Câu chuyện “chú bé và con bướm trong vỏ kén” của người Do Thái dạy chúng ta bài học về việc đối mặt với nghịch cảnh

Có một câu chuyện như sau: Một đứa trẻ nhặt được một cái kén trên đồng cỏ. Vài hôm sau, trên kén xuất hiện vết nứt, bướm non bên trong giãy giụa một thời gian dài, hình như đã bị mắc kẹt trong kén, không thể nào ra được.

Đứa trẻ ngây thơ nhìn thấy con bưỡm giãy giụa đau đớn trong kén thì vô cùng xót xa, bèn lấy kéo cắt vỏ kén để giúp bướm bay ra. Tuy nhiên, vì không tự mình trải qua quá trình phá tổ kén để ra ngoài nên sau khi được đứa trẻ đưa ra, thân hình bướm trở nên nặng nề, đôi cánh khô héo và không thể nào bay được, chẳng bao lâu sau thì bướm chết. Và như vậy, những niềm vui đáng lẽ đang chờ đón nó ở phía trước cũng tan biến theo.

Câu chuyện nhỏ này nói với chúng ta một đạo lý trong cuộc đời rằng, muốn có được thành công, hạnh phúc thì nhất định phải chịu đựng được khổ đau và thử thách.

Đây chính là để mài giũa một con người, cũng là quá trình mà một người muốn trưởng thành được nhất định phải trải qua. Đại dương nếu không có đá ngầm thì cũng chẳng có hoa sóng, trong cuộc sống nếu không vượt qua được thử thách thì chẳng thể trở thành người mạnh mẽ.

Hãy nhìn vào xã hội hiện nay, rất nhiều các bậc phụ huynh luôn che chở, chăm sóc con quá kỹ lưỡng, lúc nào cũng sợ con bị thiệt thòi, bị bắt nạt, đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự yếu kém trong khả năng thích ứng với xã hội của trẻ. Trong quá trình nuôi dưỡng con cái, đa số các vị phụ huynh thường quan tâm nhiều đến sức khỏe và thể chất của trẻ mà lơ là đi một điều vô cùng quan trọng khác, đó là sự khỏe mạnh về tinh thần, sự trưởng thành về suy nghĩ và tính cách của trẻ như tính độc lập, khả năng sinh tồn và tinh thần trách nhiệm… Cũng chính quan niệm truyền thống thâm căn cố đế này đã tạo ra tâm lý “con cái luôn nhỏ bé trong mắt cha mẹ”, từ đó dẫn đến việc trẻ khó lòng “cai sữa” về tâm lý và không thể tự lập về tài chính.

Còn một hiện tượng khá phổ biến nữa là khi con cái tốt nghiệp đại học và đi xin việc, vừa nghe nói lương tháng chỉ được hai, ba triệu thì nhiều phụ huynh đã bĩu môi chê thấp rồi khuyên con không nên làm, ở nhà chờ cơ hội khác tốt hơn. Thế rồi chờ mãi mà vẫn chẳng thấy có cơ hội nào tốt hơn xuất hiện. Cần phải hiểu rằng, ôm cây đợi thỏ thường sẽ chẳng có kết cục tốt đẹp gì, cơ hội sẽ chỉ đến với những người có sự chuẩn bị. Cứ bắt con cái ở nhà chờ đợi và lãng phí thời gian như vậy thì chẳng mấy chốc sẽ biến chúng thành những kẻ ăn bám mà thôi.

Cần phải hiểu rằng, mặc dù khó khăn có thể khiến chúng ta vất vả hơn, nhưng đồng thời nó cũng có thể hun đúc nên những phẩm chất kiên cường và đặt nền móng cho một tương lai xán lạn. Balzac, nhà văn nổi tiếng người Pháp từng nói rằng: “Khó khăn thử thách giống như một tảng đá, đối với những kẻ yếu đuối, đó là tảng đá ngáng đường khiến bạn khó lòng tiến về phía trước; nhưng đối với những người mạnh mẽ, đó lại là tảng đá lót chân khiến bạn đứng lên cao hơn.”

Ngẫm lại lịch sử người Do Thái, họ đã phải trải qua các cuộc thảm sát tàn khốc, sống một cuộc sống lưu lạc, chui lủi khắp nơi. Thế nhưng, trong đau thương và khổ ải, người Do Thái vẫn không hề tuyệt vọng, họ âm thầm kiếm tìm sự sống trong gian khổ, tiếp tục vươn lên một cách ngoan cường, hơn nữa vẫn không từ bỏ mơ ước về một tương lai tốt đẹp ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất. Họ đã phải nếm trải bao cay đắng, đã nghĩ ra đủ mọi cách để thích nghi với ngoại cảnh, vì vậy chỉ cần có một chút cơ hội, họ sẽ lập tức nhận ra và nắm bắt lấy nó, sau đó thì bùng cháy như một ngọn lửa và gây dựng nên những thành tựu khiến cả thế giới phải kinh ngạc.

Con người càng được trui rèn ở môi trường gian nan khắc nghiệt càng là những viên ngọc sáng chói, Nếu bạn đang gặp khó khăn chồng chất khó khăn, đó là lúc bạn đang gần bước tới thành công rồi đó.

Nguyên tắc của “chú chuột lang thang” của người Do Thái: Thành công không bao giờ đến với kẻ “đứng yên”

Bài viết mới