Người ta nói chuyện tốt đẹp nhất trên thế giới này chính là, khi bạn lớn lên, ba mẹ bạn chưa già đi. Khi bạn có đủ năng lực để báo đáp ba mẹ bạn, ba mẹ vẫn còn khỏe mạnh. Thế nhưng, sinh lão bệnh tử vốn là quy luật của đời người, dù là người cha bạn vẫn coi như anh hùng, hay người mẹ bạn tưởng chừng sẽ ở bên bạn mãi thì cũng có lúc phải rời xa…
Mà thông thường, rất nhiều người trong chúng ta lại nhận ra điều đó quá muộn. Để khi giật mình hối hận mới phát hiện bản thân chẳng còn cơ hội để ở bên những người thân yêu nữa. Đây cũng là lý do mà khi đọc bức thư gửi ba nơi thiên đường kèm theo cuốn sổ hướng dẫn sử dụng điện thoại viết tay dành cho mẹ mà một cô gái có nick name Hang Thai đến từ TP.HCM đăng tải lên Facebook, nhiều người đã không nén nổi nước mắt.
Trong thư, cô gái đã chuyện trò tâm tình với ba mình như thể ông vẫn còn ở ngay cạnh bên cô chứ chẳng ở đâu xa. Từ quan tâm ba cô ở trên trời không biết có bạn để nói chuyện thời sự hay không, có dõi theo mẹ con cô hay không đến việc kể xấu mẹ cô vì không chịu dùng chiếc điện thoại cô mới mua cho khuây khỏa. Kèm theo bức thư là những hình ảnh chụp lại cuốn sổ tay nhỏ mang tên “Cẩm nang sử dụng điện thoại” mà cô làm cho mẹ. Trong cuốn sổ có ghi chép lại đầy đủ chức năng cũng như cách sử dụng những ứng dụng mà ai trong chúng ta cũng có thể sử dụng ầm ầm kể cả khi nhắm mắt nhưng lại là cả một thử thách đối với ba mẹ.
Cuốn cẩm nang viết tay khiến nhiều người cay mắt
Trong cẩm nang là hướng dẫn sử dụng từ những ứng dụng như gọi điện đến chụp ảnh…
Xin trích nguyên văn bức thư:
Kính gửi ba!
Nơi nhận: Thiên đường.
Ba khỏe không, trên đó có bạn không ba? Có ai bàn chính trị với ba không? Ba có hay nhìn xuống con không ba? Để con kể ba nghe, hồi nãy con có xem một cái clip và con đã bật khóc nức nở khi câu cuối kết của clip vang lên: “Hãy để bố chăm sóc cho con”… Con ước gì… ước gì… con còn được nghe lời ngọt ngào ấy…
Con ghét coi mấy cái clip này quá ba ạ vì nó làm trái tim giả bộ mạnh mẽ của con yếu đuối hẳn đi… Đã dặn lòng là không coi, nhưng tay cứ click vào và rửa mắt thôi ba à.
Giờ con chỉ còn mẹ. Mẹ đã gần 60 tuổi rồi mới tiếp cận công nghệ như iPhone, Facebook, Zalo, Viber… Con, chính con đó ba, con là người ép mẹ phải dùng đến công nghệ để hỗ trợ mẹ tìm niềm vui trong cuộc sống… Cũng có lúc con bực bội vì chỉ hoài mẹ vẫn không biết xài điện thoại quẹt quẹt (cái mà mẹ nói chính là cái mình gọi là smartphone), rồi con chợt nhận ra ngày xưa con còn bé cũng chẳng biết cuộc sống bên ngoài như thế nào.
Ba ơi, ba là người dẫn đường, cầm đèn soi cho con đi trong bóng tối. Ba có giận khi con đi sai đường không? Có chứ, nhưng rồi cũng là đôi tay ấm áp to lớn ấy lại nắm tay con, đưa con đi và cho con những điều tốt nhất…
Có ba, mẹ ỷ y hoàn toàn vào ba. Mẹ bực lắm, cứ hở tí là nhắc: “Ba mày hồi đó giỏi lắm, mày không bằng 1 góc của ổng, ba mày mà ở đây thì không cần đứa nào làm, ổng tự làm hết.” Phải rồi, ba là kim từ điển, ba là superman, ba cái gì cũng làm được, nhưng… ba định cư trên thiên đường rồi… Thế thì giờ đây, vì cái lý do quái gì con lại cáu gắt khi mẹ không biết xài những công nghệ mới phải không ba?
Con đã viết ra 1 cuốn sổ tay nhỏ, vẽ những icon y như trong điện thoại di động, hướng dẫn cách xài để mẹ có thể dễ dàng nhận ra nếu mẹ không nhớ cách sử dụng…
Nhịn mẹ nhiều hơn, cũng như quan tâm mẹ nhiều hơn, để bù đắp lại những gì ba không còn làm được, cũng như báo hiếu lại những gì mẹ đã lo cho con từ lúc còn trong trứng nước hết mức có thể…
Oke không đồng chí ?
Kí tên
Đứa con gái bướng bỉnh của ba…
Những câu chữ giản dị mà tình cảm, cuốn cẩm nang mộc mạc mà chứa đầy yêu thương thực sự khiến cư dân mạng thấy vừa dễ thương lại vừa cảm động. Nhiều người cũng đã kể lại câu chuyện về ba mẹ mình cùng lời hứa nhất định sẽ quan tâm hơn đến gia đình khi còn chưa quá muộn.
Chủ nhân của bức thư cảm động và cuốn cẩm nang sử dụng điện thoại có một không hai này là Thái Thúy Hằng (kinh doanh tự do, đến từ TP.HCM). Hằng tâm sự ba của Hằng đã mất 3 năm nay rồi, nhưng mọi chuyện đối với Hằng vẫn như mới xảy ra hôm qua. Kể về ba, cô không giấu nổi sự tự hào và xúc động: “Ba mình giỏi lắm, cái gì cũng biết làm, ba như cuốn kim tự điển vậy đó. Mình và ba như 2 người bạn thân, mình thường gọi ba thân mật là bạn hay đồng chí. Hai ba con có thể ngồi bệt dưới lề đường nói về đủ thứ chuyện trên đời. Ba mình không nghiêm khắc với con nhưng cũng không phải là quá dễ dàng. Ba hay dạy mình rằng “vui sau cái vui của người khác”.”
Ba Hằng rất vui tính và hiểu con cái
Còn về phần cuốn cẩm nang viết tay chi tiết kia là tác phẩm Hằng dành riêng cho mẹ. Lúc ba Hằng vừa mất, Hằng và mẹ đã có một khoảng thời gian hết sức khó khăn. Bản thân Hằng thì buồn và trách bản thân nhiều vì cảm thấy ba đã khổ cực cả đời, chưa kịp sung sướng gì đã đi mất rồi. Còn mẹ Hằng thì bị sốc, nhưng vẫn gắng gượng tỏ ra không sao. Cứ đi làm về là mẹ Hằng lại đi từ thiện liên tục, giống như không cho bản thân có thời gian rảnh rỗi để suy nghĩ vậy. Thấy mẹ như thế, Hằng đã mua một chiếc smartphone để tặng mẹ. Lúc ban đầu mẹ kiên quyết không dùng vì điện thoại mẹ Hằng đang dùng là của ba Hằng mua.
Ảnh gia đình của Hằng hồi ba Hằng vẫn còn ở bên cả nhà
“Mấy ngày đầu cực lắm, chỉ hoài mà mẹ không biết, lại còn dọa mình “Tao đập nát nó bây giờ”. Mẹ mình kêu mấy cái “quẹt quẹt” này mẹ không biết xài, xong đòi trả lại mình. Nhưng sau đó có lần mẹ đi từ thiện mà máy chụp hình hết pin, người ta nói mẹ lấy điện thoại ra chụp, thế rồi mẹ mình mới tập xài đấy chứ.
Sau đó có đợt mẹ mình đi thiện nguyện xa mấy ngày liền, sợ mẹ không biết làm sao nên mình quyết định vẽ ra để cho mẹ cầm theo. Tại mình nghĩ mẹ mình đi với toàn người lạ, hỏi một lần người ta còn vui vẻ chứ hỏi nhiều lần người ta dễ khó chịu lắm, mẹ mình thì không rành mấy thứ này.” – Hằng chia sẻ về lý do cuốn cẩm nang sử dụng điện thoại di động độc đáo này ra đời. Lo mẹ không đọc được nhiều chữ, tiếng Anh lại càng không, Hằng đã tự viết tay từng chữ rất to rồi vừa vẽ vừa thêm chú thích để mẹ dễ sử dụng.
Để mẹ đọc được, Hằng không chỉ cố gắng viết chữ thật to mà còn kèm theo cả hình minh họa
Hằng cho biết cô chia sẻ bức thư gửi ba và cuốn cẩm nang đặc biệt dành cho mẹ lên mạng chỉ với một mục đích muốn nhắn nhủ đến tất cả mọi người: “Hãy đọc và suy ngẫm lại cách mình sống có đủ cho gia đình chưa, và trân trọng cha mẹ khi còn đủ đầy. Đừng để mất đi rồi giờ có ao ước cũng bằng thừa…”.