Hôm nay, lại nhắc đến một câu chuyện ngụ ngôn khác của La Fontain – câu chuyện “Cái bị” do Tú Mỡ dịch. Một phần vì ý nghĩa của truyện, một phần nhờ giọng văn dịch châm biếm của Tú Mỡ càng làm tăng thêm nét kịch tính, hấp dẫn mà chua cay của câu chuyện.
Truyện ngụ ngôn La Fontain đọc xong luôn để lại cho người đọc những ấn tượng sâu sắc, những bài học dễ nhớ nhưng cũng đầy tính răn đe. Câu chuyện “Cái bị” cũng phản ánh những hiện tượng rất thật, rất gần trong cuộc sống chúng ta. Chuyện rằng:
Thiên Vương một buổi phán truyền:
“Muôn loài sinh vật sống trên hoàn cầu
Dưới bệ ngọc, hãy đến chầu.
Hình hài có lệch, cứ tâu Trẫm tường
Đừng sợ hãi, nói đàng hoàng,
Lệch đâu Trẫm sẽ lo toan sửa liền.
Khỉ kia, vì lẽ hiển nhiên,
Cho vào tâu báo trước tiên sự tình,
Trông vạn vật, sánh với mình,
So bề xấu đẹp, tường trình thỏa chăng?”
Khỉ ta quỳ gối tâu rằng:
“Muôn tâu Thánh đế, ngẫm thằng Khỉ tôi
Có chi mà chẳng thỏa đời,
Cũng 4 chân, há kém loài khác sao!
Chân dung ngắm chẳng thẹn nào.
Kia xem, chú Gấu, ối chao, dị hình!
Theo tôi, chú chẳng ưng tình
Để tay họa sĩ vẽ mình cho đang!”
Gấu ra, tưởng Gấu phàn nàn,
Té ra Gấu cũng nỏm nang khoe mình,
Lại chê Voi mới xấu hình,
Tai nên xén bớt, đuôi đành nối thêm.
Thực là một đống thịt lèn,
Có chi là đẹp, là nền, là xinh?
Voi dù có tiếng thông minh,
Cũng lời lẽ với 2 anh vừa rồi :
Tâu rằng: “Cứ ý riêng tôi,
Cá voi – bà nọ – ối trời, quá to”
Kiến Kềnh tự đắc khổng lồ,
Coi khinh Bọ Mạt là đồ tí teo.
Tự phán xong, tan buổi chầu,
Ra về, các giống xem chiều hả hê.
Thực ra, chúng ta luôn tự tin vào bản thân mình là điều hoàn toàn tốt. Mỗi người đều có điểm ưu, nhược riêng, chính bản thân mỗi người tự nắm bắt và phát huy điểm tốt, sửa đổi, bổ sung cho điểm yếu thì sẽ ngày càng hoàn thiện bản thân.
Tuy nhiên, nếu chúng ta thường chỉ thấy cái tốt của bản thân và cố tình nhìn ra chung quanh để tìm cái xấu của người khác thì sẽ lại là một chuyện khác. Những chú Khỉ, chú Gấu, chú Voi…vạn vật muôn loài đều cho mình là hoàn mỹ, nhưng không dừng lại ở đó khi cố tìm ra điểm xấu của loài khác.
Có một câu danh ngôn rằng: “Hãy cứ đứng sau lưng người khác suốt đời nếu bạn chỉ là kẻ nói xấu. Khi bạn đang mải mê làm cái bóng thì họ đã rất nhanh chóng tìm thấy được cái đích của mình”. Giáo lý của Đức Phật cũng cho rằng: Hạ thấp giá trị của người khác không làm tăng thêm giá trị cho bản thân mình.
Câu chuyện “Cái bị” còn một đoạn kết :
Người so với các vật kia,
Chủ quan, ngu dại có khi gấp mười.
Mắt tinh, xoi mói xấu người,
Xấu mình, mắt hóa mù rồi thấy đâu!
Tật mình xí xóa kể đâu,
Tật người bới móc, ra đầu, ra đuôi.
Nhìn mình bằng 1 con ngươi,
Giương con mắt khác thấy người kém ta.
Hóa công cũng khéo chua ngoa,
Sinh người đeo bị, chẳng qua một nòi.
Xưa nay âu cũng thế thôi,
Bị may hai túi, rạch ròi khác nhau.
Lỗi mình ta nhét túi sau
Lỗi người túi trước, lầm đâu được mà!
Có một sự thật hiển nhiên nhưng không phải ai cũng chấp nhận, là những người muốn “dìm hàng” người khác thực ra lại là những kẻ đang muốn che giấu sự tự ti trong con người mình.
Do vậy, trước hết hãy xác định rằng, bạn chính là người hiểu bạn nhất. Đừng để những lời dèm pha xung quanh ảnh hưởng đến bạn. Tuy vậy, cũng chính bản thân bạn cần tránh để những người xung quanh bị tác động xấu từ cách nhìn của bạn.
Trong quyển “Đắc nhân Tâm”, tác giả Dale Carnegie đã giành phần lớn quyển sách chỉ ra tầm quan trọng của việc không chỉ trích người khác đối với thành công của mỗi người. Ông cũng cho rằng: “Thực ra, con người hiếm khi suy xét đúng sai rõ ràng bằng lý trí. Con người thường hay hành xử theo cảm xúc, thành kiến và nhất là theo lòng kiêu hãnh vốn có của mình“.