Thời nay, tin tức một vài cầu thủ bóng đá có thể kiếm được hàng trăm nghìn USD mỗi tuần chỉ bằng việc “đá qua đá lại” một quả bóng trên sân cỏ khiến nhiều người cho rằng trở thành cầu thủ là cách dễ dàng để kiếm tiền. Tuy nhiên, có một điều mọi người cần hiểu là số tiền mà các cầu thủ chuyên nghiệp kiếm được rất khác nhau, còn tuỳ thuộc vào mức độ quan trọng của họ đối với đội bóng và độ nổi tiếng của họ.
Vậy với các ngôi sao bóng đá nổi tiếng, họ kiếm được bao nhiêu tiền và số tiền đó tới từ những nguồn nào?
Tiền lương từ câu lạc bộ
Hiển nhiên rồi, với bất kể một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp nào, kể cả là siêu sao đi chăng nữa thì cũng đều được hưởng một mức lương cố định tại câu lạc bộ mà họ đầu quân. Điểm khác biệt có lẽ là số tiền mà mỗi cầu thủ nhận được.
Giống như bất kỳ ngân hàng, cơ quan, tổ chức nào, các câu lạc bộ bóng đã đều muốn tìm mọi cách trả một mức lương thật hấp dẫn để thu hút những cầu thủ tốt nhất. Khi Wayne Rooney ký hợp đồng đầu quân cho Manchester United vào năm 2014, anh được trả mức lương 300.000 bảng Anh mỗi tuần. Con số này tương đương 50 pound mỗi giây và 30 bảng mỗi phút.
Còn với hợp đồng tại Barca, ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới Messi nhận mức lương 500.000 bảng một tuần sau thuế. Mức lương này được cho là cao nhất tại giải La Liga, vượt cả Cristiano Ronaldo. Với mức lương như vậy, Messi mỗi tháng nhận 2 triệu bảng và thu nhập một năm lên tới hơn 25 triệu bảng.
Quảng cáo, đại diện thương hiệu…
Lương cao đã đành, một nguồn chính mang lại khối tài sản lên tới cả chục, trăm triệu USD cho các siêu sao bóng đá là nhận quảng cáo, làm đại diện hình ảnh… Đơn giản chỉ cần gật đầu đồng ý đá trên đôi giày bóng đá mang thương hiệu của một công ty nào đó, họ đã kiếm được cả núi tiền. Đơn cử như mức giá hàng triệu USD mỗi năm mà Nike đồng ý trả cho Neymar chỉ để anh ta dùng giày thương hiệu này. Trên thực tế, con số này vẫn chưa là gì so với mức 11 triệu USD mà Adidas đồng ý trả cho David Beckham thời anh vẫn còn chơi bóng.
Gần đây hơn, Adidas chuyển sang ký hợp đồng tài trợ sản phẩm trọn đời với Messi. Con số chính xác Messi nhận được không được tiết lộ, nhưng có một điều chắc chắn là nó sẽ không kém hơn là bao so với 1 tỷ USD mà Ronaldo đã ký với hãng Nike. (Tất nhiên số tiền khủng khiếp này Ronaldo hay Messi không thể nhận ngay một lần mà được chia theo từng năm hay từng tháng về sau).
Ngoài 1, 2 hợp đồng béo bở như vậy, những ngôi sao như Messi còn có hàng loạt hợp đồng là gương mặt đại diện cho một số nhãn hàng nổi tiếng như Pepsi, Gillette, Turkish Airlines… Tính riêng trong năm 2016, thu nhập của Messi từ quảng cáo lên tới 23 triệu bảng, xấp xỉ một năm lương đá bóng.
Nhìn chung khi đã trở thành một siêu sao bóng đá, hầu như bất cứ thứ gì trên cơ thể bạn cũng có thể mang ra để kiếm tiền nếu muốn. Từ việc lái một chiếc xe ô tô được thiết kế riêng hay uống một chai nước thể thao thương hiệu nào đó. Các công ty hầu hết đều tin tưởng rằng hình ảnh của cầu thủ họ chọn lựa có đủ sức ảnh hưởng để khiến những người ủng hộ họ sẽ sử dụng những sản phẩm giống thần tượng mình thích.
Đơn cử như Ronando, người ta nói chẳng có bộ phận nào trên cơ thể anh này không thể kiếm được tiền cả. Với tài năng, tên tuổi cùng ngoại hình lý tưởng, Ronaldo không chỉ kiếm tiền bằng trái bóng mà còn bằng tất cả bộ phận trên cơ thể mình. Các hợp đồng quảng cáo của Ronaldo rất “đa dạng”, từ dầu gội đầu, trang phục thể thao, điện thoại di động, nhà sản xuất dụng cụ thể thao… Đương nhiên kèm với đó là những khoản tiền thù lao khổng lồ.
Tờ Bloomberg vừa đưa ra hình ảnh đồ họa khá độc đáo, thống kê những nhà tài trợ lớn trên khắp cơ thể của Ronaldo. Trong đó, đáng chú ý nhất vẫn là thương hiệu thời trang thể thao Nike – nhà tài trợ chính và lâu năm của CR7. Hợp đồng trọn gói trị giá hơn 1 tỷ USD kể trên của Nike là để Ronaldo chấp nhận đại diện và sử dụng sản phẩm của họ mỗi khi xuất hiện trước công chúng.
Với sự nổi tiếng và sức ảnh hưởng quá lớn, những công ty thể thao nổi tiếng trên thế giới như Nike, Puma và Adidas thậm chí còn phải tranh giành quyết liệt để có được siêu sao làm đại diện thương hiệu cho mình và vì vậy mà giá tiền càng tăng.
Một số siêu sao đủ tầm và có một chút tài… viết văn, họ còn có thể kiếm được rất nhiều tiền từ việc viết sách – tiểu sử cuộc đời mình, nhất là với những tên tuổi lớn đã tuyên bố giã từ sự nghiệp. Đối với những cầu thủ như Messi hay Cristiano Ronaldo điều đó là hoàn toàn có thể. Trong suốt sự nghiệp, họ đã giành được rất nhiều thành tích vượt trội đáng để ghi lại, kể với những người ủng hộ mình. Ví dụ điển hình là cuốn tự sự My Side của David Beckham đã trở thành cuốn tự sự bán chạy thứ 10 thế giới kể từ năm 2001 theo Guardian.
Thu nhập từ mạng xã hội
Thời buổi mạng xã hội nổi lên những ngôi sao nói chung và các cầu thủ bóng đã nổi tiếng nói riêng cũng tìm ra một cách nữa để kiếm tiền thông qua các trang mạng xã hội cá nhân.
Theo Hookit, năm ngoái Ronaldo đã trở thành VĐV thể thao đầu tiên có 200 triệu người theo dõi trên các mạng xã hội Facebook, Instagram và Twitter. Riêng mạng Facebook, Ronaldo có 120 triệu người theo dõi, cao hơn nhiều so với con số 88 triệu của Messi. Với 95 triệu người theo dõi trên Instagram, CR7 hiện xếp thứ 7 trong danh sách những người có nhiều fan nhất (sau Selena Gomez, Ariana Grande, Taylor Swift, Beyonce, Kim Kardashian).
Với mỗi lần chia sẻ dòng trạng thái quảng cáo, CR7 nhẹ nhàng bỏ túi 260.490 euro. Không thừa khi nhắc lại tài khoản cá nhân của CR7 trên Twitter hiện đang thu hút được 49,2 triệu lượt người theo dõi. Đây thực sự là một con số rất ấn tượng, đồng thời nói lên sức hút của anh với giới mộ điệu.
Messi hiện là cầu thủ có lượng fan theo dõi nhiều thứ hai trên thế giới, với 89 triệu lượt thích trên Facebook và 83 triệu follow trên Instagram.
Nhìn chung với số lượng tương tác hùng hậu như vậy, Messi cũng như bao nhiêu người nổi tiếng khác có thể đăng những bài quảng cáo cho các nhãn hàng, để đổi lại lấy tiền quảng cáo. Thu nhập từ nguồn này cũng không hề nhỏ, với vài triệu USD mỗi năm.
Đầu tư, kinh doanh
Robbie Fowler – cựu tuyển thủ của Manchester City nổi tiếng là một ông trùm bất động sản. Anh này sử dụng lương từ cầu thủ bóng đã chuyên nghiệp để đầu tư vào bất động sản với khối tài sản lên tới 31 triệu bảng trong năm 2013.
Trẻ hơn thì có Ronaldo. Cầu thủ này cũng tỏ ra rất nhạy bén trong việc kinh doanh khi tận dụng khai thác thương hiệu CR7. Ngoài việc buôn bán quần áo thời trang, đồ lót, đồ gia dụng, siêu sao người Bồ Đào Nha còn sở hữu 2 khách sạn hạng sang. Những khách sạn có tên Pestana CR7 này được đặt tại Lisbon và Funchal (quê nhà của Ronaldo ở Madeira). Năm 2016, Ronaldo cũng chung vốn với công ty chăm sóc sức khỏe Crunch của Mỹ để mở phòng gym. Phòng gym đầu tiên mang tên anh nhiều khả năng sẽ mở cửa ở Madrid.
Trên thực tế ngày nay các cầu thủ nổi tiếng kiếm tiền không chỉ để trong ngân hàng. Họ luôn có một đội ngũ tư vấn tài chính, những người giúp đồng tiền “đẻ” ra tiền. Messi hè năm nay vừa khánh thành trung tâm thể thao lớn ở Trung Quốc. Ngoài ra, anh còn đầu tư vào bất động sản với dự án mang tên Azahares del Parana tại quê nhà Rosario, xây dựng các tòa chung cư cao cấp.
Chưa kể đến việc đó chỉ là những bề nổi được báo chí biết đến. Chắc chắn Messi hay Ronaldo còn có nhiều dự án kinh doanh đầu tư khác bí mật, đem về cho họ những khoản tiền khổng lồ ngoài thu nhập từ bóng đá.