Những năm gần đây, việc chuyển dịch từ internet banking sang mobile banking được xem là bước đột phá giúp cho các ngân hàng đưa các sản phẩm dịch vụ tới gần hơn với khách hàng. Các ngân hàng chạy đua trong việc đưa ra các ứng dụng ngân hàng điện tử trên nền di động với giao diện đẹp mắt, dịch vụ tiện ích để thu hút khách hàng. Các giao dịch chuyển khoản, gửi tiết kiệm, trả nợ vay, thanh toán hóa đơn như điện, nước, viễn thông… được thực hiện tiện dụng qua Mobile banking.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định Việt Nam đang có nhiều cơ hội giúp thanh toán di động phát triển mạnh mẽ, khi thị trường bán lẻ (đặc biệt là thương mại điện tử) đang tăng trưởng ấn tượng, thẻ ngân hàng và smartphone ngày càng trở nên phổ biến. Đồng thời, sự tham gia của các công ty Fintech cũng làm cho thị trường thanh toán di động trở nên sôi động hơn. Tính tới năm 2016, hơn 30 doanh nghiệp Fintech đã được thành lập tại Việt Nam. 2/3 số này cung cấp các dịch vụ thanh toán di động.
Các chuyên gia khác cũng tin rằng thanh toán di động tiếp tục là điểm sáng trong thị trường Fintech Việt Nam năm nay.
Thanh toán di động đã góp phần xóa nhòa ranh giới giữa Online và Offline. Nó giúp người dùng linh hoạt trong việc thanh toán khi mua hàng trên các trang web (online) hay tại các cửa hàng, trung tâm mua sắm (off-line). Các hình thức thanh toán qua di động gia tăng chóng mặt, với các công nghệ mới như mã QR, NFC (công nghệ giao tiếp tầm ngắn) hay mPos.
Một số hình thức thanh toán di động phổ biến tại Việt Nam trong thời gian qua được TS. Cấn Văn Lực chỉ ra như sau:
Cải tiến trên hệ thống thẻ và POS truyền thống với sự tham gia của smartphone
Để giảm giá thành và mang lại sự tiện dụng tại các điểm bán hàng, ngoài các máy POS truyền thống, thị trường đã xuất hiện thêm mPOS – xử lý thanh toán bằng điện thoại thông minh đi kèm với đầu đọc thẻ nhỏ gọn, cơ động, giá thành rẻ.
Ở góc độ thẻ thanh toán (thẻ ATM, tín dụng), sự xuất hiện của Samsung Pay cho phép người dùng nhập thông tin thẻ vào một số loại điện thoại Samsung mà không cần xuất trình thẻ khi thanh toán. Nhờ công nghệ NFC, người dùng chỉ cần mở ứng dụng và đưa điện thoại lại gần máy POS thông thường để thanh toán. Đến thời điểm hiện tại, các chủ thẻ ATM nội địa thuộc 7 ngân hàng: VietinBank, Vietcombank, BIDV, Sacombank, Shinhan Vietnam Bank, ABBank, Citibank đã có thể sử dụng dịch vụ này
Ưu điểm của các giải pháp thanh toán này là tận dụng được cơ sở hạ tầng và chi phí đã đầu tư của hệ thống thanh toán POS và thẻ.
Thanh toán qua ví điện tử
Thanh toán ví điện tử nở rộ tại thị trường Việt Nam trong khoảng 2-3 năm gần đây. Hầu hết các đơn vị trung gian thanh toán trên thị trường đều đang hướng sang lĩnh vực ví điện tử. Đến tháng 8/2017, 24 công ty đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép và 14 công ty đã cung cấp dịch vụ ví điện tử cho khách hàng. Một số cái tên tiêu biểu là MoMo, VTC Pay, Zalo Pay, AirPay, Vimo, Vnmart, Payoo, Moca …
Ví điện tử cho phép khách hàng dùng tiền trong ví để chi tiêu cho các dịch vụ hàng hóa mà họ cung cấp hoặc hợp tác. Phần lớn ví điện tử được các công ty trung gian thanh toán và công ty bán hàng cung cấp cho khách để thanh toán cho các dịch vụ phát sinh giữa đơn vị cung cấp ví và khách hàng. Ngoài ra, các ví cũng cung cấp dịch vụ thu hộ cho các tổ chức khác, như thu nợ trả góp, bảo hiểm, viễn thông…
Thanh toán qua các hệ thống mobile banking của ngân hàng
Ngoài tính năng chuyển khoản truyền thống trên điện thoại, vài năm gần đây, việc thanh toán trên điện thoại đã phổ biến hơn với dịch vụ chuyền tiền online liên ngân hàng (Chuyển tiền nhanh 24/7). Ngoài ra, một số ngân hàng cũng có sáng tạo trong việc đa dạng hóa dịch vụ, như chuyển tiền qua mạng xã hội (BIDV, Techcombank…)
Trong năm 2017, việc thanh toán trên điện thoại xuất hiện làn sóng mới, nhờ mã QR. Hiện nay, nhiều ngân hàng trong nước đã áp dụng giải pháp thanh toán này cho hàng triệu người dùng mobile banking, như BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank, Indovina, SCB, NCB, TPBank…
Mã QR là hình ảnh chứa các thông tin của hàng hóa dịch vụ cần mua hoặc thông tin tài khoản của người nhận tiền. Ứng dụng mobile banking của các ngân hàng có thể sử dụng camera để đọc và giải nhanh mã này. Khi thanh toán, người dùng không phải chọn màn hình và nhập thông tin. Hệ thống sẽ tự đọc và hiển thị màn hình giao dịch để người dùng xác nhận. Vì vậy, việc thanh toán diễn ra nhanh chóng, tiện lợi, an toàn, hạn chế nhầm lẫn.
Tính năng thanh toán qua mã QR cũng được bổ sung vào các ví điện tử như VnPay, MoMo, VTC Pay, VIMO, Payoo, Moca, Ngân lượng, Bảo Kim…
Lợi ích lớn nhất của mã QR là tính linh hoạt, thuận tiện với cả người tiêu dùng, doanh nghiệp lẫn ngân hàng. Với việc bổ sung tính năng thanh toán QR code cho hệ thống mobile banking hiện tại, doanh nghiệp và ngân hàng sẽ cắt giảm được nhiều chi phí.
Trong khi đó, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank cho biết triển khai thanh toán QR code là một mắt xích trong chu trình xây dựng hệ sinh thái Mobile payment. Ngoài ra, chúng ta hướng đến mục tiêu là ứng dụng mobile của ngân hàng và của các đơn vị cung cấp dịch vụ (du lịch, bảo hiểm, dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông, tiêu dùng…) có thể kết nối với nhau một cách liên thông, hình thành một hệ sinh thái mà khách hàng là trọng tâm và được đáp ứng tất cả nhu cầu một cách thuận tiện nhất, mọi lúc mọi nơi.