Ngay khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ấn định thời gian tổ chức cuộc họp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 12/6 tại Singapore, quan chức chính phủ hai nước đã chạy đua với thời gian để chuẩn bị tốt nhất cho cuộc gặp lịch sử này.
Đây là sự kiện chưa từng diễn ra trong lịch sử, khi một vị Tổng thống Mỹ gặp gỡ trực tiếp người đứng đầu nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên. Trước chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 3 vừa qua, ông Kim cũng chưa từng gặp gỡ bất cứ một nhà lãnh đạo quốc gia nào.
Trên lý thuyết, các phương thức ngoại giao truyền thống sẽ được áp dụng, tuy nhiên trong thực tế, điều gì cũng có thể xảy ra. Dưới đây là một số vấn đề mà ban tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh đang đối mặt trong quá trình tổ chức cuộc họp có 1 không hai này:
Những lo ngại về an ninh
Ban tổ chức cuộc họp thượng đỉnh này sẽ tập trung tối đa vào vấn đề đảm bảo an ninh. Điều này không chỉ vì Tổng thống Trump sẽ đàm phán với lãnh đạo 1 quốc gia về lý thuyết vẫn còn trong tình trạng chiến tranh với Mỹ, do chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 chưa bao giờ chính thức kết thúc – mà còn bởi cách đây chưa đầy hai tuần, quốc gia này vẫn còn đe dọa tấn công hạt nhân lãnh thổ Mỹ.
Trong khi chúng ta vẫn mặc định rằng hai nhà lãnh đạo Kim và Trump sẽ an toàn khi ở cùng nhau, nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn nổi tiếng về thái độ cảnh giác với các mối đe dọa cho sự an toàn của bản thân.
Theo các phương tiện truyền thông, các phóng viên trên chuyến bay đến Singapore đã thấy một phụ tá cao cấp của ông Kim đọc một bài báo với nội dung như sau: “để đảm bảo kết quả của cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều, việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch Kim Jong-un là ưu tiên số 1”.
Những lo lắng của phía Triều Tiên về vấn đề an ninh đã thể hiện rõ ràng trong cuộc hội kiến của ông với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 27/4 vừa qua. Một đoạn video đã ghi lại hình ảnh 12 vệ sĩ đã chạy bộ cùng chiếc xe chở ông Kim tại làng đình chiến Panmunjom.
Ngoài việc đảm bảo an toàn tính mạng cho hai nhà lãnh đạo, các quan chức tổ chức cuộc họp cũng có nhiệm vụ phát hiện và ngăn chặn các đối tượng gián điệp và tình báo xâm nhập trái phép cuộc họp này. Được biết, các bên có lợi ích liên quan trong các cuộc hội đàm này là Trung Quốc và Nga hiện đều đang có mối quan hệ căng thẳng với Mỹ.
Đội vệ sĩ của ông Kim Jong-un
Các vấn đề cá nhân
Mọi diễn biến của cuộc họp thượng đỉnh này đều được công chúng thế giới theo dõi sát sao, thậm chí phân tích cả những hành động nhỏ nhất để đoán ra những ẩn ý phía sau của mỗi động thái. Theo các chuyên gia Triều Tiên, điều này có thể đặc biệt đáng lo ngại đối với ông Kim.
Trong khi việc một người dân Triều Tiên có thể tự ý chạm vào người ông Kim là điều không tưởng, thì ông Trump lại nổi tiếng là người hay có những cử chỉ thân mật với các quan chức trong và ngoài nước. Ông Trump nổi tiếng với kiểu bắt tay rất mạnh và kéo đối phương về phía mình, khiến họ cảm thấy mất thăng bằng.
“Tôi đoán là các cố vấn của ông Kim đang giúp ông ấy chuẩn bị tinh thần cho vấn đề đó,” ông Peter Selfridge, người từng là Trưởng ban Nghi thức ngoại giao Mỹ từ năm 2014-2016, cho biết.
Thực ra, ông Kim không hề ngại cử chỉ tiếp xúc thân mật. Trong cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc hồi tháng Tư vừa qua, hai ông đã ôm nhau và thậm chí còn cầm tay nhau bước qua đường biên giới giữa hai nước.
Một mối quan tâm khác của phía Triều Tiên đó là sự khác biệt về chiều cao giữa hai nhà lãnh đạo. Trong khi ông Kim được cho là chỉ cao khoảng 1,7m thì ông Trump cao tới 1,88m.
Sự khác biệt về chiều cao có thể được thu hẹp dễ dàng. Cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright kể về cuộc gặp gỡ năm 2000 với thân phụ của ông Kim ở Bình Nhưỡng: “Tôi đã đi giày cao gót, nhưng ông Kim Jong-il cũng đi giày cao nên chúng tôi có cùng chiều cao.”
Ông Kim đã cho phép các nhà báo chụp ảnh ông bắt tay với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, nhân vật có chiều cao nhiều hơn đáng kể so với ông này. Ngoài ra, là 1 fan hâm mộ môn bóng rổ, ông Kim cũng đã chụp ảnh cùng ngôi sao bóng rổ Mỹ NBA Dennis Rodman, với chiều cao lên tới hơn 2m.
Tuy nhiên, nếu ông Kim cảm thấy không thoải mái về sự khác biệt chiều cao thì có thể yêu cầu phóng viên chỉ được quay hình ảnh 2 lãnh đạo sau khi cả hai đã ngồi xuống.
Bảng so sánh chiều cao của ông Kim Jong-un và lãnh đạo các nước Hàn Quốc, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp và Mỹ. Ảnh: Daily Mail.
Vấn đề danh xưng và giao tiếp
Tiếp theo là vấn đề ông Trump và ông Kim sẽ nói chuyện với nhau như thế nào. Tổng thống Trump từ trước tới nay vẫn đưa ra những thông điệp trái chiều về cảm nghĩ của cá nhân với lãnh đạo Triều Tiên. Do vậy, cộng đồng thế giới đang hết sức tò mò về cách hai vị này giao tiếp với nhau.
Trong diễn biến mới nhất là trong cuộc phỏng vấn bên ngoài Nhà Trắng hồi cuối tuần trước, Tổng thống Trump đã bày tỏ sự lạc quan về mối quan hệ với ông Kim: “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ cùng xây dựng một mối quan hệ, và nó sẽ khởi đầu vào ngày 12/6 tới đây”.
Ngoài ra vẫn còn vấn đề danh xưng. Chức danh chính thức của ông Kim là “Đồng chí Kim Jong-un, Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, CHDCND Triều Tiên, và Tư lệnh Tối cao của Quân đội Nhân dân Triều Tiên”. Trong bài phát biểu hôm thứ 6 vừa qua, ông Trump đã gọi ông Kim là “Chủ tịch Kim”.
Sự tương đồng lịch sử gần nhất với hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim mà các nhà phân tích thường liên tưởng đến là chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Richard Nixon với lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông vào tháng 2/1972.
Chuyến thăm kéo dài một tuần tại Trung Quốc đại lục là một phần của sự tái lập mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông và Tổng thống Nixon dường như đã thiết lập được một mối quan hệ tốt dựa vào những khoảnh khắc hai nhà lãnh đạo bắt tay nhau và mỉm cười do phóng viên thu được.
Trong ngoại giao, ngay cả một nụ cười cũng có thể là ám hiệu chính trị.
Khi tổng thống Bill Clinton đến thăm Triều Tiên để tiếp nhận hai nhà báo Mỹ bị nước này giam giữ hồi năm 2009, ông rõ ràng đã tránh mỉm cười trong một bức ảnh với cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il.
Trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và ông Kim cách đây hai tháng, ông Pompeo dường như không biểu hiện gì trên khuôn mặt, còn ông Kim lại hơi chau mày. Nhưng trong một bức ảnh chính thức của Nhà Trắng gần đây, Tổng thống Trump đã cười rạng rỡ với phái viên cấp cao của Triều Tiên, trên tay ông cầm bức thư của ông Kim.
Vấn đề thực phẩm
Vừa qua, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders đã công bố địa điểm chính thức diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều là khách sạn Capella trên đảo Sentosa của Singapore. Chắc chắn ban tổ chức đang nỗ lực sắp xếp những chi tiết nhỏ nhất cho hội nghị lịch sử này.
Bàn họp sẽ có kích thước thế nào? Chỗ ngồi mỗi bên ra sao? Các nhà lãnh đạo thích loại nước uống nào? Cờ của các quốc gia có cần cùng kích cỡ hay không? Ngay cả việc sắp xếp hoa, nếu có, phải được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo không gây ra vấn đề dị ứng.
Nếu cuộc họp bao gồm cả cả yến tiệc, thì ban tổ chức còn phải lựa chọn thực đơn. Rượu có thể gây ra các rủi ro nghiêm trọng. Trong khi ông Trump là người không uống rượu thì ông Kim lại thích uống rượu vang.
Khi hai quốc gia đang tìm kiếm lợi thế đàm phán, thì việc chọn ẩm thực của quốc gia nào cũng có thể coi là dấu hiệu của sự thiên vị.
Ẩm thực Singapore có thể là một lựa chọn trung lập thay vì các món ăn Mỹ hoặc Hàn Quốc, nhưng theo ông Selfridge, một khả năng khác là một thực đơn bao gồm các món ăn phổ biến với cả 2 nước, chẳng hạn như thịt bò hoặc gạo. Ví dụ, thịt bò Mỹ là món ăn chính trong bữa tối của ông Pompeo với một quan chức cấp cao Triều Tiên tại thành phố New York tuần trước.
Capricia Marshall, người từng là Trưởng ban Lễ tân chính phủ Mỹ từ năm 2009-2013, cho biết các nước đều thống nhất và tuân thủ các nghi thức ngoại giao. “Chúng ta hy vọng rằng hai nước Mỹ và Triều Tiên sẽ tuân thủ các quy tắc phổ biến này”. Tuy vậy, các bên luôn cần phải chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ.
Năm 1991, tại Madrid (Tây Ban Nha), Mỹ và Liên Xô đã đồng tài trợ một hội nghị hòa bình cho Israel, Syria và các nước khác ở Trung Đông. Một sự cố ngoại giao đã được ngăn chặn kịp thời khi các nhà tổ chức di chuyển một bức tranh lớn của Charles V miêu tả vụ tàn sát người Moor có thể xúc phạm các lãnh đạo Ả Rập khỏi phòng họp.
Việc lựa chọn các món ăn (nếu có) cũng hàm chứa rất nhiều ý nghĩa. Trong thượng đỉnh Hàn-Triều, nước chủ nhà Hàn Quốc đã gửi gắm rất nhiều thông điệp thông qua các món ăn. Ảnh: Inter-Korean Summit/POOL/Anadolu Agency/Getty Images.
Vấn đề về bản tuyên bố chung
Theo lẽ thường, hội nghị thượng đỉnh thường là công đoạn cuối cùng trong một quá trình đàm phán kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm của các trợ lý cấp thấp. Hai nhà lãnh đạo Trump-Kim đã đảo ngược tiến trình thông thường, và hiện nay mọi người đều tò mò điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Các nhà phân tích không kỳ vọng cuộc họp của hai ông Trump-Kim sẽ kéo dài quá lâu – có lẽ nó chỉ diễn ra một vài giờ, bao gồm cả các nghi lễ ngoại giao như việc chụp ảnh chung. Ý nghĩa thực sự của cuộc họp là cả hai bên đều sẵn sàng thỏa thuận về những điều khoản của một bản hiệp định hạt nhân.
Trong khi các bên đang thảo luận về chi tiết, cuộc họp này sẽ có khả năng bao gồm cả các nhà lãnh đạo cũng như các trợ lý hàng đầu, và cả các phiên dịch viên. Theo các chuyên gia Hàn Quốc, nếu có một phiên họp riêng giữa hai ông Trump và Kim, thì nó cũng sẽ diễn ra rất ngắn gọn.
Điều quan trọng là liệu các bên có thể đưa ra bản tuyên bố chung hay không, và nội dung của tài liệu này là gì. Những tuyên bố như vậy thường được thảo luận trước, và một số phần quan trọng sẽ được quyết định trong cuộc họp.
Nếu không có tuyên bố chung, điều đó có thể là tín hiệu cho thấy hai bên không thể đạt đồng thuận về các điều khoản chung – tức một dấu hiệu xấu cho triển vọng của một bản thỏa thuận.
Bất kỳ tuyên bố riêng lẻ nào cũng sẽ được coi là biểu hiện của sự khác biệt về quan điểm. Nếu hai bên thông báo họ sẽ gặp lại nhau, ngay cả ở các cấp thấp hơn, có thể là một dấu hiệu tốt. Tổng thống Trump đã từng tuyên bố rằng hội nghị thượng đỉnh sắp tới có thể là cuộc gặp gỡ đầu tiên trong một loạt các cuộc gặp giữa ông và lãnh đạo Triều Tiên.
Nghệ thuật tặng quà
Trao đổi quà tặng là 1 nghi thức không thể thiếu trong các hội nghị thượng đỉnh, mặc dù hoạt động này thường diễn ra sau hậu trường và chỉ được công bố cho công chúng sau khi sự kiện kết thúc.
Khi cựu Ngoại trưởng Mỹ Albright đến thăm Triều Tiên, bà đã tặng cho ông Kim Jong-il một quả bóng rổ có chữ ký của huyền thoại Michael Jordan. (Giống như con trai mình, ông Kim Jong-il cũng rất yêu thích môn bóng rổ)
Triều Tiên rất tự hào về những món quà mà các nhà lãnh đạo đã nhận được. Hơn 100.000 món quà đang được trưng bày tại Hội trường Triển lãm Hữu nghị Quốc tế của nước này.
Theo ông Scott Snyder, thành viên Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ, “Việc xác định món quà phù hợp dành cho ông Kim sẽ là một nhiệm vụ khó khăn và đòi hỏi sự tinh tế cao”. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt hiện nay cũng là một yếu tố mà phía Mỹ cần cân nhắc khi chọn lựa món quà dành cho lãnh đạo Triều Tiên.
Công chúng cũng sẽ cực kì quan tâm tới món quà ông Kim tặng cho ông Trump. Trong quá khứ, các nhà lãnh đạo Triều Tiên đã từng tặng những món quà cho lãnh đạo nước ngoài, từ những chú chó con đến nấm Matsutake, một loại sản vật đắt tiền.
Gặp gỡ báo chí
Mặc dù giới phóng viên quốc tế vô cùng mong đợi một cuộc họp báo của hai nhà lãnh đạo, nhưng điều này rất khó xảy ra, vì kể cả ở Triều Tiên, ông Kim hầu như cũng không trả lời phỏng vấn của báo giới trong nước. Nhiều khả năng là hai ông Trump-Kim sẽ có các bài phát biểu ngắn trước báo giới, như khi ông Kim gặp ông Moon tại Hàn Quốc hồi tháng 4 vừa qua.
Trái lại, dù ông Trump thường chê bai giới truyền thông Mỹ, nhưng ông thường sử dụng các cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo nước ngoài để trả lời các câu hỏi phỏng vấn của phóng viên. Không ai nói trước được liệu tính chất đặc biệt của cuộc họp này có khiến ông Trump bỏ qua các câu hỏi khó nhằn không. Chúng ta hãy cùng đợi xem.
Video Tổng thống Trump “lưu luyến” tiễn Tướng Triều Tiên Kim Yong-chol rời Nhà Trắng: (Nguồn VOA)