Cách mạng 4.0 đến, một doanh nghiệp lớn ở Hà Nội đã sa thải 80% công nhân vì robot: Chúng tôi cũng đau xót lắm!

3 tháng trước, Đại học Oxford công bố lộ trình mất việc vào tay robot của loài người. Đến thời điểm 1 tháng trước, một nhà máy ở Bình Dương cũng phải cho 90% công nhân nghỉ việc vì đã có hệ thống robot làm thay các công việc.

Lúc này, những người công nhân trình độ thấp, trên toàn thế giới hay là tại cả 340 khu công nghiệp ở Việt Nam, có lẽ đang rất lo lắng rằng rồi mình sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo bị đào thải bởi robot.

Với doanh nghiệp chúng tôi: ‘Các anh cứ yên tâm’!

Mới đây, lần đầu tiên, một lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam đã lên tiếng về câu chuyện này trong một hội thảo về cách mạng 4.0 hồi giữa tháng 8. Cụ thể, ông Đào Hữu Huyền, Công ty Cổ phần bột giặt và hóa chất Đức Giang cho rằng nguy cơ robot thay thế con người là hoàn toàn có thật ở Việt Nam.

Cũng nói về trào lưu này, ông Huyền cũng chia sẻ một cách chua xót: “Với doanh nghiệp thì ‘có thể theo kịp được’, nhưng với các công nhân thì thực sự ‘rất đau xót’.

Ông Đào Hữu Huyền (hàng trên, bên phải)

Ông Đào Hữu Huyền (hàng trên, bên phải)

Theo ông Huyền thì thuật ngữ ‘cuộc cách mạng công nghiệp 4.0’, đối với doanh nghiệp Việt Nam, nên được hiểu đơn giản là việc tự động hóa đến mức tối đa khâu sản xuất. Và hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu bắt kịp, hoặc là đã ý thức được với một xu hướng đang lên trên thế giới.

“Nói về cách mạng công nghiệp 4.0 thì tôi nói thật là bây giờ dưới các xí nghiệp chúng tôi đã triển khai tự động hóa rồi, đã ý thức người máy hơn hẳn người bình thường rồi”, vị giám đốc này chia sẻ.

Đối với riêng Đức Giang, việc để máy móc tự làm giờ đây đã được ứng dụng vào nhiều khâu sản xuất khác nhau như bón phân, đóng gói hoàn toàn. “Không cần nói đâu xa 4.0, nói chung là chúng tôi đã tự động hóa tối đa khâu sản xuất”, ông nói.

Nâng cao sự hiện diện của máy móc cũng đồng nghĩa với vai trò của con người được giảm bớt. Theo vị tổng giám đốc công ty Đức Giang thì giờ đây tại Việt Nam, khái niệm nhà máy với chỉ vài ba người đã bắt đầu trở thành phổ thông, chứ không chỉ là từ ngữ trên báo chí.

Những robot thay thế hàng nghìn con người trong sản xuất

Những robot thay thế hàng nghìn con người trong sản xuất

Tất nhiên những nhân lực này là những người có trình độ cao, sẽ thực hiện công việc điều phối hoạt động của cả nhà máy. Ông Huyền đặt niềm tin vào điều này bởi theo ông thì “các kỹ sư Việt Nam giờ đây đã rất nhanh nhạy với cái mới, chịu học hỏi và bắt kịp rất nhanh”.

Nói chung, những lời bộc bạch rất thật của ông khiến người ta tin rằng doanh nghiệp Việt đang trên đường theo kịp với xu hướng ‘robot hóa’ hiện diện trên thế giới. “Nhân hội nghị hôm nay, chúng tôi nói những cái thực chất, các anh cứ yên tâm với sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Huyền lạc quan cho biết.

Cũng theo dự đoán của ông thì trong tương lai, bên cạnh máy móc thì một tầng lớp người lao động mới sẽ xuất hiện. “Tương lai tôi nghĩ công ty sẽ chỉ có vài trăm công nhân, văn phòng được tự động hóa. Chúng tôi sẽ mời các nhân sự có khả năng công nghệ thông tin cao về làm việc”, doanh nhân này trầm ngâm cho biết.

Nhưng với người công nhân bị robot cướp việc: ‘Thực tại đau xót lắm’

Bên cạnh nhiều điểm sáng, điều ông Huyền trăn trở nhất chính là những gì đang thực sự diễn ra dưới các phân xưởng với những công nhân Việt Nam hàng ngày phải ‘ấm ức’ nhìn robot cướp đi việc làm của mình.

Và có vẻ như, những gì báo chí cảnh báo thời gian qua là chẳng hề phóng đại. Dưới góc độ doanh nghiệp, công nghệ mang đến nhiều lợi ích cho Đức Giang, nhưng lại đang gây khó cho các công nhân của ông Huyền và hàng trăm nghìn đồng nghiệp của họ tại Việt Nam.

Từ chính công ty mình, ông Huyền chia sẻ về chuyện tự động hóa đã ‘tiêu diệt’ sức sản xuất của những công nhân tại Đức Giang một cách nhanh chóng như thế nào.

“Cứ 1600 người thì 300 người bị mất việc, các phòng ban của công ty tôi giờ hoạt động tự động hết. Cứ thế này thì tôi lo ngại vài năm nữa gánh nặng an sinh xã hội tỉnh Lào Cai (Đức Giang có 1 nhà máy sản xuất tại Lào Cai-pv) chắc sẽ tăng lên rất nhanh”, Ông Huyền chia sẻ.

Thậm chí tốc độ mất việc còn khủng khiếp hơn đối với các công nhân của ông Huyền tại nhà máy tại Long Biên. Ông chia sẻ về dây chuyền bột giặt tuổi đời hơn 20 năm ở đây, vốn có 100 người nhưng khi máy móc vào thì sẽ chỉ cần có 10 – 15 người vận hành.

“Tôi tự nghĩ là các công nhân buộc phải nghỉ thì sẽ làm gì?”, người đàn ông này trầm ngâm tự vấn.

So với máy móc, robot thì rõ ràng những người công nhân bằng xương bằng thịt thiệt thòi hơn rất nhiều. Tổng Giám đốc Đức Giang lấy ví dụ: “Robot làm gì có bảo hiểm, chỉ có bảo dưỡng, bảo hành. Còn đối với nhân công thì bảo hiểm nặng lắm. Nói như thế để các anh thông cảm cho doanh nghiệp về vấn đề an sinh xã hội”.

Từ đó, vị Tổng giám đốc phân tích rằng việc thay thế con người bằng robot sẽ chẳng làm thiệt gì cho các doanh nghiệp, thậm chí còn mang lại lợi ích.

Tuy nhiên, chuyện ngược lại xảy ra với các công nhân, đó sẽ là một cuộc thay đổi trên diện rộng mà cách ông Huyền mô tả là ‘vô cùng đau xót’. “Nói thế để thấy chúng tôi cũng đau xót lắm. Có phải đuổi một lúc 50 – 60 người là đơn giản đâu”, ông Huyền nói.

Với những công nhân trình độ thấp, cơ hội giờ đây có lẽ sẽ chỉ còn mở ra ở những doanh nghiệp tài chính còn yếu, chưa đủ nguồn lực để sử dụng robot, máy móc và vẫn cần viện đến sức người.

Thế nhưng, đây cũng là một bài toán đặt ra, khi mà những doanh nghiệp này thường có nguồn cầu lao động không lớn như Đức Giang, khó lòng đáp ứng nguồn cung từ những người lao động đang mất việc.

Giờ đây, cách làm hiệu quả nhất có lẽ là đào tạo lại, hoặc đào tạo nâng cao – những chủ trương mà Chính phủ đang hướng tới. “Nếu chúng ta biết làm một cách bài bản thì chắc là khó khăn vẫn có, nhưng chúng ta cũng sẽ không đến nỗi quá hoang mang” – Ông Trần Đình Thiên nói sau phần phát biểu của ông Huyền.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để các triệu phú đôla Việt Nam trốn thuế thu nhập cá nhân?

Bài viết mới