Cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương: Lâm Đồng đề xuất Trung ương hỗ trợ 2.500 tỉ đồng

Dự án cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương dài gần 74 km, yêu cầu vốn đầu tư khoảng 19.521 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh Lâm Đồng tham gia khoảng 4.000 tỉ đồng. UBND tỉnh này đang đề xuất Trung ương hỗ trợ 2.500 tỉ đồng để giảm áp lực lên ngân sách địa phương.

Hình minh họa

UBND tỉnh Lâm Đồng đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương theo hình thức PPP (đối tác công – tư) với số vốn 2.500 tỉ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2022.

Cụ thể, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 19.521 tỉ đồng, trong đó phần lớn kinh phí do nhà đầu tư huy động (khoảng 11.760 tỉ đồng, chiếm khoảng 60,24% tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1). Còn lại Ngân sách Nhà nước bố trí khoảng 7.761 tỉ đồng (chiếm khoảng 39,76% tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1), trong đó ngân sách tỉnh bố trí 4.000 tỉ đồng để thực hiện dự án trong giai đoạn 2021 – 2025.

UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất Trung ương bố trí 2.500 tỉ đồng sẽ thực hiện điều chỉnh giảm ngân sách địa phương, từ đó cân đối chi phí để sớm tiến tới khởi công dự án đúng tiến độ. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo, quyết tâm khởi công xây dựng Dự án Bảo Lộc – Liên Khương trong năm 2023 và phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2026.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất phương án bố trí vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để triển khai Dự án (nghiên cứu nguồn vốn tăng thu ngân sách năm 2022) trong quá trình điều hành kế hoạch trung hạn 2021 – 2025.

Dự án cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương có tổng chiều dài gần 74 km, dự kiến được đầu tư với quy mô giai đoạn hoàn chỉnh gồm 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75 m, tốc độ 100 km/h. Giai đoạn phân kỳ giai đoạn 1, dự án sẽ được đầu tư với bề rộng nền đường 17 m, tốc độ khai thác 80 km/h.

Đây là đoạn tuyến nối tiếp đoạn cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc dài 66 km kết nối từ Đồng Nai – Lâm Đồng. Cùng với dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, khi hoàn thành hai tuyến cao tốc này sẽ kết nối thông suốt với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và Dầu Giây – Phan Thiết; Liên Khương – Đà Lạt, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa cũng như đi lại của người dân.

Bài viết mới