Nói về điều này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, phải thốt lên rằng: “Cơn sốt đất tại Nhơn Trạch từ hơn 10 năm trước là một cú lừa lớn nhất trên thị trường địa ốc, vẫn còn kéo dài đến tận ngày hôm nay. Ở đó, hàng loạt doanh nghiệp đã chết như rạ, khách hàng rao bán cắt lỗ nhưng vẫn không thoát ra được những ”khu đất không có sự sống”.
Thực tế, khi có thông tin về các dự án lớn, gần như ngay sau đó giá đất sẽ bị “thổi” lên, nhà đầu cơ tấp nập. Nhiều người ở nơi khác có xu hướng mua gom đất để bán kiếm lời sau một thời gian, hoặc chuyển nhượng sang tay “ăn” chênh lệch, hoặc “xí” đất sẵn để sau một thời gian làm dự án dân cư, phân lô bán nền kiếm lãi. Đó chính là nguyên nhân khiến sau khi dự án sân bay được thông qua, đất đai quanh khu vực này tăng giá và được rao bán, chuyển nhượng tràn lan.
Và không chỉ với dự án này, Đồng Nai đã từng chứng kiến nhiều cơn sốt đất cục bộ tại Long Thành, Nhơn Trạch, Biên Hòa… sau khi các dự án lớn được công bố, như: dự án thành phố mới Nhơn Trạch cách đây gần 10 năm, dự án Trung tâm hành chính tỉnh và Express City của Tập đoàn Amata cách đây khoảng 5 năm, Khu dân cư Nhơn Trạch cách đây cũng gần 10 năm, dự án khu nhà ở Vạn Phúc “treo” suốt 14 năm qua…
Cho đến giờ này, nhiều người “ôm” đất ở các khu vực sốt đất nói trên vẫn chưa bán lại được, nhiều người phá sản, thậm chí có người vướng vòng lao lý vì huy động vốn lãi suất cao để “ôm” đất, sau đó không thể lấy lại vốn. Và tréo ngoe thay, những nạn nhân của các cơn sốt đất cuối cùng hay rơi vào người dân, những người có ít thông tin nhất về dự án nhưng lại sẵn sàng vay vốn đầu cơ. Bởi những người trung gian môi giới hưởng phần chênh lệch khi đất đang cao giá, thị trường đang sôi động đã nhanh chóng sang tay, rút vốn.
Theo ông Châu, tại huyện Nhơn Trạch đã từng xảy ra câu chuyện tranh giành để có được những khu đất tốt theo quy hoạch, khách hàng chở hàng xe tiền, thức cả đêm để chờ mua được một nền đất. Nhưng, nhiều năm qua, những thông tin về một hệ thống hạ tầng giao thông vẫn chưa thành hiện thực, khách hàng muốn rút lại tiền đã bỏ ra cũng không phải dễ dàng.
Trong vai một khách hàng, tham gia một sự kiện giới thiệu dự án tại Nhơn Trạch vào ngày cuối tuần mới đây, nhiều khách hàng cho biết các sàn môi giới thường giới thiệu rất “đẹp” về những khu dân cư ở đây. Tuy nhiên, khi tận mắt chứng kiến, sau khi xe chạy qua nhiều khu công nghiệp tấp nập xe container ra vào là vào một khu đô thị khá hoang vắng.
“Đường giao thông rộng đẹp đó nhưng sao bốn bề toàn cỏ dại, chỉ trơ trọi đúng một dãy nhà được xây sẵn cũng gần 10 năm rồi thì ai dám ở. Chúng tôi được các môi giới thuyết phục xuống dự án xem nhưng cảm thấy sợ sợ”, chị Trần Hồng Ngọc, nhà ngụ tại số 325/59 Nơ Trang Long (Bình Thạnh, TP.HCM), nói.
Theo chị Hồng, sàn giao dịch HTT (Đồng Nai) luôn cam kết sẽ trả lại tiền 100% cho khách hàng nếu sau một năm dự án này không hoàn thiện hoặc không có người về ở. Nhưng qua tìm hiểu, chủ đầu tư là Thang Long Real đã mua lại dự án này từ công ty địa ốc Phúc Khang, liên tục tổ chức hàng loạt sự kiện mở bán, huy động vốn nhưng sau khi đến tìm hiểu nhiều khách hàng đã lắc đầu quay về. Tuy nhiên, các môi giới cũng không chấp nhận “buông tha”, tìm cách đưa khác hàng tới một số dự án lân cận để họ thấy tiềm năng khu vực này.
Chẳng hạn nhà đầu tư Nguyễn Trần Thanh Phương, ngụ tại huyện Bình Chánh cũng được “cò” đưa đến khu đô thị Long Hưng gần đấy. Theo như lời ông Phương kể, nhìn vào tờ rơi quảng cáo thì thấy hấp dẫn thật đấy, bởi vì nơi đây sẽ có nhiều đường lớn, cầu quy mô 8 làn xe nối Nhơn Trạch với quận 9, TP.HCM, nhưng hiện nay để đến được đây phải chạy xe hàng chục cây số, hoặc là mất nhiều thời gian chờ đợi qua phà Cát Lái.
“Các nhân viên môi giới hứa là sau khi mua chủ đầu tư hàng ngày sẽ cho xe 50 chỗ ngồi, có wifi mạnh đưa đón cư dân từ dự án lên TP.HCM làm việc, nhưng ngày nào cũng đi hơn 60 cây số như thế thì có sướng mấy cũng không ham. Môi giới thì lúc nào cũng nói dự án hết hàng, chỉ còn vài nền đẹp nhưng đến nơi thấy xung quanh lèo tèo vài ngôi nhà, hỏi ra thì còn cả trăm nền đang rao bán, trong đó có số lượng lớn khách hàng muốn bán lại để thu hồi vốn, môi giới muốn giải phóng lượng hàng đã gom từ trước”, ông Phương nói.
Theo tìm hiểu một số sàn giao dịch quanh khu vực này, để đầu tư nhà đất tại Đồng Nai, khách hàng phải chấp nhận chờ “hái trái ngọt” sau ít nhất 5-10 năm nữa, bởi hạ tầng giao thông kết nối Đồng Nai với TP.HCM ngoài tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Quốc lộ 51 và phá Cát Lái thì các dự án khác vẫn còn trên giấy.
Mới đây, Văn phòng Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) đã nhận được đơn kêu cứu của 300 người dân tố hai công ty môi giới địa ốc tại Đồng Nai có hành vi lừa đảo. Theo chủ tịch HoREA thì các thủ đoạn đầu tiên là đổi tên dự án để người mua không biết dự án tên gì.
Thủ đoạn thứ hai là đổi tên luôn chủ đầu tư để không thể tìm được chủ đầu tư là ai. Thủ đoạn thứ ba là sửa lại, vẽ lại quy hoạch 1/500 dự án, thêm thắt vào rất nhiều tiện ích không có để lừa đảo người tiêu dùng. Thủ đoạn thứ tư là thay đổi giá. Giá chủ đầu tư bán có 300 triệu/nền thì đơn vị môi giới kê lên 150, 200 triệu thậm chí gấp đôi. Thủ đoạn thứ 5 là dùng chim mồi, chẳng hạn phía môi giới mời bà con đi mua đất quận 2, đón bà con lên xe rồi nói chỗ này đất đã bán hết hàng, rồi dùng chim mồi hỏi còn chỗ nào khác thì dẫn đi xem, vậy là tiếp theo đó họ dẫn đoàn đi Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom…
“Các nhà môi giới chỉ biết “lùa” khách hàng vào, bán được nhà rồi lấy tiền hoa hồng, mọi việc còn lại người mua sống chết sao mặc kệ!”, ông Châu cho biết.
Ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản cá nhân, cho biết thêm ngoài rủi ro pháp lý, nhiều công ty môi giới “lụi” còn kê giá bán hàng trăm triệu đồng, tư vấn thông tin sai sự thật khi bán hàng. Nhiều công ty trong số này đang bị công an điều tra sau khi có đơn tố cáo lừa đảo.