Cải cách môi trường kinh doanh: Nếu “so ta với ta” thì sẽ càng tụt hậu

Doanh nghiệp nặng gánh chi phí

Theo báo cáo “Khảo sát về môi trường kinh doanh ” của Ngân hàng Thế giới năm 2017, chi phí kinh doanh ở Việt Nam cao thuộc hàng đầu trong khu vực ASEAN.

Doanh nghiệp Việt cũng phải chịu chi phí nộp thuế cao trong khu vực ASEAN, ở mức 39,1% so với lợi nhuận và cao hơn 2 lần so với Singapore.

Chi phí về tuân thủ chứng từ xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines. Có những khoản như chi phí của Việt Nam (ví dụ như chi phí tiếp cận điện năng) đang cao gấp gần 49 lần so với Philippines.

Bên cạnh đó, theo báo cáo tại cuộc họp về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá xuất nhập khẩu ngày 21/8 vừa qua, hiện có 5.917 điều kiện kinh doanh của các bộ tại các cửa khẩu, 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành.

Tính trung bình mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỷ đồng để làm các thủ tục này. Điều đáng nó, tình trạng kiểm tra nhiều, phát hiện vi phạm lại chẳng bao nhiêu.

Tại tọa đàm “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng đây là những con số “đáng quan ngại” cho sự phát triển của doanh nghiệp.

“Đó là một lời cảnh báo và đứng ở góc độ các cơ quan quản lý cơ chế chính sách cần suy nghĩ xem mình có thể làm tốt hơn ở chỗ nào, từng đơn vị một, từng lĩnh vực một rà soát lại để tìm cái mà mình làm tốt hơn được cho cộng đồng doanh nghiệp, nhìn ở góc độ đấy tích cực hơn”, ông Đông nói.

Ông Ngô Văn Điểm, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng gánh nặng chi phí nói trên không những ảnh hưởng tới năng lực kinh doanh của doanh nghiệp mà còn tác động rất lớn tới năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Chi phí cao thì lợi nhuận thấp, doanh nghiệp khó có khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh được. Đồng thời, chi phí cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của người dân, do đó đời sống khó được cải thiện”, ông Điểm nói.

Ông Phan Đức Hiếu – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết những tính toán về chi phí chính thức và không chính thức thực tế nằm trong một con số khổng lồ hơn. Đó chính là chi phí về thời gian và chi phí về cơ hội mà doanh nghiệp mất đi.

Theo ông Hiếu, thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực, kết quả đã có nhưng chưa đạt so với kỳ vọng như mục tiêu đề ra ở Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35.

“Tác động trên thực tế qua cảm nhận của tôi cũng như qua đối thoại với cộng đồng doang nghiệp thì tôi cho rằng tác động chưa nhiều, chưa đạt được kỳ vọng cũng như mong muốn của doanh nghiệp”, ông Hiếu nhận xét.

Bình luận về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông cho biết các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 trên thực tế có hiệu quả. Theo chỉ số đánh giá của Ngân hàng Thế giới thì có những chỉ số chúng ta nhảy đến 12 bậc so với năm trước. Hiệu quả đó đánh giá bằng chỉ số thu hút đầu tư thì chúng ta đều tăng lên, mức độ phát triển doanh nghiệp đều tăng, có nghĩa là môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta đã tốt hơn.

“Chúng ta tốt so với chúng ta, nhưng so với các nước trong khu vực thì họ cũng đang thăng tiến, nên mục tiêu nằm trong nhóm ASEAN 4, nếu so sánh với thời điểm được tính thì có thể chúng ta đạt được rồi. Nhưng thực tế khi chúng ta chuyển động thì các nước trong khu vực cũng vậy”, ông Đông nói. Do vậy, theo ông Đông, trong tiến trình hội nhập toàn cầu nếu mà chỉ so với bản thân thì sẽ càng ngày càng tụt hậu.

Có ai tự đập vỡ niêu cơm của mình?

Tình trạng thủ tục chồng chéo cũng là nguyên nhân gây bức xúc, làm tăng chi phí cho dodoanh nghiệp. Số liệu từ cuộc họp của Tổ trưởng Tổ công tác Chính phủ với 12 bộ ngành mới đây cho thấy, hiện tỷ lệ hàng hóa làm thủ tục kiểm tra 2-3 lần chiếm 58%, trong đó 54% là kiểm tra 2 lần, còn lại 3 lần. Đây là tỷ lệ rất lớn. Điển hình như một mặt hàng chocolate cần 13 loại giấy phép, 12 nguyên liệu cần 12 loại giấy phép, cuối cùng phải xác nhận công bố thành phẩm.

Ông Phan Đức Hiếu cho biết, với những rà soát sơ bộ, ít nhất từ 1/3-1/2 điều kiện kinh doanh nói chung có thể xem xét cắt bỏ.

Tuy nhiên, theo ông Phan Đức Hiếu, việc giao cho các bộ, ngành tự rà soát thủ tục, điều kiện kinh doanh nhằm cải cách hành chính như hiện nay là không hiệu quả.

Ông Hiếu lý giải, chính các bộ ngành là nơi sản sinh ra các sản phẩm đó, các cơ quan là những người xây dựng chính sách, thực thi chính sách, sau đó lại tự rà soát và cắt bỏ đi cái mà mình vừa ban hành trước đó thì không thể hiệu quả được.

Theo ông Hiếu, thế giới có 2 hướng xử lý đối với vấn đề này. Một là rà soát không độc lập hoàn toàn, nghĩa là người ta có cơ quan riêng, khách quan và độc lập trong rà soát các thủ tục, điều kiện – có sự phối hợp với bộ, ngành.

Hướng thứ hai là rà soát song song, có nghĩa là các bộ, ngành cũng tự chịu trách nhiệm rà soát nhưng có cơ quan độc lập phản biện. Cơ quan này cũng rà soát rồi đối chiếu, phản biện với bộ ngành, sau đó thông qua một hội đồng chuyên môn (chức năng như trọng tài) rồi quyết định cải cách cái gì.

“Hiện nay chúng ta giao cho các bộ ngành tự rà soát mà không có chỉ tiêu rõ ràng, không có một cơ quan chịu trách nhiệm giám sát và có thẩm quyền quyết định kết quả rà soát đó. Cách làm hiện nay không phù hợp và cần thay đổi, có cơ quan độc lập, kết quả cuối cùng trình lên Chính phủ hoặc Quốc hội”, ông Hiếu nói.

Ông Ngô Văn Điểm – Phó chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cũng cho rằng cần phải có cơ quan độc lập xem xét lần cuối việc ban hành các văn bản.

“Cấp bộ tôi không biết có bộ phận này không nhưng trước đây Chính phủ có bộ phận đấy. Bây giờ Thủ tướng đã thành lập Tổ tư vấn – nếu có chức năng xem xét lần cuối các văn bản thì sẽ giúp đỡ được một phần đáng kể”, ông Điểm đề xuất.

Ông Điểm cũng cho rằng để cải cách thủ tục hành chính hiệu quả, các cơ quan công quyền cần phải biết lắng nghe, giải quyết các khiếu nại của người dân, doanh nghiệp; và hơn hết là chấp nhận chỉ trích của báo giới.

“Không ai tự mình rà soát tốt được, như chúng tôi hay nói trước đây là không ai đập vỡ niêu cơm của mình. Phải có người khác chỉ vào thì người ta mới làm được. Tôi cũng rất mừng là mới đây, Thủ tướng đã cho tái lập Tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp. Đây chính là một kênh giúp rà soát cắt giảm thủ tục”, ông Điểm nói.

Bàn về vấn đề này, ông Đặng Huy Đông cho rằng rất cần có phản biện trong việc ban hành chính sách đặc biệt là các điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, ông Đông cũng nhấn mạnh, cần phải tôn trọng quyền quản lý của các bộ, ngành.

“Các nước đều có quản lý, đều có điều kiện kinh doanh, quy định pháp luật, doanh nghiệp và người dân phải tuân thủ. Ví dụ làm thủ tục xin thị thực mở một sản phẩm vào một quốc gia nào đó, họ đầy đủ và dài, nhưng cũng rất cụ thể. Quy trình thực hiện việc tuân thủ đó của doanh nghiệp còn quan trọng hơn nữa và giảm thiểu sự tùy tiện chủ quan của người quản lý”, ông Đông nói.

Ông Đông cũng cho biết, trong quá trình rà soát phải trả lời một câu hỏi “nếu bỏ quy định đó đi thì thiệt hại cho nền kinh tế, cho xã hội là cái gì”. Nếu trả lời được sẽ có rủi ro như thế này thì phải tiếp tục trả lời câu thứ 2 “vậy có giải pháp nào để quản lý tốt hơn không”. Nếu không chỉ ra được giải pháp nào thì phải đưa ra các điều kiện về quản lý để cho doanh nghiệp tiếp tục thực hiện. Thứ ba, ngay cả hai câu hỏi kia đều cho câu trả lời bắt buộc phải ban hành thì cần giải quyết vấn đề thứ ba, đó là khi ban hành chi phí quản lý có xứng đáng với chi phí lợi ích mang lại hay không?

Một điểm đáng lưu ý nữa theo ông Đông, nhìn ở mức độ kiểm soát chặt chẽ như vậy, nhưng trên thực tế hàng giả hàng nhái ra thị trường rất nhiều.

Vấn đề quan trọng hơn là quản lý giúp cho ai phát triển và siết ai? Các nước đều cam kết mở cửa thị trường nhưng có những hàng rào kỹ thuật cực kỳ thông minh và tinh vi mà không giảm chất lượng hàng hóa, giúp doanh nghiệp trong nước phát triển, còn doanh nghiệp nước ngoài vào cũng khó khăn. Đây là câu chuyện phải làm rõ, ông Đông lưu ý.

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế nói gì về tác động của tăng thuế VAT lên người nghèo?

Bài viết mới