Mùa thấp điểm của hàng không năm nay bắt đầu từ ngày 29-10-2017 đến 24-3-2018 (từ chủ nhật cuối cùng của tháng 10 năm trước đến thứ bảy cuối cùng của tháng 3 năm sau). Do vắng khách, các hãng hàng không sẽ giảm tải vào dịp này, dồn nguồn lực bay cao điểm Tết. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9-2017, vì nhiều lý do, tần suất khai thác của các hãng hàng không đã giảm khá mạnh khiến thị trường có nhiều biến động.
Giá vé cao vẫn khó mua
Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết từ cuối tháng 9 đến nay, đường bay Hà Nội – TP HCM trung bình mỗi ngày có 47 chuyến/chiều, giảm 14,5% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, chỉ Vietnam Airlines (VNA) tăng chuyến (25 chuyến/chiều/ngày, tăng 8,7%). Còn lại, 2 hãng giá rẻ Jetstar Pacific (JPA) và Vietjet (VJ) đều giảm tần suất bay. Trong đó, VJ bay 16 chuyến/chiều/ngày, giảm 15,7%; JPA chỉ bay 6 chuyến/chiều/ngày, giảm tới 53,8%.
Tần suất khai thác của các hãng hàng không đã giảm khá mạnh trong thời gian gần đây khiến thị trường có nhiều biến động Ảnh: TẤN THẠNH
Do số lượng chuyến bay giảm nên hệ số sử dụng ghế của các hãng tăng cao, đạt xấp xỉ 100%, nhiều hành khách không mua được vé trên bất kỳ chuyến bay nào.
Trước tình hình trên, Cục HKVN đã có Văn bản 4522 chỉ đạo các hãng hàng không bố trí mọi nguồn lực để tăng chuyến, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Trong giai đoạn đến giữa tháng 10-2017, do khó khăn về nguồn lực, JPA chưa thể tăng chuyến nên vẫn phải phối hợp chuyển khách sang VNA để không ảnh hưởng đến hành khách do giảm chuyến bay. Dự kiến, từ ngày 15-10, hãng sẽ khai thác ổn định trở lại trên đường bay Hà Nội – TP HCM.
Hành khách đặt chỗ bay trước ngày 9-10 chỉ còn vé trên 2 triệu đồng/chiều với các mức giá 2,415 triệu đồng, 2,943 triệu đồng, nhiều chuyến đã thông báo hết vé. Từ ngày 10-10, các hãng sẽ tăng chuyến, cao nhất là VNA bay 27 chuyến/chiều/ngày, giá vé cũng rẻ hơn. Hành khách có thể đặt chỗ từ mức giá 1,958 triệu đồng, 2,112 triệu đồng/vé/chiều. Trong khi đó, mức cao nhất các hãng được phép bán là gần 3,9 triệu đồng/vé/chiều.
Các hãng hàng không khẳng định vẫn đang bán vé trong khung giá quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Mỗi chuyến bay có khoảng 10 loại giá từ cao đến thấp và giá tốt bao giờ cũng hết trước. Nếu hệ số sử dụng ghế trung bình là 85% thì 15% chỗ trống trên máy bay thường là vé giá cao. Tuy nhiên, khi máy bay không có chỗ trống có nghĩa là giá cao cũng bán hết, nhiều khách phải mua vé ở dải giá cao.
Thiếu phi công?
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục HKVN, cho biết nhu cầu đi lại của hành khách thường giảm từ ngày 15-8, sau đó tăng trở lại trong dịp Tết dương lịch nên bộ phận quản trị kinh doanh của các hãng hàng không thường lên kế hoạch theo thông lệ này. Tuy nhiên, thị trường có thể biến động mạnh hơn so với dự báo nên các hãng luôn phải sẵn sàng bổ sung nguồn lực, kịp thời tăng chuyến.
Theo Cục HKVN, sở dĩ có tình trạng căng thẳng như nêu trên là do JPA phải hủy một loạt chuyến bay vì thiếu hụt phi công. Gần đây, có tình trạng một số phi công của các hãng giá rẻ bị thu hút sang lái cho các hãng hàng không Trung Quốc – vốn đang mở rộng quy mô với mức thu nhập và các chính sách ưu đãi cao hơn.
Ngoài ra, gần đây có hiện tượng một số phi công JPA cáo bệnh, không tham gia bay theo kế hoạch. JPA đã được công ty mẹ là VNA hỗ trợ điều chuyển phi công sang làm việc ngắn hạn, đồng thời tuyển thêm phi công mới. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, JPA hiện có gần 200 phi công và đang khai thác 18 máy bay A320. Theo tiêu chuẩn khai thác, một máy bay A320 cần tối thiểu 4 tổ bay thì JPA đã đáp ứng được vì hiện có trung bình 5,3 tổ bay/máy bay.
Với đội bay 86 chiếc, VNA hiện có hơn 1.200 phi công, trung bình mỗi năm hãng bổ sung khoảng 100 lái phụ. Các máy bay thân rộng như A350 và B787 cần 7 tổ lái với bay đường dài. Hiện nay, đội ngũ phi công của VNA gần 80% là người Việt, còn các hãng JPA và JP chủ yếu là nước ngoài.
“Hiện tượng thiếu phi công tại JPA chỉ là tạm thời nhưng hãng đã có kế hoạch bổ sung khoảng 10 người. Các phi công mới cần có 2 tuần để đào tạo quy trình khai thác tại hãng, sau đó mới được bay. Theo báo cáo mới nhất của các hãng, cơ bản đội ngũ người lái đã đáp ứng đủ yêu cầu khai thác” – một cán bộ tại Cục HKVN nhận định.
VNA nội địa hóa huấn luyện chuyển loại phi công
VNA cho biết vừa chính thức đưa vào khai thác thiết bị mô phỏng buồng lái (SIM) cho dòng máy bay A320/321 thứ 2 tại Trung tâm Huấn luyện của hãng. Đây là 1 trong 3 hệ thống thiết bị SIM được VNA tiếp nhận trong dự án hợp tác với nhà sản xuất thiết bị mô phỏng buồng lái Canada CAE Inc. (CAE).
Như vậy, VNA đã nội địa hóa toàn bộ công tác huấn luyện chuyển loại phi công cho dòng máy bay chủ lực A321, tiết kiệm được đáng kể chi phí thuê thiết bị huấn luyện tại nước ngoài và chủ động hơn trong công tác đào tạo phi công, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.
Theo kế hoạch, 2 thiết bị SIM cho máy bay B787 và A350 sẽ đưa vào huấn luyện trong tháng 12-2017 và tháng 7-2018. Khi đó, VNA sẽ hoàn toàn chủ động trong huấn luyện chuyển loại phi công cả 3 dòng máy bay chủ lực của hãng.
Từ đầu năm 2017 đến nay, Trung tâm Huấn luyện của VNA đã huấn luyện chuyển loại, đưa vào khai thác hơn 100 phi công và huấn luyện định kỳ an toàn khai thác cho gần 800 phi công.