Các hãng xếp hạng tín dụng “đang nghĩ gì” về hệ thống ngân hàng Việt Nam?

Theo mô típ chung, các hãng xếp hạng tín nhiệm trước khi đưa ra nhận định và đánh giá về tình hình và triển vọng của hệ thống ngân hàng thương mại thì đều bắt đầu với đánh giá về môi trường vĩ mô, với tư cách là bệ đỡ cho hoạt động ngân hàng.

Nhìn chung, các hãng xếp hạng này đều có đánh giá tích cực về môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay và một hai năm tới. Những yếu tố tích cực thường được liệt kê ra gồm tăng trưởng kinh tế cao, được hậu thuẫn bởi dòng vốn FDI chảy vào mạnh và xuất khẩu tăng trưởng khả quan, trong khi lạm phát được kiềm chế ở mức thấp.

Có hãng xếp hạng thì kể thêm yếu tố tích cực khác là đồng nội tệ tương đối ổn định và tiêu dùng nội địa tăng trưởng tốt, trong khi hãng khác thì bình luận thêm rằng mặc dù TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái BÌnh Dương) đã đổ vỡ, khiến Việt Nam mất đi một cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng điều này được bù lại bởi làn sóng FDI đã chảy vào mạnh đón đầu trước đó nên sự đổ vỡ của TPP cũng không gây ra nhiều thiệt hại cho Việt Nam.

Bên cạnh những nhìn nhận tích cực, các hãng xếp hạng cũng chỉ ra một số điểm tiêu cực về môi trường vĩ mô, trong đó có mức vay nợ của nền kinh tế nói chung và của Chính phủ nói riêng đang ở mức cao và tiếp tục tăng, bất chấp nỗ lực củng cố tài khóa của Chính phủ, gây áp lực lên chính sách bình ổn vĩ mô của Chính phủ gồm kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá.

Về tình hình sức khỏe của hệ thống ngân hàng thương mại, các hãng xếp hạng có một số nhận xét khá giống nhau. Cụ thể, so với mức tăng trưởng tín dụng được coi là lành mạnh, bình thường (16%-18%/năm, bằng từ 1,2 lần đến 1,5 lần tăng trưởng GDP theo giá hiện hành, tùy thuộc tiêu chuẩn của từng hãng) xét trong bối cảnh không làm tăng thêm ra các rủi ro cho sự tăng trưởng của hệ thống ngân hàng thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên 20% là “quá nhanh”, thậm chí là đáng quan ngại.

Giải thích về quan ngại của mình về tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, các hãng xếp hạng cho rằng tăng trưởng tín dụng cao trong bối cảnh gánh nặng nợ gia tăng sẽ tạo ra thêm nhiều thách thức phải giải quyết, bao gồm sự hình thành các bong bóng tài sản, nền tảng vốn của ngân hàng tiếp tục suy yếu thêm từ mức thấp so với khu vực như hiện nay, biên độ lợi nhuận ngân hàng tiếp tục bị co hẹp do các ngân hàng phải cạnh tranh gay gắt giành và giữ thị phần, và tín dụng tiếp tục đổ vào những lĩnh vực có rủi ro cao như đầu cơ bất động sản, chứng khoán v.v…

Về chất lượng tài sản, được thể hiện qua tỷ lệ nợ xấu, các hãng nhìn chung đều phải đánh giá lại tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng mà họ có xếp hạng ở Việt Nam bằng cách tính gộp vào nợ xấu báo cáo bởi các ngân hàng giá trị phần trái phiếu mà họ đã bán cho VAMC cũng như tính thêm cả phần dư nợ được phân loại trong nhóm “chú ý đặc biệt”. Tỷ lệ nợ xấu thực tế mà họ tính ra được là cao hơn so với mức dưới 3% phần lớn các ngân hàng báo cáo trên sổ sách.

Với tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong năm nay và có thể là các năm tới thì một mặt, điều này sẽ giúp giảm tỷ lệ nợ xấu. Nhưng mặt khác, tăng trưởng tín dụng cao sẽ có xu hướng tạo ra thêm nợ xấu (do cho vay nhiều hơn các lĩnh vực và đối tượng dưới chuẩn) nên rốt cuộc sẽ tạo ra sự bất trắc về tỷ lệ nợ xấu, và không nhất thiết là tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm đi trong năm nay và những năm sau bất chấp các nỗ lực giải quyết nợ xấu gần đây. Nhìn chung, các hãng đều kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu ở Việt Nam ổn định hoặc chỉ giảm nhẹ trong thời gian tới.

Lợi nhuận tăng trưởng thấp, không tương xứng với tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng được chỉ ra như một trong những điểm tiêu cực về hệ thống ngân hàng Việt Nam. Những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng lợi nhuận gồm trích lập dự phòng rủi ro cao và sự cạnh tranh gay gắt giành giật thị phần giữa các ngân hàng dẫn đến thu hẹp biên độ lợi nhuận của các ngân hàng.

Về triển vọng lợi nhuận trong các năm tới, các hãng xếp hạng đều chung nhận xét rằng các ngân hàng Việt Nam đều đang tích cực đẩy mạnh bán lẻ và cho vay tiêu dùng trong bối cảnh khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhà nước đã nợ nần quá nhiều, khó đẩy mạnh cho vay thêm được. Xu hướng này sẽ giúp cải thiện biên độ lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, các hãng xếp hạng cũng lưu ý rằng do bán lẻ và cho vay tiêu dùng thường không có thế chấp hoặc có thế chấp bằng bất động sản nên đẩy mạnh cho vay những lĩnh vực này có khả năng làm tăng nợ xấu nếu công tác quản lý rủi ro không được thực thi tốt. Họ cũng cảnh báo thêm rằng vì đẩy mạnh cho vay vào những lĩnh vực này là chiến lược phát triển tại nhiều ngân hàng nên điều này dẫn đến làm tăng sự cạnh tranh, tạo áp lực lên tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong những năm tới. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng nhanh song song với đẩy mạnh cho vay vào những lĩnh vực rủi ro hơn như cho vay tiêu dùng sẽ tạo ra thêm nợ xấu nên buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng nợ xấu, và điều này sẽ hạn chế mức độ cải thiện lợi nhuận của các ngân hàng.

Khi quốc gia cải thiện xếp hạng tín nhiệm

Bài viết mới