Lo lắng của hàng trăm hộ hưu trí
Bà Đoàn Thị Hoành (sinh năm 1933, cán bộ quân y nghỉ hưu, có 65 năm tuổi Đảng), năm 1972 được phân phối căn hộ tại khu tập thể Đổng Quốc Bình (ĐQB), quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng. Năm 1994, khi Nhà nước có chính sách bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê (Nghị định 61 ngày 5.7.1994 về mua bán và kinh doanh nhà), căn cứ vào những ưu đãi về giá bán nhà của Nghị định 61 và tính số năm công tác, gia đình bà Hoành hoàn toàn có thể sở hữu căn nhà của mình với giá 0 đồng. Vì vậy, gia đình bà Hoành đã nhiều lần có đơn xin mua căn nhà được phân phối nhưng không được TP.Hải Phòng giải quyết.
Trường hợp của gia đình bà Đoàn Thị Hoành không phải là trường hợp duy nhất ở khu tập thể ĐQB. Điều đáng ngạc nhiên là, hầu như toàn bộ các gia đình cán bộ ở ĐQB đều không được mua lại căn nhà của mình. Một cán bộ hưu trí ở khu này cho biết: “Trong khi CBCNVC cả nước được mua nhà của Nhà nước, chúng tôi lại không được quyền mua. Hải Phòng chúng tôi là vậy!”.
Đầu năm 2017, UBND TP.Hải Phòng phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại khu tập thể ĐQB. Khi nhận được thông báo nhà nước thu hồi lại căn nhà, lúc này các hộ dân ở đây mới té ngửa là mình có nguy cơ bị mất trắng quyền lợi được ưu đãi theo Nghị định 61. Mặc dù được chính quyền TP.Hải Phòng cam kết cho tái định cư tại chỗ ở chung cư mới xây dựng nhưng giá thuê nhà như thế nào thì lại không rõ ràng. Một người dân cho biết: “Từ bao nhiêu năm nay chúng tôi chỉ phải trả 200 – 250 nghìn đồng/tháng. Nếu lên chung cư mới, chủ đầu tư tính giá thị trường thì lương hưu vợ chồng tôi cũng không trả đủ”.
Nguy cơ mất trắng quyền lợi
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đoàn Khánh Hải – Phó Chủ tịch UBND phường ĐQB – xác nhận những lo lắng này của người dân. Ông Hải cho biết, giá thuê căn hộ mới sẽ tính theo m2, nhưng quyết định cuối cùng là của thành phố.
Theo tìm hiểu của PV, do là nhà thuê của Nhà nước nên khi thu hồi để cải tạo, xây dựng lại, người dân chỉ được hỗ trợ, bồi thường phần kiến trúc cải tạo trong diện tích nhà được thuê, khuôn viên; hỗ trợ ổn định cuộc sống. Theo phương án bồi thường, hỗ trợ của UBND quận Ngô Quyền thì hộ thấp nhất trên tầng 5 được hỗ trợ hơn 37 triệu đồng, hộ cao nhất ở tầng 1 được nhận đến trên 400 triệu đồng.
Để làm rõ việc tại sao hàng trăm hộ tại khu tập thể ĐQB lại không được mua nhà thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 61, PV Báo Lao Động đã có buổi làm việc với lãnh đạo Cty TNHH MTV quản lý và kinh doanh nhà Hải Phòng. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Cty thừa nhận: “Sau khi có Nghị định 61, rất nhiều CBCNVC ở khu tập thể có đơn xin mua nhà nhưng nếu bán sẽ tạo ra sở hữu hỗn hợp rất khó quản lý nên Cty đã có đề xuất với Thành phố không bán nhà đối với các khu tập thể cao tầng như ĐQB”.(?!)
Theo tìm hiểu của PV, cho mãi đến năm 2006, UBND TP. Hải Phòng mới có quyết định phê duyệt Đề án bán nhà số 46/ĐA-KDN ngày 17.7.2006 về việc bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 61 đến hết năm 2006 do Cty quản lý và kinh doanh nhà Hải Phòng lập. Giao Sở Xây dựng chỉ đạo Cty thực hiện việc công khai các khu vực bán và không bán. Như vậy, phản ánh của người dân khu tập thể ĐQB về việc TP.Hải Phòng không chịu thực hiện Nghị định 61 là có cơ sở.
Điều trớ trêu là, trong khi hàng trăm hộ CBCNVC ở khu tập thể ĐQB không được mua nhà thì có 2 hộ dân lại được mua nhà theo Nghị định 61 vào năm 2002 và 2004. Theo giải thích của phía Cty quản lý và kinh doanh nhà Hải Phòng thì đây là 2 hộ “lão thành Cách mạng được nhà nước tặng nhà”. Tuy nhiên, theo người dân ở khu tập thể ĐQB, chỉ có một hộ là “lão thành Cách mạng” nhưng hộ này cũng đã chuyển nhượng hợp đồng thuê nhà trước khi Cty thực hiện bán nhà.
Theo ông Đoàn Khánh Hải – Phó Chủ tịch UBND phường ĐQB- chính sách với 2 hộ có “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở” khác hẳn với các hộ thuê nhà. 2 hộ này được bồi thường về nhà và đất và được tái định cư ở nhà liền kề mặt đất khi khu ĐQB được xây dựng lại.