UBND TP. Cần Thơ phê duyệt Dự án thành phần 2, giai đoạn 1 tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Với tổng mức đầu tư khoảng 9.725 tỉ đồng, dự án sẽ thi công 37,42 km đoạn tuyến của cao tốc liên vùng qua địa phận TP.Cần Thơ.
Hình minh họa
Theo kế hoạch được phê duyệt, Dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ xuất phát từ phận xã Thạnh Quới (huyện Vĩnh Thạnh), kết thúc tại địa phận xã Trường Xuân B (huyện Thới Lai).
Hướng tuyến cụ thể, đoạn tuyến đi vào địa phận huyện Cờ Đỏ, vượt qua đường Tỉnh 919, đường Tỉnh 921 và đường Tỉnh 922 rồi đi vào địa phận huyện Thới Lai, tuyến cơ bản đi song song với Quốc lộ 91 và Quốc lộ 91B và cách Quốc lộ 91 và Quốc lộ 91B về bên trái tuyến từ khoảng 15km đến 17km, tuyến đi cách đường Tỉnh 919 về bên phải tuyến từ 2km đến 3km sau đó cắt đường Tỉnh 919, đi đến cuối Dự án và khớp nối với Dự án thành phần 3.Tổng chiều dài tuyến thuộc Dự án là khoảng 37,42 km
Trong giai đoạn 1, Dự án thực hiện phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế, đến giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến được đầu tư theo quy mô cao tốc 6 làn xe.
Dự án dự kiến xây dựng 30 cầu bao gồm: 25 cầu trên đường cao tốc, 1 cầu trên nút giao Lộ Tẻ – Rạch Sỏi vượt cao tốc và 4 cầu dẫn trên nút giao Lộ Tẻ – Rạch Sỏi.
Dự án có tổng mức đầu tư là 9.725 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 6.613 tỉ đồng. Nguồn vốn thực hiện Dự án được bố trí từ Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương. Tiến độ thực hiện Dự án là từ năm 2022 đến năm 2027.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 188,2 km, đi qua 4 tỉnh, thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần vận hành độc lập.
Tổng mức đầu tư Dự án là 44.691 tỉ đồng; hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ hình thành trục ngang trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long qua thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng, kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc – Đông Nam; tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.