Cấm cửa vay ngân hàng để thâu tóm ngân hàng

Ngày 28/12/2017, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 19, tiếp tục sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2014/TT-NHNN, quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt độngcủa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Với văn bản trên, quan điểm “tiền tươi” khi mua cổ phiếu ngân hàng mà Thống đốc Lê Minh Hưng đưa ra đầu năm nay chính thức được quy định cụ thể.

Trước đó, tại Thông tư 36 chỉ quy định khá chung, tại điều 14 về điều kiện, giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.

Cụ thể: “Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu trên cơ sở bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác hoặc trên cơ sở bảo đảm bằng cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác; không được cấp tín dụng trung hạn, dài hạn cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu”.

Sau đó, Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 bằng Thông tư 06 năm 2016, với quy định liên quan chi tiết hơn: “Ngân hàng thương mại không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của chính ngân hàng thương mại, trừ trường hợp ngân hàng thương mại nhà nước cho vay đối với người lao động của chính ngân hàng thương mại nhà nước đó để mua cổ phần phát hành lần đầu khi chuyển ngân hàng thương mại nhà nước đó thành ngân hàng thương mại cổ phần”.

Còn tại Thông tư 19 vừa ban hành, các trường hợp tổ chức tín dụng không được cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu được quy định chi tiết hơn nữa.

Đó là trường hợp tài sản bảo đảm là cổ phiếu của tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng; tài sản bảo đảm là cổ phiếu của doanh nghiệp phát hành mà khách hàng vay để mua cổ phiếu của doanh nghiệp đó.

Ngoài ra, Thông tư 19 còn nêu rõ nhiều trường hợp khác, chiếu theo Luật Các tổ chức tín dụng.

Đáng chú ý, thông tư mới cũng nêu rõ các tổ chức tín dụng không được cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của tổ chức tín dụng.

Với quy định này, để mua cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư phải có “tiền tươi”, chứ không được dùng vốn vay từ các tổ chức tín dụng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã cụ thể hóa chốt chặn việc dùng “vốn ảo” qua vay mượn vốn ngân hàng để mua cổ phiếu các ngân hàng, thậm chí vay mua cổ phiếu của chính ngân hàng đó và thế chấp chính lượng cổ phiếu đó cầm cố vay vốn tiếp – thực trạng xẩy ra trường đây trong một số vụ thâu tóm ngân hàng, tạo nên những vòng quay vốn nhiều rủi ro mà đến nay hệ lụy của nó vẫn chưa xử lý xong.

Với chốt chặn trên, một lần nữa Ngân hàng Nhà nước cụ thể hóa quan điểm về minh bạch, bền vững trong nguồn vốn đầu tư vào hệ thống ngân hàng, cũng như tăng thêm sàng lọc để cho chất lượng tín dụng.

Thủ tướng: “Không nên để vốn ngân hàng chỉ chảy vào các đại gia”

Bài viết mới