Các trường Đại học được xếp hạng theo tiêu chí nào
Nhiều bảng xếp hạng thường cân nhắc đến các biện pháp gây quỹ và nguồn lực, công trình nghiên cứu xuất sắc hoặc có ảnh hưởng sâu rộng, mức độ chuyên môn, cách lựa chọn sinh viên, số giải thưởng, sự liên kết quốc tế, số sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, danh tiếng lâu đời và nhiều tiêu chí khác.
Một số bảng xếp hạng đánh giá các trường trong phạm vi một quốc gia. Trong khi đó, những bảng xếp hạng khác lại đánh giá trên quy mô toàn cầu. Vấn đề này đã gây ra nhiều tranh luận về tính hữu ích và độ chính xác của các bảng xếp hạng. Do người ta chưa thể đi đến thống nhất về cách thức lựa chọn nên mỗi bảng xếp hạng đều vấp phải những ý kiến chỉ trích nhất định.
Mặc dù một số bảng xếp hạng đã cố gắng đánh giá phương pháp giảng dạy bằng các chỉ số như tỷ lệ giảng viên/ sinh viên thì Học viện Chính sách Giáo dục Đại học lại chỉ ra rằng, các tiêu chí đó gần với chất lượng nghiên cứu hơn là giảng dạy. Chẳng hạn, tỷ lệ giảng viên/sinh viên gần như là thước đo trực tiếp của hoạt động nghiên cứu và tỷ lệ các nghiên cứu sinh tiến sĩ cũng là tín hiệu thể hiện hoạt động nghiên cứu. Inside Higher Ed cũng cho rằng, “những tiêu chí đó không thực sự nói lên chất lượng giảng dạy”.
Nhiều bảng xếp hạng cũng xem xét đến các khuynh hướng nghiên cứu tự nhiên và dựa trên các thước đo về những ấn phẩm bằng tiếng anh. Một vài bảng xếp hạng lại đặt các trường đại học có diện tích rộng ở vị trí cao hơn các trường có diện tích nhỏ hơn nếu như hai trường này có chất lượng nghiên cứu như nhau.
Trong khi đó, các cơ quan công bố bảng xếp hạng khác như Báo cáo Thế giới và Tin tức Mỹ và Scimago lại đưa ra bảng xếp hạnh dựa cả vào tiêu chí diện tích lẫn các tiêu chí chất lượng giảng dạy…
Những bảng xếp hạng toàn cầu có uy tín nhất thế giới
Ba bảng xếp hạng toàn cầu có uy tín và ra đời sớm nhất gồm ShanghaiRanking Consultancy (ARWU), Times Higher Education (THE) và Quacquarelli Symonds (QS). Cùng với các tiêu chí được cả thế giới công nhận, các bảng xếp hạng này chủ yếu dựa trên thành quả những công trình nghiên cứu tại các trường đại học hơn là hoạt động giảng dạy của họ.
Những bảng xếp hạng đó cũng thường sử dụng các khảo sát danh tiếng. Tuy vậy, nhiều người lại chỉ trích rằng, “Hầu hết các chuyên gia đã quá quan tâm đến việc hỏi ý kiến của một nhóm nhà giáo dục hoặc các công ty học thuật bất kỳ”. Một số khác lại cho rằng, kết quả các cuộc khảo sát đó nhất định chứa nhiều sai sót, chỉ dựa trên kết quả các công trình nghiên cứu và thường thiên vị cho một số ít các trường đại học.
Song, bất chấp những lời chỉ trích, người dân khắp thế giới vẫn luôn dõi theo các bảng xếp hạng toàn cầu như ARWU, QS và THE. Một số quốc gia như Đan Mạch và Hà Lan thường sử dụng các bảng xếp hạng như một phần của chương trình nhập cư dựa vào điểm số.
Trong khi đó, các nước như Nga lại đương nhiên công nhận bằng cấp của các trường đại học có thứ hạng cao trong ba bảng xếp hạng trên. Uỷ ban Trợ cấp của Trường đại học Ấn Độ luôn yêu cầu các trường đối tác quốc tế phải nằm trong danh sách 500 trường đứng đầu của bảng xếp hạng THE hoặc ARWU. Còn chương trình Khoa học không biên giới của Brazil lại lựa chọn các trường đối tác quốc tế dựa vào vị trí xếp hạng trên THE và QS.
Bảng xếp hạng ARWU (Trung Quốc)
Ban đầu, The Academic Ranking of World Universities (ARWU) do trường Đại học Giao thông vận tải Thượng Hải biên soạn và hiện nay lại được duy trì bởi tổ chức ShanghaiRanking Consultancy. Năm 2003 đánh dấu bước đi đầu tiên của ARWU với tư cách là bảng xếp hạng các trường đại học thế giới. ARWU cũng là bảng xếp hạng các trường đại học ra đời sớm nhất trên toàn cầu.
Với mục tiêu ban đầu là nhằm đo lường khoảng cách chênh lệch giữa các trường đại học tại Trung Quốc với các trường đẳng cấp thế giới, chính phủ Trung Quốc đã quyết định tài trợ bảng xếp hạng này. Vào năm 2016, hai trường đại học của Trung Quốc bao gồm, Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh đã lọt vào danh sách 100 trường dẫn đầu trên bảng xếp hạng ARWU với vị trí lần lượt là 58 và 71.
Không những vậy, tạp chí nổi tiếng The Economist (Anh) cũng từng trích dẫn số liệu từ Bảng xếp hạng ARWU. Ngoài ra, ARWU còn được ngợi khen vì tính “nhất quán và minh bạch” của nó. Bộ trưởng Giáo dục Pháp, Na Uy và Đan Mạch từng đến Trung Quốc để thảo luận và tìm cách cải thiện thứ hạng các trường đại học của họ.
ARWU không dựa trên các cuộc khảo sát và đơn xin nhập học. Trong số các tiêu chí đưa ra, ARWU thường tập trung vào số lượng các bài báo được xuất bản trên tạp chí Nature, tạp chí Science và số nhà khoa học đạt giải thưởng Nobel và Fields (dành cho toán học). Trường Harvard (Mỹ) đứng đầu bảng xếp hạng của ARWU trong suốt nhiều năm qua.
Tuy vậy, nhiều người lại chỉ trích bảng xếp hạng này vì nó đã quá ưu ái khoa học tự nhiên và các bài báo khoa học bằng tiếng anh bàn về các môn học khác. Không chỉ vậy, ARWU còn bị phàn nàn về việc dựa quá nhiều vào các chỉ số dành cho công trình nghiên cứu và coi trọng các trường có giảng viên, sinh viên đoạt giải thưởng Nobel. Họ cho rằng, thước đo này không phản ánh đúng “chất lượng giảng dạy”.
Bảng xếp hạng THE (Anh)
Times Higher Education (THE) là một tuần san, có trụ sở tại London (Anh), chuyên đăng tải các tin tức và chủ đề liên quan đến giáo dục đại học. Đây là ấn phẩm hàng đầu của Anh về lĩnh vực này.
Tiêu chí đánh giá của THE dựa trên số lượng và kết quả các công trình nghiên cứu, số lần trích dẫn, tầm nhìn quốc tế và doanh thu.
THE trở nên nổi tiếng khi cho xuất bản ấn phẩm Bảng xếp hạng các trường Đại học trên thế giới Times Higher Education–QS. Hoạt động này lần đầu ra mắt vào năm 2004. Tuy nhiên, sau đó 5 năm, vào ngày 30-10-2009, tạp chí này lại nói lời chia tay với QS và ký hợp đồng với Thomson Reuters để tiếp tục đăng tải các bảng xếp hạng trường đại học thường niên. Tờ tạp chí đã phát triển một phương thức đánh giá mới với sự tham gia của độc giả và ban biên tập.
Thomson Reuters hiện đang thu thập và phân tích thông tin để đưa ra thứ hạng các trường đại học dưới danh nghĩa của THE. Kể từ mùa thu 2010, những kết quả đó đã được phát hành hàng năm. Cũng từ thời gian đó, QS không còn liên quan đến hoạt động thu thập, phân loại và xếp hạng các trường đại học cùng THE.
Đầu tháng 9-2017 vừa qua, THE đã dành vị trí đầu bảng cho hai trường đại học Anh gồm Oxford và Cambridge.
Năm 2017, Oxford là trường đại học đứng đầu thế giới theo bảng xếp hạng Times Higher Education (THE).
Bảng xếp hạng QS (Anh)
Quacquarelli Symonds (QS) là một công ty của Anh quốc, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và du học nước ngoài. Công ty này được Nunzio Quacquarelli và Matt Symonds thành lập vào năm 1990. QS thường phát hành các ấn phẩm và tổ chức nhiều sự kiện nhằm mở rộng hiểu biết về quá trình du học nước ngoài.
Như đã nói ở trên, ban đầu, công ty này hợp tác cùng THE để đưa ra bảng xếp hạng hàng năm mang tên, THE-QS World University Rankings từ 2004 – 2009. Trong lần hợp tác này, QS đóng vai trò là nhà cung cấp thông tin xếp hạng. Tuy nhiên, sau vài năm làm việc ăn ý, đôi bên đã quyết định “đường ai nấy đi”. Mặc dù, cả hai vẫn tiếp tục đưa ra bảng xếp hạng các trường đại học nhưng QS duy trì phương pháp cũ, trong khi đó, THE lại phối hợp với Thomson Reuters và đề ra một phương pháp đánh giá mới.
QS dựa trên 6 tiêu chí để xếp hạng, bao gồm: uy tín học thuật (40%), danh tiếng nhà tuyển dụng (10%), tỷ lệ giảng viên/học sinh (20%), số bài viết được trích dẫn/giảng viên (20%), tỷ lệ giảng viên quốc tế (5%), tỷ lệ sinh viên quốc tế (5%).