Ngày nay, khi mà kiến thức được đăng tải rộng rãi khắp các kênh phương tiện thông tin đại chúng thì văn hoá đọc sách và kỹ năng đọc sách cần phải đặc biệt chú trọng hơn. Chưa chắc nhiều người bỏ tiền ra mua sách đã biết được cách đọc sách hiệu quả.
Tác giả James Clear – chuyên gia về tâm lí hành vi – đã có một bài viết chia sẻ phương pháp đọc sách hiệu quả mà ông áp dụng.
Đọc hết một cuốn sách thì rất dễ nhưng để hiểu và nắm được nội dung mới là điều khó.
Trong những năm gần đây, tôi đã tập trung xây dựng thói quen đọc sách và học cách để đọc được nhiều sách hơn. Nhưng chìa khóa không phải đơn thuần chỉ là đọc nhiều hơn mà là đọc hiệu quả hơn. Với hầu hết mọi người, mục tiêu cuối cùng của việc đọc một cuốn sách về người thật việc thật là để cải thiện cuộc sống bằng cách lĩnh hội những kiến thức mới, kỹ năng mới, hiểu rõ một vấn đề quan trọng hay nhìn nhận cuộc sống theo con mắt khác. Điều quan trọng là phải đọc sách nhưng nhớ và áp dụng được những điều đã đọc cũng quan trọng không kém.
Với ý nghĩ đó, tôi muốn chia sẻ 3 chiến lược đọc hiểu giúp cho việc đọc sách hiệu quả hơn.
1. Tạo ra những ghi chú và khiến chúng dễ tìm kiếm
Có những ghi chú dễ dàng tìm kiếm về cuốn sách là một điều cần thiết để giúp bạn có thể tìm lại được những ý tưởng đã lĩnh hội được một cách dễ dàng. Chúng sẽ làm tăng khả năng bạn có thể áp dụng những gì đã đọc vào cuộc sống. Một ý tưởng được coi là hữu ích chỉ khi nào bạn có thể tìm thấy nó khi bạn cần.
Tôi lưu trữ những ghi chép của mình trong Evernote bởi 3 lý do: 1) Dễ dàng tìm kiếm, 2) có thể sử dụng và đồng bộ với nhiều thiết bị và 3) bạn có thể ghi chép ngay cả khi không có kết nối mạng.
Có 3 cách ghi chép vào Evernote:
Trước tiên, nếu là nghe audiobook, tôi sẽ tạo ghi chú trong khi nghe. Thường tôi sẽ chỉnh tốc độ đọc lên 1.25 và sẽ dừng khi nào cần phải viết ghi chú. Tốc độ đọc nhanh và tốc độ ghi chậm sẽ cân bằng và cuối cùng tôi vẫn hoàn thành cuốn sách trong cùng một khoảng thời gian với thời gian đọc sách giấy bình thường.
Thứ hai, nếu đọc một cuốn sách giấy, tôi sẽ làm theo cách hoàn toàn tương tự nhưng với một thay đổi nhỏ. Việc vừa cầm sách đọc vừa ghi chú có thể khiến bạn có chút bất tiện khi cứ phải bỏ sách xuống rồi lại cầm sách lên đọc. Tôi thích đặt sách lên giá đỡ sách.
Với ebook, bạn có thể dễ dàng chắt lọc ý tưởng từ sách và copy&paste vào Evernote của mình.
2. Tích hợp những bài học từ cuốn sách với những ý tưởng đã có trong đầu
Khi bạn tới thư viện, tất cả các cuốn sách sẽ được chia làm nhiều hạng mục khác nhau: tiểu sử, lịch sử, khoa học, tâm lý học… Trong cuộc sống thực lại khác, kiến thức không được phân chia ra thành những lĩnh vực tách biệt mà chúng được kết nối với nhau một cách mạnh mẽ.
Những hiểu biết hữu ích nhất thường được phát hiện tại nơi giao nhau của những ý tưởng khác nhau. Vì lý do đó, tôi luôn cố gắng xem xét làm sao cuốn sách mình đang đọc có thể kết nối với những ý tưởng đã có sẵn trong đầu mình. Bất cứ khi nào có thể, tôi sẽ cố gắng tích hợp các bài học từ cuốn sách với những ý tưởng trước đó.
Ví dụ: Khi tôi đọc cuốn Mastery của George Leonard, tôi nhận ra rằng cuốn sách nói về quá trình của sự tiến bộ nhưng đồng thời nó cũng làm sáng tỏ mối liên hệ giữa di truyền học và hiệu suất làm việc.
Và tất nhiên tôi đã ghi chép lại vào ghi chú của mình. Quá trình tích hợp và kết nối các ý tưởng này không chỉ cần thiết trong việc khiến những ý tưởng mới khắc sâu vào não bộ mà còn là cách để hiểu được thế giới như một chỉnh thể thống nhất.
3. Tóm tắt quyển sách trong một đoạn văn ngắn
Ngay khi đọc xong một cuốn sách, tôi thường thử thách bản thân mình bằng việc tóm tắt nó trong chỉ 3 câu. Đây chỉ là một thử thách cho bản thân nhưng tôi thấy đó là một bài tập bổ ích bởi chúng buộc tôi phải xem lại các ghi chú của mình và xem xét đâu là nội dung cốt yếu của toàn bộ cuốn sách.
Tôi phải mô tả cuốn sách đó cho bạn bè như thế nào? Đâu là những ý tưởng chính? Nếu tôi sẽ thực hiện một ý tưởng trong đó, đâu là sự lựa chọn tốt nhất?
Trong nhiều trường hợp, tôi nhận thấy rằng tôi có thể lấy được nhiều thông tin hữu ích từ đoạn tóm tắt và các ghi chú như việc tôi đọc lại cuốn sách đó vậy.
Theo James Clear