Vitamin B12 có tác dụng tạo DNA, các tế bào máu khỏe mạnh đồng thời cung cấp oxy đầy đủ cho các cơ quan. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu thì trung bình có đến 15% người bị thiếu vitamin B12 và gần 40% đang ở ngưỡng thiếu hụt.
Cùng tham khảo các dấu hiệu nhận biết thiếu vitamin B12 và bổ sung kịp thời để không gây hại nhiều cho sức khỏe bạn nhé.
Lưỡi trơn nhẵn và nhạt màu
Lưỡi ở người khỏe mạnh thường có màu hồng tươi và trên bề mặt lưỡi sẽ hơi sần sùi. Tuy nhiên, khi cơ thể thiếu vitamin B12 nghiêm trọng thì bề mặt lưỡi bắt đầu láng mịn và màu sắc cũng nhợt nhạt hơn. Lúc này, vị giác của bạn sẽ bị giảm sút rất nhiều, lưỡi có thể đau rát và ăn thấy mất ngon.
Có cảm giác kim châm
Thiếu vitamin B12 có thể gây ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh. Và biểu hiện dễ nhận biết nhất là bạn có cảm giác như kim châm ở hai bàn tay, bàn chân.
Tiến sĩ Joshua Miller – giáo sư và chủ nhiệm khoa học dinh dưỡng tại Đại học Rutgers, New Brunswick, New Jersey cảnh báo: “Nếu bạn phớt lờ triệu chứng này thì nó có thể để lại di chứng vĩnh viễn về sau”.
Do đó, nếu có cảm giác kim châm nói trên thì bạn cần phải đi khám ngay lập tức để điều trị dễ dàng và kịp thời hơn.
Mất cân bằng, hay bị choáng
Nếu cơ thể không có sự bảo vệ của vitamin B12 thì các dây thần kinh trong tủy sống phân nhánh xuống các chi sẽ bị giảm thiểu chức năng hoạt động.
Do đó, một khi thiếu vitamin B12 thì cơ thể không còn làm chủ hoàn toàn bước đi nên đôi khi sẽ dẫn đến hiện tượng loạng choạng, vấp ngã, run rẩy và thậm chí còn choáng váng, chóng mặt.
Điều này khá nguy hiểm vì khi đi đứng, nếu sơ xuất một chút là bạn có thể té ngã bất cứ lúc nào. Do đó, nếu xác nhận cơ thể có triệu chứng này thì không nên bỏ qua mà bạn phải theo dõi thật kỹ để phát hiện bệnh kịp thời.
Trí nhớ có vấn đề
Nếu bạn thường nhớ trước quên sau, khó khăn trong việc ghi nhớ một thông tin nào đó thì có khả năng thần kinh não bị suy giảm do thiếu hụt vitamin B12. Dấu hiệu này không chỉ gây phiền phức trong lối sinh hoạt hàng ngày mà nó còn ảnh hưởng khá lớn đến chất lượng công việc và học hành.
Nguy hiểm hơn, nếu để lâu không chữa thì có thể kéo theo căn bệnh đãng trí, kém trí nhớ… Do đó, nếu phát hiện mình có chứng hay quên thì bạn nên đi kiểm tra xem có phải do thiếu B12 không để bổ sung kịp thời nhé.
Dễ căng thẳng và hay khóc
Thiếu B12 sẽ gây ảnh hưởng đến việc sản xuất chất serotonin và dopamine, một loại dẫn truyền thần kinh giúp điều chỉnh tâm trạng.
Từ đó, gây ra nhiều vấn đề đối với sức khoẻ tinh thần, nặng hơn có thể dẫn đến trầm cảm hoặc chứng bất an, lo lắng, dễ xúc động… Do đó, bổ sung đầy đủ B12 cũng là cách giúp bạn trải qua mỗi ngày vui vẻ và khỏe khoắn hơn rất nhiều.
Thực phẩm nào chứa B12?
Để chống thiếu hụt vitamin B12 thì bạn nên cố gắng thường xuyên bổ sung các loại thực phẩm như sữa, trứng, thịt bò, cá hồi, cá ngừ, hàu, sò, cua, gan, đậu nành, bông cải xanh… nhờ đó sức khỏe sẽ được ổn định và tuyệt vời hơn.