Trao đổi bên lề Diễn đàn “Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong xu thế hội nhập kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương”, TS. Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã đặt vấn đề cho các chuyên gia Nhật Bản về việc người máy đang thay thế lao động giá rẻ trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng các nước có lợi thế về công nghệ và vốn sẽ quay trở lại đầu tư vào quốc gia của mình chứ không phải đầu tư sang các nước có lợi thế về nguồn lao động.
Bàn về vấn đề này, TS. Yashiro Hiroaki, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng: “Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là những thành tựu công nghệ mới và nó có thể dẫn đến việc chúng ta tiết kiệm được sức lao động thông qua công nghệ. Tại Nhật Bản, chúng tôi cần công nghệ này bởi lực lượng lao động hiện đang ngày càng khó khăn, trong khi dân số thì già hoá mà số lao động lại càng giảm đi”.
Chính vì thế, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nơi “người máy sẽ thay thế lao động” là những gì đang diễn ra tại Nhật Bản nhưng tại các quốc gia có lực lượng lao động dồi dào như Việt Nam thì hậu quả của việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 này có thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động.
Bởi khi máy móc thay thế con người thì nhiều lao động với tay nghề thấp sẽ bị mất việc. Do đó, các quốc gia đang phát triển cần quan tâm hơn nữa đến đối tượng lao động sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bằng những chính sách tạo cơ hội việc làm cho họ.
Nói về Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Yashiro Hiroaki cho rằng: “Đây là những công nghệ ‘tiết kiệm lao động’ nên rất khó để tạo ra các cơ hội việc làm cho người lao động, vì vậy, chúng ta chỉ có thể nâng cao chất lượng nguồn lao động lên để công nhân có có thể sử dụng được các máy móc này, nhờ đó, công nhân mới được hưởng lợi từ Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đồng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng: “Đây là một thách thức rất lớn đối với người lao động ở không chỉ riêng Việt Nam mà tại tất cả các quốc gia trong xu thế bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”.
TS. Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)
Cách mạng công nghiệp 4.0 không còn là cái gì xa xôi đối với các doanh nghiệp Việt Nam nữa, rất nhiều doanh nghiệp đã sử dụng người máy vào dây chuyền sản xuất của mình. Trước kia thì chỉ có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) như Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản đầu tư robot vào chuỗi sản xuất trong ngành công nghiệp nhựa, công nghiệp lắp ráp ô tô,…nhưng đến bây giờ, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng thấy lợi và đầu tư vào.
“Nhiều doanh nghiệp lắp dây chuyền tự động, robot hiện đại là lập tức “thải” ngay vài trăm công nhân. Tôi cho rằng, đây là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Về lâu về dài đã có dự báo là đến 86% lao động của ngành may mặc và da giày của Việt Nam sẽ mất việc trong vòng 15 năm tới”, ông Doanh chia sẻ.
Vấn đề là người Việt Nam phải thay đổi tư duy và chấp nhận học suốt đời, mất việc này thì học việc mới, làm việc khác và chấp nhận thay đổi môi trường, địa điểm làm việc.
Thách thức thứ hai của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là đối với Nhà nước khi hàng triệu người lao động mất việc thì họ phải có cơ hội được học, chứ đối với nền giáo dục hiện tại thì người lao động mất việc học ở đâu, chẳng nhẽ, họ đã thất nghiệp ở tuổi 35, 40 tuổi thì không làm được gì nữa hay sao?” TS. Lê Đăng Doanh đặt vấn đề.
Vì vậy, “Nhà nước phải tìm cách phát triển, kêu gọi đầu tư, mời giảng viên, giáo sư để đào tạo những năng lực mới về ngoại ngữ, chuyên môn nhằm tạo cơ hội cho người lao động chứ không nên nhìn cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 theo hướng tiêu cực”, TS. Doanh cho hay.