Câu chuyện xin việc của hai thanh niên trẻ
Một ngày nọ, hai cậu thanh niên đến xin việc tại một cửa hàng bách hóa tại thành phố Omaha thuộc tiểu bang Nebraska, Hoa Kì. Một người xuất thân nghèo khó, vừa chăn nuôi vừa bán chuột hamster kiếm sống qua ngày, nhưng giữa cuộc đại suy thoái toàn cầu những năm 30 lại trở nên bần cùng. Người kia trẻ tuổi hơn, là cháu nội của chủ tiệm, bảo lưu việc học và chấp nhận làm những công việc chân tay, từ bán kẹo cao su đến bán coca dạo.
Mỗi tháng, mỗi người được trả 2 USD cho công việc của mình. Tuy số lương không nhiều nhưng từng ấy số tiền đã giúp hai cậu thanh niên sống sót qua khỏi cơn đại khủng hoảng kinh tế. Vài thập kỉ sau, con số 2 USD đã tăng lên hàng tỷ và từ 2 USD, họ đã thu được về hơn 20 tỷ USD lợi nhuận từ tập đoàn của chính mình.
Hai cậu thanh niên đại tài ấy chính là Charlie Munger và Warren Buffett – hai ông chủ của Berkshire Hathaway, tập đoàn đầu tư lớn nhất hiện nay của Mỹ. Tuy nhiên, bí quyết thành công và làm giàu của các vị tỷ phú hàng đầu thế giới này lại rất đơn giản và ai cũng có thể làm theo.
Warren Buffet dành 80% thời gian một ngày để đọc sách
Vào năm 2007, tỷ phú Charlie Munger đã tiết lộ bí mật thành công của họ cho các sinh viên trường Luật: “Tôi đã gặp rất nhiều người thành công trong cuộc sống, họ không phải là những người quá giỏi hay quá siêng năng nhưng họ chăm chỉ học hỏi. Họ tỉnh dậy với cái đầu khôn ngoan hơn ngày hôm trước, và việc này đã nâng đỡ họ trên con đường chạm tới thành công”.
Khoảng thời gian đầu lập nghiệp, Warren Buffett đã đọc từ 600-1000 trang sách mỗi ngày để bồi bổ thêm thông tin cho bản thân. Ngay cả đến bây giờ, dù đã thành công và có danh tiếng, tỷ phú này vẫn dành 80% thời gian mỗi ngày để đọc sách. Thậm chí, một chia sẻ của ông đã trở thành cảm hứng bất tận cho nhiều người: “Không cần biết bạn đang ở vị trí nào của cuộc đời, chỉ cần không ngừng học hỏi, sự thành công sẽ tìm đến bạn”.
Tỷ phú của những cuốn sách
Ngoài Munger và Buffett, những người thành công và nổi tiếng trên thế giới đều có một niềm tin mãnh liệt vào việc đọc sẽ dẫn tới thành công. Thậm chí, một nghiên cứu thực hiện trên 1.200 người giàu trên thế giới cho thấy đọc sách là thú vui chung của họ.
Tỉ phú Bill Gates, nhà sáng lập hãng Microsoft, đọc khoảng 50 quyển sách mỗi năm, tức khoảng 1 quyển sách mỗi tuần. Thậm chí ông còn duy trì thói quen luôn đọc sách một tiếng trước khi đi ngủ bất chấp công việc bận ra sao.
Nhà đầu tư Mark Cuban đọc hơn ba giờ mỗi ngày.
Tỉ phú Elon Musk, nhà sáng lập hãng Tesla Motors, PayPal và SpaceX, cũng là một người thích đọc sách. Khi được hỏi làm cách nào để chế tạo được tên lửa, ông đáp: “Tôi đọc sách”.
Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg cứ 2 tuần đọc 1 quyển sách suốt năm 2015. Vì thế Zuckerberg đã mời cả thế giới cùng tham gia thử thách này cùng với mình.
Bà hoàng truyền thông Oprah Winfrey chọn một quyển sách yêu thích mỗi tháng cho Câu lạc bộ Sách của bà để đọc và thảo luận.
Tom Corley, tác giả quyển “Thói quen giàu: Những thói quen hằng ngày của các cá nhân giàu có”, cho hay người giàu (những người có thu nhập hằng năm từ 160.000 USD và sở hữu từ 3,2 triệu USD trở lên) đọc để tự cải thiện bản thân, giáo dục và thành công. Trong khi đó những người nghèo (những người có thu nhập hằng năm từ 35.000 USD trở xuống và sở hữu từ 5.000 USD trở xuống) đọc sách chủ yếu để giải trí.
Người thành công có xu hướng chọn sách giáo khoa và các ấn phẩm khoa học thay vì tiểu thuyết, báo lá cải và tạp chí. Đặc biệt, họ bị ám ảnh bởi tiểu sử và tự truyện của những người thành công khác để được hướng dẫn và truyền cảm hứng.
Thức dậy với một cái đầu khôn ngoan hơn
Đọc là một trong những hoạt động truyền thống mang lại nhiều lợi ích và khoái cảm nhất của con người. Thế nhưng trong kỉ nguyên số, Internet cùng phim ảnh, giá trị của việc đọc mất dần đi. Không chỉ là chìa khoá thành công đối với nhiều người, sách còn là công cụ giải trí hiệu quả hơn phim ảnh.
Ngoài khả năng cung cấp cho chúng ta trí tưởng tượng, mở rộng tầm hiểu biết, đọc sách còn đem lại lợi ích sức khỏe thực sự. Việc đọc đã được chứng minh là có thể giúp ngăn ngừa căng thẳng, trầm cảm và bệnh mất trí nhớ, đồng thời gia tăng sự tự tin, đồng cảm, khả năng ra quyết định và thỏa mãn cuộc sống nói chung.
Mặc dù vậy, đọc sách mang lại lợi ích ra sao có lẽ vẫn là điều mơ hồ với nhiều người. Không phải lúc nào nguồn kiến thức trong sách vở cũng có thể áp dụng vào thực tế, có những cuốn sách quá viển vông khiến người đọc tưởng chừng chẳng có chút lợi ích nào.
Dù gì đi nữa, hãy đặt cho mình một mục tiêu cụ thể, tìm những quyển sách thực sự tạo hứng thú cho bạn và lên một danh sách những quyển bạn muốn đọc. Hãy mang sách theo mọi nơi, và đọc bất cứ khi nào bạn rảnh dù chỉ là một trang.