Câu chuyện “Cụ già và các con” và bài học “Đồng lòng mạnh thế con ơi!”

Trong cuộc sống, chúng ta thường nghe nói đồng lòng đoàn kết nhất định vượt qua mọi khó khăn. Ở Việt Nam, câu chuyện cổ tích “bó đũa” cũng đã nhắc đến bài học này: “Bó đũa xé lẻ từng chiếc sẽ dễ dàng bẻ gãy, còn đồng lòng gắn kết thành 1 bó sẽ không dễ gì lay chuyển”. Cũng vậy, mọi người chung sức đồng lòng thì sẽ có sức mạnh to lớn.

Không chỉ Việt Nam, La Fontain cũng có một câu chuyện ngụ ngôn tương tự như câu chuyện bó đũa – chuyện về “Cụ già và các con” do Nguyễn Vĩnh dịch cũng là một câu chuyện tương tự như câu chuyện cổ tích của Việt Nam. Chuyện kể rằng:

Một cụ già sắp quy tiên

Gọi ba con đến kề bên bảo rằng:

“Các con, đây bó que khăng,

Các con thử bẻ, được chăng? Xem nào?

Rồi cha sẽ giảng thấp, cao

Mối gì gắn bó que vào 1 thanh”.

Cậu cả gắng sức bình sinh,

Hoài công: “Nhường các chú mình khỏe hơn”

Cậu hai tiếp lấy, lên gân,

Cũng không bẻ nổi. Đến lần cậu ba.

Cả ba cậu mất thời giờ,

Bó khăng chẳng chuyển; que gô chặt rồi,

Chẳng cái nào bị gãy rời.

Bấy giờ cha mới ngỏ lời khoan thai:

“Yếu sao yếu vậy, sức trai!

Để cha tỏ rõ cho coi sức già!”

Mọi người tưởng cụ nói ngoa,

Mỉm cười nghi hoặc, hóa ra cười xằng.

Cụ già liền tháo bó khăng,

Bẻ từng cái một dễ dàng như chơi:

“Đồng lòng mạnh thế con ơi,

Thuận hòa, gắn bó, một đời thương nhau”.

Câu chuyện về anh em hai ông chủ hãng giày Puma và Adidas là một ví dụ. Hai ông chủ hãng giày nổi tiếng vì lo tranh giành, đấu đá lẫn nhau dẫn đến việc để cho đối thủ Nike tranh thủ thời cơ chiếm lĩnh thị trường, trở thành nhà phân phối đồ thể thao lớn nhất.

Cũng một câu chuyện liên quan, ở một ngã tư đường mới mở nọ, có 1 cây xăng mọc lên, xe ra vào đổ xăng tấp nập. Một anh hàng xóm khác thấy vậy, mở một tiệm hàng ăn ở phía đối diện, khách cũng tấp nập nhờ những xe vào đổ xăng. Anh chàng khác thấy vậy liền mở quán tạp hóa góc kia ngã tư, và một anh chàng khác mở một quán nước ở góc còn lại. Cả 4 anh cùng làm ăn phát đạt, hỗ trợ lẫn nhau.

Một kịch bản khác, cũng ở cái ngã tư đường mới mở trên, một doanh nhân mở một cây xăng ở góc ngã tư, khách qua lại tấp nập. Anh chàng khác thấy làm ăn được, cũng lại mở một cây xăng góc đối diện. Lập tức không lâu sau, 2 góc còn lại cũng mọc lên 2 cây xăng. Và kết quả, cả 4 cây xăng đều vắng khách, làm ăn ngày 1 đi xuống. Câu chuyện về Cụ già và các con còn tiếp diễn:

Cụ già giở bệnh ít lâu,

Vẫn không thêm bớt, trước sau một lời,

Sau nghe mình sắp lìa đời,

Trối trăng, cụ lại đôi lời, mấy câu:

“Các con ở lại cùng nhau,

Để cha vĩnh biệt về chầu tổ tiên,

Lời cha căn dặn, chớ quên,

Anh em như khúc ruột liền, sống chung.

Cha chờ lời hứa cuối cùng,

Buông tay nhắm mắt, lòng không hận gì”.

Các con khóc lóc xin thề,

Đưa tay cụ nắm, cụ về Âm Cung.

Gia tài ba cậu hưởng chung,

Của nhiều, việc rối bòng bong cũng nhiều.

Kẻ kiện nợ, người đơn kêu,

Tay ba đoàn kết, mọi điều cũng êm.

Tình hiếm có, ắt chẳng bền,

Chẳng bao lâu khúc ruột liền phân chia.

Máu đào gắn bó xưa kia,

Ngày nay mối lợi làm lìa nhau ra.

Tham lam, ganh tị, bất hòa,

Thầy cò, thầy kiện một hùa kéo vô.

Chia gia tài khá gay go,

Cãi nhau, phần nhỏ, phần to tranh giành.

Quan tòa tứ đốm tam khoanh,

Lần lần kết án hết anh đến chàng.

Rồi thì chủ nợ lân bang,

Kẻ đòi đền thiệt, người toan sửa lầm.

Anh em nhà mất đồng tâm,

Người ưng thỏa thuận, người ngầm phá ngang.

Thế là sẩy nghé, tan đàn,

Gia tài khánh kiệt, thở than chậm rồi.

Que khăng bó chặt, tách rời,

Tiếc thay chẳng rút được bài học hay.

Khi tất cả cùng hợp sức lại với nhau để làm một điều gì đó sẽ tạo nên một sức mạnh vô cùng mạnh mẽ. Nếu mỗi người đi trên một con đường, tranh cãi và đấu đá lẫn nhau, sẽ dễ dàng bị đối thủ đánh bại. Kể cả trong kinh doanh, khi những đối thủ cùng đồng lòng, sẽ tạo nên một thị trường lành mạnh, có lợi cho tất cả.

Là một doanh nhân bạn phải tìm cách cùng sống với đối thủ cạnh tranh của mình, và luôn cảnh giác để đảm bảo bạn không bị đánh bại. Để cạnh tranh lành mạnh bạn không nên dễ dàng chọn những cách thức thực hiện phi đạo đức, hay các chiến thuật xấu để chiếm lấy thị phần. Thậm chí đôi khi vừa cạnh tranh vừa giúp đối thủ của mình nếu nó giúp thị trường tổng thể phát triển.

Câu chuyện “Hai người tranh nhau con sò” và bài học “Kiện tụng xưa nay tốn kém to”

Bài viết mới