“Không có thỏa thuận nào còn tốt hơn là có một thỏa thuận tồi”, đó là lý lẽ mà những người bỏ phiếu ủng hộ Brexit đã đưa ra khi kích hoạt lên sự kiện Anh rời EU gây chấn động thế giới trong mùa hè năm ngoái.
Có vẻ như những người dân của vùng tự trị Catalonia thuộc Tây Ban Nha đã ghi nhớ câu nói đó. Cách đây ít giờ, sau một cuộc trưng cầu dân ý, Catalonia đã chính thức tuyên bố độc lập. Tuy nhiên Tuy nhiên hai sự kiện này khác nhau khá nhiều về bản chất và tương lai của vùng đất này đang lâm vào ngõ cụt bởi thái độ cứng rắn và sức mạnh của Chính phủ Tây Ban Nha.
Vùng đất giàu hơn tất cả
Xét theo mối quan hệ kinh tế, vai trò của Catalonia trong lòng đất nước Tây Ban Nha khá giống với vị thế của Anh ở châu Âu: đây là vùng giàu có chiếm 1/5 GDP cả nước, người dân ở đây luôn tự hào về những di sản và lịch sử vàng son của mình. Từ lâu nay vùng đất này đã trở nên nổi bật bởi sự khác biệt lớn so với phần còn lại của vùng bán đảo Iberia. Đây là nơi Christopher Columbus hạ thủy con tàu trong chuyến thám hiểm tìm ra châu Mỹ ở thời điểm mà hầu hết các nhà thông thái tin rằng trái đất là một mặt phẳng chứ không phải hình cầu. Đây cũng là mảnh đất đã đón nhận những họa sĩ và kiến trúc sư lỗi lạc.
Không chỉ có ngôn ngữ riêng (tiếng Catalan – có nhiều điểm tương đồng với tiếng Pháp), Catalan cũng có trang phục và những truyền thống khác biệt so với phần còn lại của Tây Ban Nha. Nhiều người cho rằng thủ phủ của nó, thành phố Barcelona, thậm chí trù phú, hội nhập với thế giới bên ngoài và có nhiều tiềm năng hơn so với thủ đô Madrid vốn nằm sâu trong đất liền.
Năm 2014 (là năm gần nhất có số liệu thống kê), Catalonia đóng góp 19% GDP và hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Tây Ban Nha. Tuy nhiên ở chiều ngược lại họ chỉ nhận được 12 tỷ USD từ ngân sách nhà nước, ít hơn số tiền mà Catalonia gửi về cho chính quyền trung ương.
Tính theo tổng số lượng hàng hóa được xử lý, cảng Barcelona lọt top 20 cảng lớn nhất ở EU. Đây là đích đến đầu tiên của hơn 1/4 trong tổng số 75 triệu du khách đến Tây Ban Nha.
Tương lai không mấy sáng sủa cho Catalonia
Sau một loạt cuộc chiến pháp lý mà trong đó Chính phủ Tây Ban Nha gọi động thái đòi độc lập của Catalonia là vi hiến, người dân ở đây vẫn không cảm thấy hài lòng. Trong lúc cuộc khẩu chiến giữa Madrid và Barcelona lên đến đỉnh điểm, Catalonia đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 1/10 vừa qua, trong đó 90% người bỏ phiếu ủng hộ độc lập (chỉ có 43% dân số Catalonia đến điểm bỏ phiếu). Ở một vài nơi sự kiện này thậm chí còn nhanh chóng biến thành những cuộc đụng độ và bạo lực đường phố. Cảnh sát Tây Ban Nha trong nỗ lực giải tán cuộc biểu tình đã khiến 900 người bị thương.
Chỉ sau ít giờ tuyên bố độc lập, vùng đất này đã bị “dội một gáo nước lạnh” khi người phát ngôn cơ quan công tố Tây Ban Nha thông báo sẽ khởi tố Thủ hiến Carles Puigdemont của Catalonia vào tuần tới về tội nổi loạn.
Bên cạnh đó Thượng viện Tây Ban Nha đã ngay lập tức thông qua kích hoạt điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha. Theo đó chính quyền Trung ương Madrid sẽ tạm thời tiếp quản trụ sở các cơ quan, cảnh sát, công quỹ và đài phát thanh, truyền hình của Catalonia.
Thủ tướng Mariano Rajoy tuyên bố giải tán nghị viện Catalonia và yêu cầu bầu cử sớm. Ông nhấn mạnh, việc chính quyền Trung ương Madrid điều hành trực tiếp vùng tự trị này là cần thiết để “khôi phục trật tự”.
Không chỉ có vậy, Gonzalo Gortazar, CEO của ngân hàng lớn nhất ở vùng Catalonia là CaixaBank, đã lên tiếng cảnh báo nếu như bất ổn chính trị tiếp tục kéo dài, nền kinh tế Catalonia sẽ bị ảnh hưởng khá mạnh.
Dù ở thời điểm hiện tại lượng tiền gửi bị rút ra khỏi hệ thống ngân hàng không mấy biến động, nhiều doanh nghiệp ở đây đã lập các cơ sở pháp lý ở bên ngoài để tránh trường hợp Catalonia hoàn toàn tách khỏi Tây Ban Nha. Trong trường hợp đó, Catalonia sẽ mất đi quyền tiếp cận các khoản vay mà Madrid đã sắp đặt sau khủng hoảng tài chính nhằm trợ giúp các khu vực không thể đi vay trên thị trường quốc tế. Đồng thời Catalonia cũng sẽ mất luôn cả khả năng tự do bước chân vào thị trường EU – nơi tiếp nhận 2/3 kim ngạch xuất khẩu của vùng này.