Không cạnh tranh giữa 3 đặc khu
Theo ông Hoàng Đình Phi – Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong – việc áp dụng chính sách ngân sách chung được quy định tại Khoản 3, Điều 39 của Dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (ĐVHCKTĐB) thiếu tính khả thi đối với những đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt có điều kiện phát triển hạ tầng khó khăn như Đặc khu Bắc Vân Phong. Thực trạng Bắc Văn Phong hiện so với Phú Quốc, Vân Đồn còn hoang sơ, nhiều công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa được đầu tư. Với số tăng thu nội địa tại đây bình quân mỗi năm chỉ hơn 30 tỉ đồng, phân bổ lại cũng không hiệu quả, chưa kể trong 10 năm đầu thực hiện, phần lớn các dự án đang áp dụng các chính sách ưu đãi nên khả năng tăng thu rất thấp.
Ngoài ra, theo nội dung Dự thảo Luật, đối với Đặc khu Bắc Vân Phong cũng không có bất kỳ chính sách đặc thù nào về ngân sách để chủ động về nguồn vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng trong giai đoạn đầu tư phát triển Đặc khu. Vì vậy, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong đề nghị nghiên cứu xem xét bổ sung thêm chính sách đặc thù về ngân sách cho Đặc khu Bắc Vân Phong mà UBND tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng trong nội dung Đề án thành lập Đặc khu Bắc Vân Phong và báo cáo đề xuất với Chủ tịch Quốc hội.
Một là, để lại 100% số thu thuế xuất nhập khẩu trên địa bàn Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2030 để thực hiện các chính sách đặc thù tại ĐVHCKTĐB Bắc Vân Phong. Sau năm 2030 sẽ xem xét các khoản chia giữa ngân sách Khu kinh tế Vân Phong với ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh.
Hai là, để lại 100% số thu thuế xuất nhập khẩu và toàn bộ số thu nội địa phát sinh trên địa bàn đơn vị hành chính – kinh tế Đặc biệt Bắc Vân Phong đến năm 2030 để thực hiện các chính sách đặc thù tại đây. Sau năm 2030 sẽ xem xét các khoản phân chia giữa ngân sách Bắc Vân Phong với ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh.
Ba là, ngân sách Trung ương để lại 50% các khoản thu phân chia theo tỉ lệ phần trăm giữa ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh Khánh Hòa để bổ sung cho ĐVHCKTĐB Bắc Vân Phong trong thời gian 5 năm, kể từ ngày thành lập để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cũng theo ông Phi, đối với 3 đặc khu, tùy theo điều kiện, lợi thế mà có ưu tiên các ngành nghề công nghệ cao khác nhau, không nhất thiết chỉ dành cho một đặc khu sẽ làm hạn chế sự thu hút phát triển công nghệ cao ở đặc khu khác. Điều này sẽ đi ngược lại chủ trương chung hiện nay. Do vậy, để 3 khu không cạnh tranh nhau, ông Phi đề nghị nên quy định mỗi khu được phát triển một số ngành nghề công nghệ cao có thế mạnh riêng, không trùng lắp. Ngoài ra, đối với ngành công nghệ cao, không chỉ lĩnh vực sản xuất mà cần ưu tiên thu hút các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo, chuyển giao công nghệ và đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng trong các lĩnh vực công nghệ cao vì đây là những lĩnh vực tạo nên tính đồng bộ trong ngành nghề công nghệ cao. Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cũng đề nghị điều chỉnh, bổ sung ngành nghề sản xuất sản phẩm công nghệ phục vụ giám sát đại dương, công nghệ công trình biển, công nghệ lặn biển, công nghệ khai thác biển sâu, công nghệ hàng hải, công nghệ sinh học biển…
Khảo sát, thăm dò chờ thời cơ
Đối với ngành dịch vụ, BQL Khu kinh tế Vân Phong đề nghị xem xét bổ sung ngành giáo dục, y tế chất lượng cao vào ngành nghề ưu tiên đầu tư vì đây là những ngành tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho đặc khu, đồng thời tạo điều kiện sống và làm việc lý tưởng nhằm thu hút nhiều chuyên gia, các nhà quản lý giỏi trên thế giới đến sống và làm việc tại Đặc khu Bắc Vân Phong. Đối với ngành du lịch, khách sạn, BQL Khu kinh tế Vân Phong cho rằng, dự thảo chỉ quy định loại hình khách sạn, khu du lịch và vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng là chưa phù hợp. Vì vậy, BQL Khu kinh tế Vân Phong đề nghị bổ sung loại hình du lịch sinh thái thuộc ngành nghề dịch vụ du lịch được ưu tiên thu hút đầu tư vì đây cũng là thế mạnh của Đặc khu Bắc Vân Phong.
Thời gian qua, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới đến Khánh Hòa tìm hiểu, khảo sát đầu tư. Tuy vậy, hầu hết họ vẫn ở thế thăm dò, chờ luật đặc khu được thông qua, sau đó mới đưa ra quyết định chính thức. Mới đây, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) đã làm việc với lãnh đạo tỉnh để bày tỏ mong muốn được đầu tư vào Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong nhằm xây dựng nơi đây thành trung tâm thương mại, du lịch của ASEAN; điểm nhấn là một đặc khu riêng với tổ hợp công trình phức hợp, mang lại chuỗi giá trị kinh tế cao.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Hoàng Đình Phi – Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho biết, hiện nay, tỉnh đang chờ quy hoạch đặc khu được duyệt và thông qua các chính sách rõ ràng. Lúc đó, tỉnh sẽ tiếp nhận các dự án đầu tư. Còn hiện tại chưa có dự án nào được tiếp nhận. “UBND tỉnh đang giao Sở Nội vụ chủ trì để có kế hoạch triển khai sau khi có nghị quyết thành lập. Hiện nay, tỉnh vẫn tham gia thường xuyên, bám sát đề án và dự thảo luật để điều chỉnh, chỉnh sửa, cập nhật liên tục, để phù hợp với dự thảo luật” – ông Phi cho hay. Riêng
Về phía chính quyền địa phương, đặc khu Bắc Vân Phong tương lai nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của người dân. Tại xã Vạn Bình (huyện Vạn Ninh), hơn 99,40% người dân trong 8 thôn của xã đồng ý thành lập đặc khu trong đợt lấy ý kiến vào cuối năm 2017. Anh Ngô Văn Qua (thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh) cho hay, người dân mong muốn hưởng được các phúc lợi đi kèm trên chính vùng đất mình đã sinh sống và làm ăn lâu nay. “Tôi ví dụ như vấn đề lao động chẳng hạn, Nhà nước nên quan tâm, ưu tiên con em địa phương đang thất nghiệp vào làm ở các doanh nghiệp đầu tư vào Đặc khu Bắc Vân Phong. Theo tôi biết thì khi nghe thông tin đặc khu hình thành, các bậc phụ huynh cũng hướng con mình học vào các ngành nghề liên quan đến công nghệ” – anh Qua cho biết. Anh Trung (xã Vạn Thạnh) thì cho rằng, việc chọn người quản lý, vận hành các công việc ở Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong phải hết sức “chọn lọc”. Quan điểm của anh Trung là Nhà nước cần bầu người có đức, có tài nắm quyền đặc khu để hạn chế thấp nhất các tiêu cực có thể xảy ra.