Các đoàn thế giới ngợi ca nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do FTAAP tại SOM 3

Trưởng đoàn APEC Chile Krasna Bobenrieth, người có phiên tham luận đầu tiên trong Hội thảo, nhấn mại tầm quan trọng của FTAAP với toàn bộ 21 nền kinh tế APEC. Theo bà Bobenrieth, nội dung xuyên suốt cuộc thảo luận là tìm ra tiếng nói chung để hiệp định thương mại sớm được thông qua.

Bày tỏ sự tin tưởng với tương lai FTAAP, bà Bobenrieth cho rằng Hiệp định sẽ mang lại những tiêu chuẩn cao hơn cho toàn bộ 21 nền kinh tế thành viên khi nó trở thành hiện thực. Bên cạnh đó, quy mô khổng lồ của 21 nền kinh thế thành viên APEC cũng được coi là lợi thế đặc biệt giúp cho Hiệp định này trở nên khả thi.

“Trong vai trò nước chủ nhà APEC 2017 và các hội nghị cao cấp liên quan, Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho FTAAP nói riêng và toàn bộ chương trình nghị sự nói chung. Các bạn đã làm rất tốt và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ đề được đàm phán. Sẽ không thể thành công đến thế nếu thiếu các bạn. Cảm ơn rất nhiều”, bà Bobenrieth chia sẻ.

Trưởng đoàn APEC Chile Krasna Bobenrieth trả lời phỏng vấn trong giờ giải lao Hội thảo về FTAAP. Ảnh: Linh Anh

Trưởng đoàn APEC Chile Krasna Bobenrieth trả lời phỏng vấn trong giờ giải lao Hội thảo về FTAAP. Ảnh: Linh Anh

Ông Tang Guoqiang, Đồng chủ tịch Hội đồng Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương của đoàn APEC Trung Quốc, cũng có những nhận định về chương trình nghị sự xung quanh FTAAP. Theo ông Tang, FTAAP mang lại nhiều lợi ích to lớn như đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điều này cũng đã được nhiều nghiên cứu khẳng định.

Với sự ra đời của FTAAP, nó sẽ giúp thúc đẩy thương mại tự do hơn và thuận tiện hơn. Một thị trường chung sẽ tốt cho toàn bộ 21 nền kinh tế thành viên chứ không riêng bất cứ bên nào. Tuy nhiên, bản thân ông Tang cũng nhấn mạnh sẽ mất một quá trình lâu dài để những mục tiêu trên trở thành hiện thực.

“Việt Nam là một nền kinh tế quan trọng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Việt Nam có thể phát huy vai trò trong việc xây dựng FTAAP đồng thời thu về những lợi ích từ nó”, ông Tang nhấn mạnh.

Vị đại biểu tới từ Trung Quốc cũng chỉ ra thực trạng ngày càng nhiều hiệp định thương mại được ký kết trên thế giới, mang đến những bất tiện cho quá trình mậu dịch tự do thống nhất. Nếu thành hiện thực, FTAAP có thể giải quyết những vấn đề đó thông qua việc tích hợp hàng loạt hiệp định thương mại tự do được coi là ưu việt khác như TPP, RCEP.

“Việt Nam là nước chủ nhà của APEC năm nay. Chương trình nghị sự của FTAAP nằm trong khuôn khổ APEC. Với những tiến bộ thực sự, tôi mong vào Hội nghị cấp cao tháng 11 tới, FTAAP sẽ đạt được những bước tiến triển mới”, ông Tang bày tỏ kỳ vọng đồng thời nhấn mạnh những nỗ lực của nước chủ nhà Việt Nam cho thành công của sự kiện trọng đại này.

Ông Tang Guoqiang, Đồng chủ tịch Hội đồng Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương của đoàn APEC Trung Quốc, trả lời phỏng vấn. Ảnh: Linh Anh

Ông Tang Guoqiang, Đồng chủ tịch Hội đồng Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương của đoàn APEC Trung Quốc, trả lời phỏng vấn. Ảnh: Linh Anh

Trước đó, trong phiên khai mạc của Ủy ban Thương mại và đầu tư APEC (CTI), Chủ tịch Marie Sherylyn D Aquia cho biết các đoàn đàm phán của 21 nền kinh tế thành viên APEC đang tích cực thảo luận nhằm giúp sự kiện cấp cao trong tháng 11 tới đạt những tiến bộ vượt bậc. Thuận lợi hóa Thương mại tự do ở châu Á – Thái Bình Dương là phần quan trọng của chương trình nghị sự.

Trưởng đoàn APEC – Thứ trưởng Bộ Ngoại thương và Du lịch Peru Julio Chan cho biết các đoàn đàm phán đang thảo luận về nhiều chủ đề và nhiều trong số đó sẽ đạt được kết quả quan trọng. “Tôi đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam khi họ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập trong APEC. Các sáng kiến cũng đóng góp nhiều cho mục tiêu lâu dài của APEC trong việc thiết lập FTAAP”, ông Chan nói.

Chủ đề kinh tế bao trùm ngày làm việc thứ 8 của Hội nghị Quan chức Cao cấp APEC (SOM 3)

Bài viết mới