Theo tạp chí Forbes, nước Mỹ có tổng cộng 565 cá nhân được xếp loại tỉ phú (USD) trong năm 2017. Một vài người trong số đó đã và đang thao túng nước Mỹ theo ý mình, không mảy may quan tâm đến nguyện vọng của số còn lại trong nền dân chủ này.
Những đồng tiền của họ có tiếng nói lớn nhất, và là phương tiện giúp họ có được điều mình muốn trong hệ thống chính trị hiện nay. Cụ thể như sau…
• Giới tỉ phú thống trị Twitter, Facebook, Google, YouTube, Cloudflare và nhiều mạng xã hội khác; qua đó che đậy, bóp méo, và kiểm soát thông tin chính trị trên Internet.
• Giới tỉ phú kiểm soát các hãng tin lớn như Breitbart, Sinclair, Meredith, Washington Post, Fox News, CNN,…; qua đó đưa tin thiếu khách quan, bóp méo và đưa yếu tố chính trị vào từng thông tin.
• Giới tỉ phú hậu thuẫn các nhóm vận động xã hội như Black Lives Matter (tạm dịch: Đừng xem nhẹ Tính mạng người Da đen), Anti-Fascists (Liên minh chống Phát xít), White Supremacists (Da trắng Thượng đẳng), Neo-Nazis (Tân Phát xít),…; qua đó thể hiện quan điểm đối lập với các nhóm hoạt động khác bằng hình thức bạo lực, bóp nghẹt tự do ngôn luận, và kích động phá hoại.
• Giới tỉ phú đổ hàng đống tiền tài trợ cho các chính trị gia, khiến các đối thủ tài trợ quy mô nhỏ không thể cạnh tranh. Thêm vào đó…
• Giới tỉ phú đập tan luật lệ công bằng trong tài chính tranh cử bằng cách đổ tiền vào các quỹ có lai lịch mập mờ—đặc biệt là các quỹ từ thiện cá nhân—được lập ra để “lách luật” và trốn thuế.
Mạng xã hội đã và đang bị đặt trong tầm ngắm vì những hành vi kiểm soát nguồn tin chính trị được đăng tải thông qua Facebook, Twitter,… Đa số hành vi kiểm soát hướng đến mục đích ủng hộ phe tự do cánh tả (liberal) và các hoạt động theo tư tưởng tiến bộ, mặt khác coi nhẹ phe bảo thủ cánh hữu (conservative) cũng như trường phái tự do (libertarian).
Ajit Pai, Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC)—cơ quan hoạt động độc lập của chính phủ liên bang chịu trách nhiệm điều hành truyền thông đa phương tiện và Internet tại Mỹ—gần đây đã liên tiếp có những bài phát biểu cho rằng mạng xã hội đang trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng cho nền dân chủ, và cần được kiểm soát chặt chẽ.
Ông Pai muốn tăng tính cạnh tranh và minh bạch, đồng thời áp dụng một số biện pháp kiểm soát nhất định.
Cũng chính vì những bài phát biểu này mà Ajit Pai và gia đình ông đã nhiều lần bị dọa giết. Những kẻ gửi thư đe dọa biết rõ ông Pai sống ở đâu, biết rõ con ông học trường nào. Điều này cho thấy những chỉ trích của ông đã “động chạm” đến ai đó!
Trong các phát biểu của mình, ông Pai đưa ra hai ví dụ cho thấy mạng xã hội Mỹ áp dụng “tiêu chuẩn kép”, ưu tiên các nội dung phản ánh tư tưởng tự do hơn so với bảo thủ: (i) Twitter chặn video tranh cử Thượng viện của Marsha Blackburn vì trong đó có thông điệp phản đối nạo phá thai; (ii) Youtube chặn video của nhà bình luận chính trị tư tưởng bảo thủ Dennis Pager về các vấn đề mà ông cho là “quan trọng trong việc hiểu được những giá trị của Mỹ”.
Ngoài ra, theo CBS News, nhân viên Facebook vẫn thường xuyên “chặn” các tin bài có lợi cho phe bảo thủ, và đưa các tin bài có lợi cho phe tự do vào danh sách “trending” (tin nóng). Đơn cử như khi Hillary Clinton thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống, Facebook không hề đăng tải một tin bài nào, như thể không có chuyện gì xảy ra.
Mark Zuckerberg từng tuyên bố anh ta đã thuê 3.000 nhân viên mới để kiểm soát các nội dung bạo lực trên Facebook. Liệu Zuckerberg sẽ tận dụng nguồn nhân công này để kiểm soát thông tin theo hướng có lợi cho những nhóm lợi ích nhất định?
Theo trang tin Fast Company, cựu phó Chủ tịch Facebook Sean Parker có nói rằng anh ta cảm thấy “cực kì có lỗi” vì đã góp phần sản sinh “công cụ phá nát cấu tạo gốc của một xã hội văn minh”. Hệ quả là Facebook đã tạo ra một xã hội “không có chỗ cho những tranh luận đúng mực, không có sự hợp tác, đầy rẫy những thông tin sai lệch và sự thật bị bóp méo”.
Khi đưa tin về các cuộc biểu tình chống lại những phát ngôn gây thù ghét (hate speech), truyền thông cánh tả nhấn mạnh chỉ có các phần tử phát xít kích động bạo lực, còn liên minh chống phát xít thì không.
Nhưng truyền thông cánh tả không hề đăng tải các đoạn video bạo lực, vì nếu làm vậy, người xem sẽ thấy rằng thật ra cả hai phe đều sử dụng bạo lực như nhau. Do đó, Zuckerberg bề ngoài nói rằng anh ta muốn kiểm soát nội dung video bạo lực trên Facebook, nhưng thực chất đang hướng đến mục đích định hướng chính trị.
Theo Wall Street Journal, các nghiên cứu cho thấy thuật toán tìm kiếm của Google phản ánh rõ ràng sự thiên vị đối với phe tự do cánh tả. Một số nghiên cứu chuyên sâu chỉ ra tỉ lệ thiên vị lên tới 40%.
Trang blog Study Breaks từng cảnh báo các luận văn nghiên cứu có thể trở nên thiếu khách quan vì sinh viên hiện phụ thuộc quá nhiều vào nguồn Google. MIT Technology Review cho rằng sự thiên vị trong thuật toán tìm kiếm như vậy xuất hiện ở khắp nơi, những chẳng mấy ai quan tâm.
YouTube cũng phải hứng chịu những chỉ trích tương tự như Google. New York Times chỉ trích YouTube ủng hộ cánh hữu, trong khi Daily Wire lại cho rằng YouTube thiên vị cánh tả. Mạng xã hội góp phần củng cố sự thiếu khách quan sẵn có trong đầu người sử dụng, khiến chúng trở thành một công cụ đắc lực cho việc định hướng dư luận.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016, CEO của Reddit—một trang mạng xã hội cho phép người sử dụng chọn lựa thông tin theo dõi—thừa nhận ông đã bí mật chỉnh sửa một số bình luận của người dùng về Donald Trump, một hành động vi phạm quy tắc hoạt động của Reddit.
Theo Matthew Prince, CEO của Cloudflare—một tập đoàn an ninh mạng—thì theo đánh giá của ông Pai: “… một liên minh gồm 10 lãnh đạo các tập đoàn công nghệ như Matthew Prince, Mark Zuckerberg, Jack Dorsey, Jeff Bezos,… đang nắm hoàn toàn quyền kiểm soát các nội dung nào được đăng trên mạng”.
Cloudflare mới đây đã gây sốc khi loại bỏ “Der Stormer”, một trang web có nội dung Tân Phát xít. Ông Prince thừa nhận đã rất day dứt khi phải đưa ra quyết định “độc đoán và nguy hiểm” này, và cho rằng không một ai nên sở hữu thứ quyền lực này.
Nhưng điều này cũng cho thấy những người như Prince hoàn toàn có khả năng đưa ra những quyết định kiểu này nếu muốn, hoặc để phục vụ mục đích chính trị nào đó. Tiếp nối Cloudflare, Google và GoDaddy—một công ty phân phối tên miền—cũng loại bỏ “Der Stormer”.
Giới tỉ phú, cả theo trường phái tự do lẫn bảo thủ, đang tiếp tục củng cố quyền kiểm soát truyền thông “dòng chính” (mainstream media). Về phía cánh tả…
Jeff Bezos, người sáng lập Amazon.com, đã mua lại tờ Washington Post (WP) vào năm 2013 với giá 230 triệu USD. Ông Bezos nói rằng ông không hề tác động đến trường phái tự do, tiến bộ của tờ báo này. Tôi cho rằng Bezos nói thật. Tuy vậy, Bezos không hề tìm cách kiểm soát hàng loạt những tin bài thiếu khách quan của WP nhắm vào Donald Trump, dù ông có quyền làm vậy.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Shorenstein thuộc Đại học Harvard, 83% tin bài của WP về Trump có nội dung tiêu cực. Số lượng bài góc nhìn (op-ed) có nội dung tích cực với Trump cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. WP cũng sử dụng rất nhiều từ ngữ trong tin bài mà sau đó được phe “phản kháng” (resistance) sử dụng trong chiến dịch lật đổ Trump.
Chính Amazon.com cũng đã bị chỉ trích ủng hộ Hillary Clinton. Khi cuốn sách về chiến dịch tranh cử của Clinton được xuất bản, hàng loạt các đánh giá tiêu cực về cuốn sách đã xuất hiện trên Amazon. Nhưng sau đó, theo giới phê bình, số lượng đánh giá tiêu cực đột nhiên giảm hẳn, và sách bán rất chạy.
Bên cạnh đó, Amazon cũng không cho đăng bán cờ của phe Liên minh miền Nam (Confederate) để ủng hộ chiến dịch của các nhóm dân quyền chống lại chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Điều đáng nói ở đây không phải vì lá cờ của phe Confederate là biểu trưng của Mỹ trong thời kỳ nô lệ, mà là việc Amazon có quyền làm một việc thể hiện sự thiên vị chính trị rõ ràng như vậy.
Nhắc đến thiên vị, CNN chắc hẳn là nguồn tin thiếu khách quan nhất hiện nay, theo hướng ủng hộ phe tự do cánh tả và chống lại bảo thủ cánh hữu. Nghiên cứu của Trung tâm Shorenstein cho thấy 93% tin bài của CNN về Trump có nội dung tiêu cực.
CNN đã từng bị chỉ trích đăng tải bình luận chính trị như thể đó là thông tin khách quan. Các bài bình luận của CNN thì chẳng mấy khi đếm xỉa đến góc nhìn của phe bảo thủ.
Mặt khác, phe bảo thủ cũng có đế chế truyền thông riêng của mình.
Ông hoàng truyền thông Rupert Murdoch là người sở hữu Fox News, một hãng tin bảo thủ và có phần ủng hộ Tổng thống Trump. Xét về số lượng người xem, Fox News vẫn chiếm ưu thế so với các kênh tin tức 24/7 khác, và đã thành công trong việc trở thành cái gai trong mắt phe tự do cánh tả.
Mới đây, vợ chồng Bill-Hillary Clinton đã lên truyền hình để bàn luận về tình hình chính trị hiện nay. Bà Hillary đã nói rằng: “Nếu 20 năm trước mà Fox News tồn tại, thì Bill đã không thể trở thành Tổng thống” .
Những người có tư tưởng tự do hiếm khi dám xuất hiện trên Fox News do sợ bị công kích. Trong các bài phát biểu của mình, cựu Tổng thống Obama và bà Hillary cũng thường xuyên chỉ trích Fox News thiên vị.
Anh em Charles và David Koch, chủ sở hữu tập đoàn tư nhân lớn thứ hai nước Mỹ (Koch Industries), là những nhà tài trợ lớn của phe bảo thủ. Họ đã bỏ ra gần 1 tỉ USD cho cuộc bầu cử năm 2016.
Mới đây, anh em nhà Koch đã mua lại Tập đoàn Meredith với giá 630 triệu USD. Meredith là công ty mẹ của Time Inc, CNN, tạp chí People, và nhiều hãng tin/báo đài khác. Hiện chưa rõ nguyên nhân đằng sau thương vụ này, nhưng nhiều người cho rằng anh em nhà Koch đang muốn mở rộng tác động đối với truyền thông.
Trang tin Breitbart hiện đang là chủ đề chính trong những tranh luận về tầm ảnh hưởng của truyền thông. Breitbart không hề giấu giếm bản chất là một trang tin cực hữu. Breitbart do Steve Bannon, chiến lược gia trưởng của Tổng thống Trump trong những tháng đầu nhiệm kì, “cầm đầu”.
Chính Bannon là người đã hướng Trump theo trường phái cực hữu, dân túy, thể hiện qua việc giảm hiện diện của Mỹ trên trường quốc tế, rút khỏi các hiệp định thương mại, trục xuất người nhập cư trái phép, thi hành chính sách cứng rắn với Trung Quốc và gần gũi với Nga.
Bannon cho rằng ông góp công trong việc giúp Trump đắc cử. Sự chia rẽ mà Bannon gây ra trong nội bộ Chính quyền Trump dường như là lý do khiến ông bị sa thải.
Bannon giờ đây đang tìm cách vận động tranh cử cho các ứng viên có cùng quan điểm cựu hữu. Ông đang sử dụng đế chế truyền thông quy mô nhỏ của mình (Breitbart) để tiến hành một đợt tổng công kích nhắm vào phe đối địch.
Bannon không quan tâm việc ông làm có thể dẫn đến sự sụp đổ của đảng Cộng hòa. Mục tiêu lâu dài của Bannon là lật đổ hệ thống (Establishment) kiểm soát nền chính trị Mỹ. Điều trớ trêu là để làm điều đó, Bannon lại đang dùng tiền của chính phe… Establishment.
Giới tỉ phú cũng đang công kích lẫn nhau. Paul Singer là một nhà tài trợ chủ chốt của Washington Free Beacon (WFB), một trang báo theo tư tưởng bảo thủ. Nhưng WFB lại tài trợ một số “nghiên cứu đối lập” nhằm tìm các thông tin bất lợi về Trump. Ông Singer cũng là thành viên của Phong trào NeverTrump, với sự tham gia của các thành viên đảng Cộng hòa bất mãn với Trump. Bannon đã tuyên chiến với Singer.
Tỉ phú Robert Mercer là một nhà tài trợ lâu năm của Breitbart song mới đây đã dừng đầu tư cho hãng tin này vì cho rằng Bannon dường như đã đi quá xa. Tuy nhiên, Bannon vẫn có được sự hỗ trợ về tài chính từ nhiều tài phiệt khác.
Trước tình hình hiện nay, nhiều người đã kêu gọi tăng cường kiểm chứng thông tin (fact-check) do truyền thông đăng tải. Một số trang kiểm chứng thông tin đã và đang hoạt động, nhưng mỗi trang lại có sự thiên vị nhất định, và vô hình trung không có tác dụng.
Nhiều tổ chức cực đoan trong quá khứ đã từng nắm quyền lực lớn trong hệ thống chính trị Mỹ, đặc biệt trong những thập niên 60 của thế kỉ trước.
Nhà hoạt động đầy tai tiếng Saul Alinsky từng nêu rõ biện pháp lật đổ Establishment trong cuốn sách mang tên “Đánh thức Cải cách”, và nhiều tổ chức đã sử dụng cuốn sách này như một cuốn “Kinh thánh” soi đường chỉ lối cho các hoạt động phản kháng của mình. Ngoài lề một chút, Alinsky thậm chí đã dành tặng cuốn sách của mình cho Lucifer (thiên thần tạo phản trong Kinh thánh Ki-tô giáo).
Tỉ phú George Soros từng bị cáo buộc đã tài trợ cho hơn 200 tổ chức tìm cách “hạ bệ” Establishment. Trớ trêu ở chỗ, phe cực tả của Soros cũng có chung phương cách với phe cực hữu của Bannon.
Soros được cho là đang tài trợ cho các nhóm chống phát xít gây rối, thường bằng hình thức bạo lực, trong các cuộc biểu tình và sự kiện của phe cánh hữu bảo thủ. Các nhóm này không từ bất kì đối tượng nào, từ các học giả bảo thủ “chân chính” như Charles Murray cho đến các phần tử cực đoan, da trắng thượng đẳng như Milo Yiannopoulos hay Richard Spencer.
Rất nhiều hãng tin bảo thủ có uy tín, thậm chí cả Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ, đã cáo buộc Soros.
Tuy nhiên, cho đến nay tôi chưa thấy một bằng chứng nào có thể trực tiếp buộc tội Soros. Theo tôi, thực ra ông Soros bị buộc tội như vậy bởi ông là một trong những “kẻ thù” lớn nhất của phe bảo thủ (guilt by association). Nhưng điều quan trọng ở đây là việc đa số đều cho rằng ông Soros có dính líu sẽ góp phần gia tăng sự thiếu hụt lòng tin trên khắp nước Mỹ.
Cũng liên quan đến ông Soros, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang tiến tới đóng cửa trường Đại học Trung Âu tại Budapest do Soros tài trợ, với lý do cung cách vận hành của trường này không phù hợp.
Một ví dụ khác là Trung tâm nghiên cứu Media Matters for America (tạm dịch: Truyền thông Có ý nghĩa Quan trọng với nước Mỹ). Theo trang tin Daily Caller, trung tâm này được tài trợ một phần bởi Viện nghiên cứu Xã hội Mở Soros (SOSI), Tổ chức Tides, và Tổ chức Sandler.
Tổ chức Tides cho phép những người trong giới tài phiệt không muốn tự thiết lập quỹ đầu tư của riêng mình có thể đầu tư gián tiếp thông qua Tides, và tên tuổi của họ sẽ được giữ kín. Tổ chức Sandler tài trợ cho các trung tâm nghiên cứu theo trường phái tiến bộ như Center for American Progress (CAP).
Media Matters mới đây đã công kích chương trình tin tức của MC Sean Hannity trên kênh Fox News vì Hannity ủng hộ Trump, đồng thời kêu gọi các công ty quảng cáo rút khỏi chương trình. Trước đây, Media Matters đã dùng những chiêu trò này để loại bỏ chương trình tin tức của nhà bình luận chính trị cánh hữu Bill O’Reilly.
Theo New York Times, phần lớn số tiền tài trợ tranh cử trong cuộc bầu cử 2016 đến từ 11 tỉ phú, với các mức tài trợ từ 19 triệu USD đến 85 triệu USD.
Tỉ phú “chịu chi” nhất là Thomas Steyer, người mới đây đã bỏ ra 20 triệu USD đăng quảng cáo trên truyền hình kêu gọi luận tội Tổng thống Trump. Ông Steyer trước đây cũng bỏ ra 75 triệu USD tài trợ cho các dự án thu hút giới trẻ tham gia vào chính trị, và đương nhiên với mục đích chống lại Trump.
Steyer cũng đã tính đến khả năng đích thân bước chân vào con đường chính trị, nhưng đã rút lui sau khi nhận ra phe Cộng hòa đã giành phần thắng trong bầu cử 2016.
Có lẽ tác động lớn nhất đối với hệ thống chính trị Mỹ chính là chiến dịch tranh cử năm 2016 của Trump. Không ai biết chính xác Trump đã sử dụng bao nhiêu tiền để vận động tranh cử. Ông đã rất khôn ngoan khi sử dụng máy bay riêng, tài sản và nhân sự riêng trong chiến dịch tranh cử, sau đó lấy tiền tài trợ tranh cử để bù lại và thu lời.
Trump là ứng viên Tổng thống thứ hai trong lịch sử tự trang trải chi phí tranh cử. Tỉ phú Ross Perrot từng tranh cử với tư cách ứng viên tự do vào năm 1992. Ông đã “lấy” đủ số phiếu đáng ra thuộc về Tổng thống Cộng hòa George H.W. Bush, qua đó mang lại chiến thắng cho Bill Clinton. Điều này cho thấy tỉ phú hoàn toàn có khả năng quyết định kết quả bầu cử.
Tỉ phú Sheldon Adelson cho biết đã tài trợ 20 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của Trump. Tờ New York Times đưa tin Adelson đã gặp Trump cách đây không lâu, và đề nghị Tổng thống Mỹ giữ lời hứa chuyển ĐSQ Mỹ tại Israel từ Tel Aviv sang Jerusalem.
Giới tỉ phú thường chọn cách chuyển tiền vào các quỹ đầu tư, từ đó tặng viện trợ cho các tổ chức phi chính phủ, và các tổ chức này sẽ sử dụng tiền vào các mục đích chính trị.
Tôi không muốn nêu tên các quỹ đầu tư này, bởi rất khó để tìm các thông tin xác thực về chúng. Điều chúng ta biết là các quỹ đầu tư này thường nhận tiền từ các tài khoản nước ngoài của giới tỉ phú. Mục đích của họ là trốn thuế và che giấu đích đến cuối cùng của các khoản “đầu tư” này. Những thông tin mới đây từ “Hồ sơ Panama” đã hé lộ một số mối liên hệ này.
Thật trớ trêu là những tỉ phú đánh giá cao nền dân chủ và chủ nghĩa tư bản tại Mỹ, những người đã tạo nên cơ đồ từ chính hệ thống này, lại tìm cách trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế và thậm chí có những hành vi vượt ra ngoài giới hạn của pháp luật.
Một cách “lách luật” khác được giới tỉ phú ưa chuộng là họ sẽ thuê nhân viên làm việc trong các chiến dịch tranh cử dưới danh nghĩa nhân viên của quỹ đầu tư. Điều này cho phép các chiến dịch tranh cử giấu đi khoản chi thực sự, giữ nguyên bộ khung chờ đợi kì bầu cử sắp tới.
Những quỹ đầu tư này cũng nhận tiền từ giới vận động hành lang và chính phủ nước ngoài trên danh nghĩa “từ thiện”, và những khoản tiền này cũng được chuyển tới đích đến cuối cùng là các chiến dịch tranh cử—một hành vi vẫn được gọi là “trả tiền để mua lợi ích”.
Trớ trêu ở chỗ, trong lúc điều tra các hoạt động tài chính mờ ám của Trump, những gì Robert Mueller và các cộng sự tìm được lại chính là các hoạt động mờ ám của phe Dân chủ nhằm tác động đến chính trị.
Dù đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn, nhưng chính trị Mỹ từ trước đến nay vẫn bị chi phối bởi những đồng đô-la. Tổng thống Obama, Trump, và ứng viên Hillary Clinton đều cam kết không sử dụng tiền từ “quỹ đen” (tiền “từ thiện” của các nhóm lợi ích, chính phủ nước ngoài,…), nhưng rốt cục đều làm như vậy.
Nhưng khác với trước đây, ngày nay có một nhóm nhỏ các tỉ phú đang mở rộng kiểm soát nền chính trị và xã hội Mỹ bằng tiền và ảnh hưởng. Với sự phát triển của Internet, tin tức 24/7, mạng xã hội, và công nghệ thông tin, các tỉ phú giờ càng có nhiều lý do để chi tiền, bất chấp nguyện vọng của người dân và xã hội Mỹ.
Nền dân chủ Mỹ hiện nay đang bị chi phối bởi một nhóm nhỏ các tỉ phú. Họ không trực tiếp tham gia vào hệ thống chính trị, nhưng có khả năng “điều khiển” giới chức, các nhóm vận động, các phần tử cực đoan,… giúp họ đạt được mục đích. Những tỉ phú này thường chỉ đứng từ xa điều phối bằng tiền, rất hiếm khi ra mặt nhúng tay.
Vấn đề là ở chỗ, đa phần những gì họ đang làm vẫn hợp pháp, vẫn được bảo vệ bởi quyền tự do ngôn luận quy định trong hiến pháp. Tuy vậy, khả năng chi phối đa phần vẫn nằm trong tay những người có quyền kiểm soát.
Kể cả khi giới tỉ phú “có vẻ” như đang làm một việc gì đó vì lợi ích cộng đồng, thì thực ra họ cũng đang vì lợi ích của bản thân. Một nghiên cứu mới đây của trang The Guardian cho thấy giới tỉ phú luôn được giới chính trị gia lắng nghe, và do đó có tác động lớn đến chính sách.
Một ví dụ có thể kể đến giới nhà giàu Hollywood, những người thường xuyên tận dụng sự nổi tiếng và tài sản khổng lồ của minh để tác động đến chính sách. Trước và sau nhiệm kì của mình, Tổng thống Obama có vẻ như đã tranh thủ được mối quan hệ tốt với Hollywood.
Kiểm soát tự do ngôn luận bằng cách kiểm soát tác động thông qua tài chính không phải là một ý kiến hay. Mỗi khi các chính trị gia dám động đến tự do ngôn luận, họ luôn phải chịu những hậu quả tiêu cực. Vấn đề ở đây là làm sao để giảm khả năng chi phối của thiểu số mà không tác động tiêu cực đến quyền lợi hợp pháp của đa số.
Vấn đề này cần được giải quyết trên nhiều phương diện. Thứ nhất, người dân cần được giáo dục tốt hơn về luật pháp, hiến pháp, dân chủ, và những quyền tự do căn bản. Điều này đã dần được loại bỏ một cách có hệ thống khỏi chương trình dạy học trên ghế nhà trường. Thậm chí, một vài trường đại học vẫn cấp bằng cử nhân Lịch sử cho các sinh viên không học môn… Lịch sử Mỹ!
Thứ hai, truyền thông dòng chính cần làm tốt hơn nhiệm vụ điều tra và chỉ điểm các hành vi phi dân chủ của giới tài phiệt. Thông thường, các trang tin sẽ không đăng những tin tức đi ngược lại với quan điểm chủ đạo của mình (ví dụ một trang tin bảo thủ sẽ tránh công kích anh em nhà Koch). Nhưng trong nhiều trường hợp, hủy hoại thanh danh những người này là điều nên làm.
Thứ ba, truyền thông dòng chính cần trở lại “những ngày huy hoàng”, khi đa số báo chí đề cao các chuẩn mực đưa tin. Kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, đại bộ phận truyền thông luôn tìm cách chống lại Trump, thúc đẩy luận tội và bắt Trump rời nhiệm sở, hoặc nếu không làm được như vậy thì phải tô vẽ hình ảnh một Chính quyền Trump thất bại.
James Ruthenberg, cây viết truyền thông của New York Times, đã từng kêu gọi giới báo chí gạt sang một bên những chuẩn mực về khách quan và công bằng trong tin tức để cùng nhau “công kích” Trump khi họ cảm thấy bị đe dọa.
New York Times áp dụng slogan mới dưới thời Trump: “Sự thật vào lúc này quan trọng hơn lúc nào hết”. WaPo thậm chí còn đăng dòng “Nền dân chủ sẽ chết trong bóng tối” dưới logo.Có thể thấy, truyền thông rõ ràng đã trở thành một vấn đề.
Hệ quả là mức độ tôn trọng truyền thông đang ở ngưỡng thấp nhất từ trước đến nay. Đa số đều cho rằng tin tức được đăng tải một cách thiếu khách quan. Thay vì thông đồng để lật đổ Trump, nên chăng giới truyền thông trở lại với những chuẩn mực trước đây của họ?
Tôi nói vậy không có nghĩa là truyền thông phải đưa tin tích cực về Trump, mà họ cần đưa tin một cách công bằng và trung thực.
Thứ tư, tương tự như truyền thông, các nghị sĩ Quốc hội đang trải qua nhiều thập kỉ với mức tín nhiệm thấp. Chỉ 10% người dân Mỹ hài lòng với những gì các chính trị gia đang làm được. Có lẽ các đảng chính trị cần bắt tay ngăn chặn việc một nhóm tỉ phú, những người dường như không đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, có thể tác động vào công việc của họ.
Dù cá nhân tôi không đồng tình với gần như tất cả những chính sách của Bernie Sanders, đối thủ của Hillary Clinton trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2016, nhưng ông Sanders là minh chứng cho thấy việc loại bỏ tác động của giới tỉ phú ra khỏi hệ thống chính trị là hoàn toàn có thể.
Và tôi cũng đồng tình với ông Ajit Pai, câu trả lời không phải là tăng can thiệp của chính phủ hay thắt chặt quy định. Làm như vậy chỉ thay thế vị thế độc tôn của giới tỉ phú bằng vị thế độc tôn của chính phủ mà thôi.
Xem bản gốc bài viết bằng tiếng Anh tại đây