Cái cúi chào gây ‘bão’: Quan trọng là ‘thái độ thế nào’

Ngày trạm xăng Nhật 100% vốn nước ngoài khai trương, khi hỏi chuyện một nhân viên bán xăng về khâu đào tạo. Cậu nhân viên trẻ măng nói được công ty đào tạo 1-1,5 tháng. Hỏi vấn đề nào được chú trọng nhất , nhân viên này trả lời: Quan trọng nhất là thái độ, lúc nào cũng phải tươi cười với khách!

Và trạm xăng ấy, những nhân viên ấy thực sự đã khiến cộng đồng có 1 tuần dậy sóng vì những cái cúi chào. Đỉnh điểm là cái cúi chào khách mua hàng giữa cơn mưa của vị Tổng giám đốc người Nhật.

Vì sao cái cúi đầu của ông giám đốc người Nhật lại gây “bão” dư luận như vậy, còn sự chỉ trích lại hướng về các DN xăng dầu… nội?.

Phản ứng ấy không phải vô cớ! Thị trường xăng dầu Việt Nam chủ yếu vẫn nằm trong tay các ông lớn. Sự cạnh tranh trên thị trường này gần như không đáng kể. Các trạm xăng trên khắp dải đất chữ S này đều “mặc đồng phục”: “Đồng phục” về giá, “đồng phục” về thái độ và cả về sự hiếm hoi của nụ cười hay sự niềm nở tối thiểu với khách hàng. Đó là chưa kể, khách vừa đổ xăng vừa cảnh giác đảo mắt lia lịa vì “sơ sẩy là mất tiền”.

Đã có ý kiến chê trách người Việt lên đồng chỉ vì 1 trạm xăng ngoại, vì 1 cái ảnh cúi chào. Nhưng “lên đồng” vì 1 điều tốt đẹp còn hơn chém gió bàn phím cho những điều bịa đặt lan truyền, kiểu như “cấm công chức Hà Nội mua xăng trạm xăng ngoại” vậy.

Đó cũng là lời cảnh báo cho những trạm xăng ‘đồng phục’ khi những chỉ báo cho một sự cạnh tranh đang nhen nhóm trên thị trường xăng dầu. Thay đổi là điều trạm xăng Việt phải làm. Nếu không thể cúi đầu, thì chí ít cũng là một nụ cười, Và đặc biệt, phải gây dựng được niềm tin của khách hàng đi vào trạm xăng Việt.

“Người Nhật cúi đầu bán xăng” xét cho cùng chỉ là một câu chuyện về văn hóa kinh doanh. Kinh doanh không cần văn hóa chắc vẫn kiếm được tiền chỉ trong phút chốc nhưng khó có được sự bền vững.

Cái cúi đầu của người Nhật khi kinh doanh đã làm nước Nhật ngẩng cao đầu trước thế giới. Còn chúng ta bao năm vẫn ‘bó tay’ với tôm bơm tạp chất, sầu ngâm hóa chất, kích phọt rau quả, xăng trộn dung môi, heo ăn chất an thần… thì nếu cúi đầu chắc cũng chỉ để ‘xin lỗi rút kinh nghiệm’. Và thực tế, đã không ít kẻ kinh doanh chộp giật, bán rẻ niềm tin của khách hàng để rồi trả giá trong đắng cay.

Điều đáng mừng là đã có những doanh nhân Việt ngày càng hướng tới làm ăn bài bản, kinh doanh có văn hóa… cùng xây dựng một nền tảng kinh doanh để đến một ngày có thể tự hào “tôi là doanh nghiệp Việt”.

Mới đây, khi bước vào khu nhà xưởng của 1 DN, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi đến mỗi dây chuyền, các nhân viên lại hướng về phía những vị khách cúi chào cùng nụ cười niềm nở. Thấy lạ, tôi liền hỏi vị giám đốc “DN có vốn của người Nhật hay người Hàn không?”, vị này trả lời: Không. Chúng tôi là DN 100% vốn trong nước. Nhưng việc này đã trở thành nề nếp từ ngày thành lập rồi”.

Ra khu để xe, tấm biển “Đi xe máy phải đủ gương, nếu không không được vào công ty” đập vào mắt. Vị giám đốc lại nói tiếp: Đó là quy định pháp luật và công ty muốn nhân viên tuân thủ điều cơ bản đó”.

Vị giám đốc cho biết, ngoài những việc trên, anh phải thuê chuyên gia nước ngoài để dạy nhân công Việt Nam từ việc ngồi đúng tư thế, để dụng cụ đúng chỗ, vệ sinh chỗ làm sau ca làm việc… tất cả để tạo cho lao đông Việt một thái độ nghiêm túc với công việc, sống chết với chất lượng để tạo dựng uy tín lâu dài với khách hàng.

Còn bạn anh, làm một DN xuất khẩu thủy sản, cũng phải tập cho công nhân từ cách vệ sinh trước giờ vào ca, cách xếp từng hộp sản phẩm, thậm chí mời chuyên gia tập huấn hàng tháng trời cho công nhân hiểu về mục tiêu và giá trị DN hướng tới. Tất cả cũng hòng mang lại cho người lao động một thái độ nghĩ về khách hàng, tôn trọng khách hàng và xây dựng uy tín phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.

Rất nhiều doanh nhân Việt đã xây dựng được những nền tảng văn hóa như vậy trong DN của mình. Bản thân những cái cúi đầu của người Nhật, hay nụ cười chào khách của những nhân viên cây xăng nọ không phải DN Việt không làm được.

Phục vụ khách hàng theo đúng nghĩa là điều DN Việt đã bước đầu thành công. Nhưng để nâng tầm thành một thói quen, một thái độ với khách hàng hay cao hơn là “văn hóa kinh doanh” như cách người Nhật đã làm được lại là cả chặng đường dài.

Tuy nhiên, thời gian cho sự thay đổi đó chẳng còn nhiều. Nền kinh tế ngày càng mở cửa, DN ngoại tràn vào ngày càng nhiều ngay cả những lĩnh vực trước đây dường như độc quyền, hạn chế mở cửa… mà trạm xăng Nhật là một cảnh báo cận kề. “Thay đổi hoặc là chết” là điều DN Việt đã, đang và sẽ phải đối mặt. Sống chết là ở thái độ. Nghiêm khắc với chính mình và tôn trọng khách hàng là cách duy nhất để DN Việt vượt lên.

Idemitsu Q8 gia nhập thị trường, Chủ tịch Petrolimex lại muốn tự định giá xăng dầu

Bài viết mới