹ thuật làm giày dép, sau đó họ nhận lại những người giỏi nhất vào công ty làm việc.

Thị trường đang đi theo một cung cách hoàn toàn mới, những trung tâm bán sách của Đài Loan mở cửa 24/24, có ba tầng, một tầng giành cho các em sáng tạo, những tác phẩm đặc biệt được trưng bày, thậm chí thiết kế cái áo, cái nón với giá rất đắt…

Ai muốn mua bản quyền về sản xuất cũng được. Nếu ai không có điều kiện ở khách sạn có thể đến đó ngủ lại, làm việc luôn… đó mới là hệ sinh thái, bất cứ chỗ nào cũng có ánh sáng, không khí khởi nghiệp…

Tại sao Fahasa không làm thí điểm đi, kết hợp giữa quán cà phê và tiệm sách, tiệm ăn nhẹ, có cả gội đầu, matsa… Tích hợp nhiều thứ trong một là bước đi gắn liền với sáng tạo, với nhu cầu, sự thuận tiện, chi phí và giá cả sẽ đi theo, đó là con đường mới rộng mở cho các startup.

Ông Đỗ Long bên bộ sưu tập tranh của mình.

Ông Đỗ Long bên bộ sưu tập tranh của mình.

Trong bối cảnh kinh doanh đầy bất trắc, các doanh nghiệp đàn anh rất ngại chia sẻ những bí mật bên trong thực sự của từng doanh nghiệp, làm thế nào để ông có thể thuyết phục ông Trần Kinh Thành, Trần Bá Dương, Mai Hữu Tín… bật mí các bí quyết kinh doanh?

Thực sự phải rất…kỳ công, rất kiên nhẫn, thậm chí lỳ lợm nữa. Muốn mời Trần Kim Thành đến giảng phải mời đi ăn sáng, sau đó tổ chức 20 người cho anh ấy nghe tâm tư của họ. Hóa ra doanh nghiệp nhỏ vất vả không chỉ từ chính sách mà cả cách thức kết nối với những “ông lớn” doanh nghiệp.

Ngược lại mấy anh lớn cũng muốn gặp DN nhỏ nhưng không biết bằng cách nào? Ở Đài Loan, họ tạo ra luật lệ khiến mấy DN lớn muốn tồn tại phải dựa vào DN nhỏ, để cung cấp các công nghệ phụ trợ.

Còn Việt Nam đâu có thúc đẩy công nghệ phụ trợ. Mình đang đặt mục tiêu này để dẫn dắt, tạo môi trường cho DN lớn gặp gỡ DN vừa và nhỏ.

Cần nhất là phải có cái tâm, bỏ thời gian, đi thuyết phục, nhờ thế sau này các doanh nhân cởi mở hơn. Tuy nhiên, đa số vẫn ngại ngùng đứng trước đám đông, cần có lý luận. Phải có sợi chỉ gắn kết quyền lợi và nghĩa vụ làm cho đất nước mạnh hơn mới quy tụ được anh em.

Tôi mơ đến khi nào mỗi doanh nghiệp Việt Nam được phân công lao động đầy đủ, đảm trách từng công đoạn. Còn vẫn tự làm tự ăn thì năm nay có thể được mùa, năm sau thất bát. Phải tin nhau thì mỗi người mới phụ trách được một công đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhưng thực sự vẫn có khoảng cách giữa các đại gia với DN nhỏ, văn hóa người giàu không chơi với người nghèo… Để cộng đồng mới lập nghiệp phát triển, phải có mấy ông lớn chịu hy sinh, từ bỏ lợi ích riêng vì cái chung. Còn mình mỗi người yêu nước một kiểu, nên DN chỉ biết kiếm tiền bỏ túi thôi.

Tôi cũng rất tiếc chưa mời được anh Lý Ngọc Minh chủ thương hiệu gốm sứ Minh Long, vì anh ấy bận quá, nhưng anh ấy sẵn sàng chia sẻ. Thậm chí tôi còn dự định mời cả anh Lý Xuân Hải, nguyên CEO ngân hàng ACB đến chia sẻ. Phải có những nhân vật lạ lạ như vậy mới tạo được sức hút với anh em. Tuy nhiên, vẫn có người hứa hết rồi tới giờ trốn mất, bực lắm. Tâm lý lớn nhất là sợ …đụng chạm.

Tiếp xúc với những người rất trẻ trong CLB đã tác động thế nào để quản trị doanh nghiệp của Bita’s?

Việc đầu tiên tôi phải sắp xếp lại công việc của mình, vì nó đảo lộn mọi thứ. Trong quá trình sinh hoạt CLB, tôi lồng ghép nhân viên tham gia vào, lấy cái mới về, đồng thời đưa anh em từ CLB về công ty huấn luyện, lập tức thấy có chuyển biến. Thậm chí còn mời một chuyên gia rất giỏi về sales đến công ty giảng dạy, thanh toán bằng…giày dép! Để anh đi làm từ thiện. Anh em giảng dạy ở Bita’s, doanh nghiệp nhìn vào thấy hiệu quả cũng mời gọi tham gia trực tiếp giúp các DN khác, tạo ra giá trị. Trả ơn trên tinh thần đó cũng là cách mình muốn đeo bám.

Tham gia CLB, mình được gì? Nếu được tiếng thì phải dành hoài cái chức chứ, nhưng đằng này tôi sẵn sàng từ chức khi hết nhiệm kỳ. Quan trọng nhất là xây dựng quy trình, nền móng, để từ nay về sau mọi thứ đều đi theo con đường đó. Nhiều anh chị em làm nhiều ngành nghề khác nhau, khó khăn có thể trao đổi, đóng góp, cái được lớn nhất là trở thành bạn bè thân, cà phê cà pháo, ngày lễ ngày nghỉ đi chơi với nhau, cách thức tiếp cận không e dè.

Facebook của CLB cũng là nơi tập hợp được lượng bài khổng lồ, ai cũng viết bài, ai cũng mở lòng hết, trở thành một cuốn sách mở phong phú và đầy cuốn hút về kinh doanh và các giá trị sống?

-Công nghệ đóng vai trò lan tỏa, xây dựng, đóng góp cực kỳ quan trọng. Thậm chí chúng tôi có thể xây dựng KPI đánh giá từng ban, từng hội viên. Đội ngũ anh em đủ trình độ, ai khiếm khuyết gì lập tức người khác bổ sung. Hơn nữa lớp doanh nghiệp tham gia CLB đều tương đối trẻ, dẫn dắt được cuộc chơi lớn, đầy đủ bản lĩnh. Họ phần lớn ở độ tuổi 30-40 tuổi, đã có va chạm nhiều công ty, trên nền tảng học thức căn bản, có đào sâu nghiên cứu, khả năng viết lách cực kỳ mạnh, có sự chú tâm. Cuối cùng là họ biết chịu trách nhiệm.

Công nghệ làm cho nút thắt chặt chẽ hơn, hình thành những chương trình một cách hệ thống. Họp hành phân công cũng gọn nhẹ, chuẩn bị đầy đủ trước hết để vô là chỉ kết thôi. Giờ mà những CLB khác muốn làm theo cũng… khó, trừ phi là CLB tự giải tán thôi. Thậm chí vừa rồi Chủ tịch Bến Tre, chủ tịch Bình Thuận cũng nhờ tôi giúp xây dựng mô hình như vậy, nhưng vấn đề là con người.

Để CLB đi đến hôm nay, đòi hỏi một tinh thần dẫn dắt như thế nào từ người thủ lĩnh?

CLB tập trung đại bộ phận những người đã có cơ nghiệp rồi làm gốc, tròm trèm khoảng 300 doanh nghiệp thành viên cũng dữ dằn lắm rồi. Những người này thực sự muốn học hỏi, giao lưu, liên kết hợp tác. Muốn thế, trước tiên phải gạt bỏ tư tưởng cá nhân, chống sự ù lỳ, phải hy sinh nhiều hơn, vì cộng đồng DN nhiều hơn.

Ra chiến trận tướng phải dẫn đầu, không phải đứng sau thúc lính đi trước. Những nước mạnh là tướng dẫn đầu, đòi hỏi phải nhiệt tâm lắm. Làm việc với nhau cũng sẽ có mâu thuẫn, anh em khác đứng ra xử lý gọn, kết nó, không để cho ầm ỹ. Tinh thần tự nguyện, tự trọng, vì cộng đồng, tự chịu trách nhiệm mới làm được công việc xã hội này.

“Giày Biti’s chỉ bền ngang Bita’s nhưng có người kế nhiệm xuất sắc”

Bài viết mới