Cần 9 tỉ USD để xây dựng đường sắt TP.HCM – Cần Thơ

Tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ có tổng chiều dài 174,42km, bắt đầu từ ga An Bình (Bình Dương) đi qua 6 tỉnh và thành phố và kết thúc tại ga Cần Thơ. Tàu hỏa áp dụng công nghệ hiện đại, tốc độ thiết kế lên tới 190km/h, yêu cầu mức kinh phí 9,07 tỉ USD (khoảng 213.948 tỉ đồng).

Hướng tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ

Ban quản lý dự án đường sắt mới đây đã trình lên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ.

Theo đó, hướng tuyến của tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ), đi qua 6 tỉnh/thành phố với tổng chiều dài 174,42km. Quy mô xây dựng bao gồm 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa, khám xe, chỉnh bị…. được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi – khổ 1435mm – điện khí hóa.

Về phương án tổ chức, tàu khách được tổ chức từ Tân Kiên và ga Bình Triệu đến ga Cần Thơ; bố trí thêm một số đoàn tàu ngoại ô từ ga Tân Kiên đến ga Tam Hiệp. Tày hàng sẽ vận hành từ Tân Kiên đến ga ga An Bình và Cần Thơ.

Với phương án thiết kế, quy mô như trên, dự kiến yêu cầu tổng mức kinh phí khoảng là 9,07 tỉ USD (khoảng 213.948 tỉ đồng).

Ban quản lý dự án đường sắt, đề xuất huy động nguồn vốn đầu tư dự án theo hình tức PPP (đối tác công – tư). Trong đó ngân sách Nhà nước chi trả chi phí GPMB, nhà đầu tư huy động vốn xây dựng hạ tầng, thử nghiệm và bàn giao lại cho Nhà nước theo hợp đồng BTL (Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ).

Về mô hình quản lý khai thác, nhà đầu tư thành lập Công ty cổ phần vận tải đường sắt TP.HCM – Cần Thơ để đầu tư phương tiện, tổ chức vận hành khai thác và bảo dưỡng hạ tầng, phương tiện và trả phí thuê cơ sở hạ tầng cho Công ty đầu tư và quản lý hạ tầng đường sắt (của nhà nước). Trong giai đoạn sau tiếp tục nghiên cứu đề xuất thêm các mô hình phù hợp với mô hình đầu tư.

Do dự án đi qua nhiều địa phương nên công tác thỏa thuận về quy hoạch phân khu, quy hoạch địa phương gặp nhiều khó khăn, khiến tiến độ dự án kéo dài.

Hiện, Ban quản lý dự án đường sắt cùng đơn vị tư vấn đang làm việc để thống nhấthương án tuyến, vị trí ga, depot Dự án với các địa phương: TP.HCM, Bình Dương và Tiền Giang.

Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu chuẩn bị đầu tư dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong quý 4/2022 để triển khai các thủ tục tiếp theo, phấn đấu hoàn thành chuẩn bị đầu tư trước năm 2025 và triển khai xây dựng trước 2030.

Bài viết mới