Cải cách hành chính: Nói nhiều, chuyển biến ít

Hội thảo “Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tổ chức ngày 7-12 một lần nữa nêu lên những rào cản trong môi trường kinh doanh khiến doanh nghiệp (DN) “chịu chết”.

Ám ảnh với quy định hồi tố

Ông Adam Stitkoff, Giám đốc điều hành AmCham, dẫn nhiều ví dụ cho thấy DN Mỹ quan tâm hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế Việt Nam, thể hiện qua việc đầu tư hàng tỉ USD, góp phần đưa Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy vậy, kết quả cuối cùng lại không được như mong mỏi. “Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Donald Trump đã góp phần làm nổi bật những cơ hội tuyệt vời dành cho các DN Mỹ tại Việt Nam. Thế nhưng, chúng ta thường thấy các khoản đầu tư không thực hiện được do những thách thức trong việc đối phó với tham nhũng cũng như các điều kiện cấp phép và môi trường pháp lý quá phức tạp, nhiều hạn chế và không rõ ràng” – Giám đốc điều hành AmCham nêu.

Hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái (TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái (TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo ông Adam, các thành viên của hiệp hội cần Chính phủ nỗ lực cải cách để tạo môi trường công bằng, cạnh tranh hơn. Trong đó có những vấn đề khiến các thành viên cực kỳ lo lắng, như: việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt vốn không được nhiều quốc gia trên thế giới khuyến khích; yêu cầu xác nhận việc công bố phù hợp các quy định an toàn thực phẩm gây tốn kém chi phí mà không hiệu quả… Đặc biệt, ông Adam còn cho rằng Nghị định 181 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo đòi hỏi một đơn vị Việt Nam chỉ có thể làm việc với một cơ quan quảng cáo được cấp phép ở quốc gia này không chỉ đặt Việt Nam vào tình trạng vi phạm nguyên tắc “đối xử quốc gia” mà còn hạn chế cơ hội cho các DN nhỏ và vừa trong quảng bá sản phẩm khi họ quảng cáo sản phẩm và dịch vụ của mình trên nền tảng xuyên biên giới như Google hay Facebook.

Ở góc nhìn toàn diện, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan – nhân chứng trực tiếp trong quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ – nhấn mạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam để phát triển và hội nhập là tạo điều kiện bình đẳng cho DN trong nước cũng như nước ngoài, không có sự phân biệt. “Tôi thậm chí còn bức xúc cho DN trong nước nhiều hơn DN nước ngoài vì DN nội là nạn nhân của những rào cản rất nặng nề trong môi trường kinh doanh” – bà Lan bộc bạch.

Nữ chuyên gia nhận định chi phí kinh doanh đang tăng cao và có xu hướng tăng hơn, gồm chi phí tuân thủ, dịch vụ hành chính, dịch vụ công, hạ tầng; cùng quá nhiều loại thuế, phí, quỹ và các đóng góp khác nhau; chi phí thời gian lớn; tham nhũng… Trong khi đó, chúng ta chưa tạo ra sân chơi bình đẳng, DN nhà nước, một số DN FDI và DN tư nhân thân hữu được biệt đãi. Đa số DN nhỏ và vừa ở vị thế bất lợi, không lớn lên được và dễ bị đào thải.

Tuy đánh giá chính sách này hiện nay thống nhất, đi cùng một “tông” chứ không vênh nhau như trước kia nhưng theo bà Phạm Chi Lan, luật cứ 5-7 năm lại thay đổi thì DN chịu chết. “Các chính sách hồi tố khiến DN từ chỗ thực hiện đúng đến thực hiện sai, thiếu dẫn đến truy thu, hồi tố. Điều cần làm của chúng ta hiện nay là đưa ra chính sách, luật chắc chắn, có tính dài hạn, bổ sung sửa đổi hạn chế thôi” – bà nói.

Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cũng chia sẻ DN sợ nhất quy định hồi tố. “Một DN 5 năm trước áp dụng thuế 0% nhưng sau lần kiểm tra gần nhất, cơ quan quản lý lại bảo thuế 5% áp dụng truy thu về trước. DN phải nộp thêm hàng chục tỉ trong khi 5 năm qua, lỗ lãi đã chia rồi thì đúng là khủng hoảng quá lớn” – ông Tuấn chia sẻ.

8 giải pháp cần thực hiện

Cùng ngày, phát biểu tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam, triển vọng 2018” do CLB CEO TP HCM tổ chức, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng nền kinh tế Việt Nam có nhiều triển vọng phát triển tích cực trong năm 2018. Chính phủ đã đề ra 8 nhóm giải pháp cần thực hiện.

Cụ thể, lĩnh vực xuất khẩu sẽ được định hướng phát triển những mặt hàng có công nghệ trung bình và cao, đổi mới sáng tạo, chế biến sâu… Tiếp tục cải cách công tác quản lý hành chính, rà soát những danh mục hàng hóa hạn chế và cấm xuất khẩu. Nỗ lực đa dạng hóa thị trường, trên cơ sở nghiên cứu áp dụng phòng vệ thương mại cho thị trường nội địa, đồng thời kết nối nhà phân phối với nông dân, hạn chế tình trạng “giải cứu” nông sản như thời gian qua. Bên cạnh đó, tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, thông qua sửa đổi một số luật như luật đầu tư, chuyên ngành, đấu thầu, xây dựng… để phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế đất nước.

Cũng trong năm 2018 sẽ tăng cường quản lý DN đầu tư nước ngoài (FDI) trong bán lẻ để bảo đảm mở cửa thị trường nhưng vẫn công bằng cho DN trong nước. Tinh thần chung là không ưu đãi cho DN FDI nhiều hơn DN khởi nghiệp trong nước trong lĩnh vực phân phối bán lẻ; tiếp tục điều chỉnh giá hàng hóa dịch vụ chính phủ đang quản lý theo đúng lộ trình mở cửa gồm giá dịch vụ y tế, giáo dục, điện để bảo đảm hài hòa lợi ích nhà đầu tư và người tiêu dùng. Mục tiêu của nhà nước là không tạo ra điểm nóng bất ổn trong xã hội và xích dần khoảng cách giàu nghèo tại Việt Nam. Về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, sẽ rà soát lại Quyết định 15 và 19 về tháo gỡ khó khăn cho DN; tập trung sửa đổi một số luật, trong đó có Luật Đầu tư, rà soát lại các điều kiện ngành hàng trong 241 ngành hàng có điều kiện kinh doanh, cố gắng giảm tối đa 20% -30% ngành hàng có điều kiện kinh doanh. Sửa Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng để phù hợp yêu cầu phát triển…

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới, cho rằng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế trong năm 2017 và đã được thăng hạng về cải thiện môi trường kinh doanh. Thời gian tới, cần đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực thành công như điện, tín dụng, thuế, xuất khẩu… Theo ông Sebastian Eckardt, hiện Việt Nam đầu tư công vẫn ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính, cản trở dòng tiền vào các lĩnh vực đầu tư khác. Nền kinh tế hướng vào xuất khẩu với 80% sản phẩm xuất khẩu thuộc lĩnh vực sản xuất nhưng điều bất lợi là FDI chiếm tỉ lệ cao nên về lâu dài cần thay đổi thực trạng này để tránh phụ thuộc, tạo liên kết nguồn lực lao động và DN nội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp FDI.

Quan trọng nhất vẫn là tín dụng và nợ xấu

Trao đổi với báo chí chiều 7-12, ông Nennis Hussey – Tổng Giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam, Giám đốc ANZ khu vực tiểu vùng sông Mê Kông – nhận định năm 2018, vấn đề tăng trưởng tín dụng nhanh cũng như nợ xấu của các ngân hàng là điều đáng quan tâm nhất của nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông Nennis Hussey, 3 năm trở lại đây, nợ xấu đã được xử lý đáng kể, cải thiện và quản trị tốt hơn nhiều. Đặc biệt, Quốc hội mới thông qua việc thay đổi quy trình xử lý nợ xấu làm gia tăng tối đa hiệu quả của quá trình xử lý nợ xấu, quá trình thu hồi nợ xấu cũng thuận lợi hơn. Ngân hàng Nhà nước đã bắt buộc các ngân hàng thương mại đến năm 2020 phải hoàn thành việc áp dụng Basel II, một chuẩn mực quản lý rủi ro, tuân thủ báo cáo đầy đủ, quản lý nợ xấu cho các ngân hàng…

S.NHUNG

Quảng Ninh: Cải cách hành chính, “chìa khoá” mở cửa thu hút đầu tư

Bài viết mới