Khi thương mại trực tuyến phát triển ở Trung Quốc, dịch vụ vận chuyển hàng đồng thời phát triển bùng nổ.
Theo báo Nikkei, khi người tiêu dùng ngày một thích mua hàng trực tuyến, nhu cầu vận chuyển hàng đến nhà và giao hàng nhanh tăng cao. Nhu cầu vận chuyển hàng tăng vọt, hiện nay mỗi năm các công ty vận chuyển Trung Quốc xử lý khoảng hơn 30 tỷ món hàng, tuy nhiên mức lợi nhuận họ thu về trên mỗi gói hàng đã giảm đến hơn 20% trong hai năm gần đây.
Khi lợi nhuận giảm, nhiều công ty cố gắng tồn tại bằng cách đa dạng hóa dịch vụ. SF Express, công ty vận chuyển hàng hóa lớn nhất tại Trung Quốc, đang cố gắng tồn tại bằng cách cải thiện chất lượng dịch vụ.
Năm 2016, 31,3 tỷ món hàng đã được vận chuyển tại nội địa Trung Quốc, mức tăng trưởng đến 51,5% so với năm trước đó, theo thống kê của tổ chức nghiên cứu ibaogao.com. Nếu so với bốn năm trước, số lượng món hàng được vận chuyển đã tăng gấp bốn lần.
Nhu cầu vận chuyển hàng hóa nội địa tăng cao có nguyên nhân trực tiếp từ sự phát triển nở rộ của các trang web bán hàng trực tuyến như Alibaba hay JC.com.
Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy nhu cầu vận chuyển hàng tại nội địa Trung Quốc sẽ tăng chậm lại. Nửa đầu năm nay, 17,4 tỷ món hàng đã được vận chuyển, ghi nhận mức tăng trưởng 31% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu toàn ngành tăng vọt 28% lên 220 tỷ nhân dân tệ tương đương 33,3 tỷ USD.
Do cạnh tranh cao, mức giá vận chuyển mỗi món hàng giảm 20%, từ mức chưa đầy 15 nhân dân tệ/món hàng vào quý một năm 2015 xuống 12 nhân dân tệ/món hàng vào quý hai năm 2017. Cùng lúc đó, chi phí lao động tăng cao khiến lợi nhuận thu về của mỗi công ty ngày một giảm sâu.
Thời điểm năm 2016, lợi nhuận của các công ty vận chuyển Trung Quốc tăng gấp đôi so với năm trước đó. Đến nửa đầu năm 2017, tăng trưởng lợi nhuận của các công ty giảm sâu so với trước. Lợi nhuận ròng nửa đầu năm 2017 của công ty SF Express chỉ tăng trưởng được 7%. Trong khi đó, chi phí hoạt động, lương nhân viên tăng đến gần 30%.
Tình trạng tương tự diễn ra tại nhiều công ty vận chuyển hàng hóa lớn khác như ZTO Express hay STO Express.
Rõ ràng, khoảng thời gian hoàng kim của các công ty vận chuyển Trung Quốc đã qua đi, giờ họ sẽ phải nghĩ cách để thích nghi và tồn tại trên thị trường. Những công ty có hệ thống phân phối riêng sẽ có lợi hơn các công ty phải đi sử dụng dịch vụ của công ty khác.
Trường hợp này có thể kể đến SF với việc xử lý toàn bộ hoạt động vận chuyển hàng cho đến giao hàng tận nhà cho khách hàng, chính vì vậy SF có ưu thế cạnh tranh hơn so với ZTO phải đi thuê dịch vụ của công ty khác.