Đại diện vụ Đối tác công tư (PPP), Bộ GTVT cho biết, Bộ đang xin ý kiến để trình Quốc hội chủ trương xây dựng 713km đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 (2017-2020) đối với những đoạn có tính cấp bách.
Nguồn vốn đầu tư nhà nước hỗ trợ 55.000 tỷ đồng để GPMB, còn lại huy động vốn của các nhà đầu tư khoảng 63.000 tỷ đồng, trong đó có 13.000 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu, còn lại là vốn tín dụng.
“Vốn làm cao tốc Bắc – Nam được huy động cả trong và ngoài nước, nhưng để kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài thì phải có cơ chế bảo lãnh cho nhà đầu tư. Bộ GTVT đang trình phương án và chờ Chính phủ xem xét ban hành nghị quyết”, đại diện Vụ PPP cho biết.
Giai đoạn 1 sẽ làm 713km đường cao tốc Bắc – Nam.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận, trong bối cảnh hiện nay việc lựa chọn nhà đầu tư làm cao tốc Bắc – Nam là không dễ.
Nếu tổ chức đấu thầu mà cơ chế không được thông qua đồng bộ với việc bố trí vốn thì dự án cũng không thể thực hiện được
Làm việc với Bộ GTVT, ông Franz R.Dress-Gross, GĐ Toàn cầu về GTVT và Truyền thông (NH Thế giới – WB) nói: WB có thể hỗ trợ dự án này bằng một gói tổng thể.
WB mong muốn hỗ trợ Việt Nam tìm giải pháp để tháo gỡ những khó khăn mà Bộ GTVT gặp phải khi triển khai các dự án giao thông, nhất là các dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Thiếu khả thi?
Mới đây, trả lời công văn của Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến về dự án cao tốc Bắc – Nam, Bộ Tài chính đánh giá nhiều nội dung trong phương án của Bộ GTVT thiếu khả thi, không đồng bộ để thực hiện dự án.
Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT bổ sung đánh giá cụ thể tính khả thi về tài chính của các dự án thành phần dự kiến được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT.
Với những dự án phương án tài chính khó thực hiện theo hình thức đối tác công – tư, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo hướng đầu tư công.
Với đề xuất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức nhượng quyền vận hành, khai thác với dự án đầu tư công, Bộ đề nghị xem xét tính hợp lý của phương án trên.
Bộ Tài chính cho rằng, đây là các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, việc xem xét tính hợp lý nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của luật Ngân sách Nhà nước và hình thức đầu tư.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, các vấn đề về dự án cao tốc Bắc – Nam đã được phân tích đầy đủ trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội.
Thứ trưởng Đông nói rõ, khi cơ chế được thông qua, trình đồng bộ dự án, nếu so với hệ thống pháp luật còn “vênh” thì Quốc hội phải có ý kiến.
Đối với kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ trong trung hạn cho dự án cao tốc Bắc – Nam, sau khi thông qua chủ trương phải có kế hoạch chi tiết mới phát hành.