Các cổ phiếu từng có thị giá hơn 300.000 đồng trên TTCK Việt Nam giờ ra sao?

Năm 2017, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam đã lên đến hơn 100 tỷ USD nhưng hiện tại chỉ có duy nhất cổ phiếu SAB của Tổng công ty Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn có thị giá trên 300.000 đồng. 10 năm trước, khi quy mô còn rất nhỏ và hàng hóa trên sàn còn ít, thị trường đã có gần 20 mã có thị giá trên 300.000 đồng. Thời thế thay đổi, những cổ phiếu đó giờ ra sao?

Cổ phiếu đắt giá nhất Việt Nam BMC – CTCP Khoáng sản Bình Định

Thiết lập mức giá 847.000 đồng vào ngày 21/05/2007, cho đến nay, vẫn chưa có cổ phiếu nào của Việt Nam có thể vượt qua BMC về thị giá. Là doanh nghiệp khai thác quặng titan lớn nhất Bình Định, trong quãng thời gian từ năm 2011 trở về trước, cơn sốt giá titan trên thị trường kéo theo kết quả kinh doanh của BMC tăng trưởng vượt trội và thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Đỉnh cao của hoạt động kinh doanh BMC cũng là năm 2011 – thời điểm giá titan đạt đỉnh. Sau đó, với sự đi xuống của giá titan và sự thay đổi về chính sách khai thác khoáng sản gây khó khăn cho các doanh nghiệp khoáng sản, kết quả kinh doanh của BMC cũng đi xuống.

Dù vậy, hàng năm BMC vẫn chia cổ tức bằng tiền mặt đều đặn cho cổ đông. 1 cổ phiếu BMC có giá 847.000 đồng vào 10 năm trước sau khi điều chỉnh tỷ lệ cổ tức và thưởng cổ phiếu từ đó đến nay, có giá khoảng 44.000 đồng. Và theo đó, với giá thị trường hiện tại là 15.700 đồng, BMC đã mất hơn 60% giá.

Dược Hậu Giang (DHG) và Nhựa Tiền Phong (NTP) là 2 cổ phiếu duy nhất tăng giá

Trong gần 20 cổ phiếu nói trên, DHG và NTP là 2 cổ phiếu hiếm hoi đem lại lợi nhuận cho những người kiên trì nắm giữ 10 năm qua. DHG có giá 553.000 đồng tại ngày 05/11/2007, giá điều chỉnh sau khi trả cổ tức và thưởng cổ phiếu đạt 31.500 đồng. Như vậy, với giá hiện tại là 105.000 đồng, DHG đã tăng hơn 230%.

Tương tự, NTP từng có giá 320.000 đồng vào ngày 27/02/2007, giá điều chỉnh là 31.700 đồng. Với giá hiện tại 87.000 đồng, cổ phiếu này đã tăng 170%.

DHG và NTP vẫn luôn được xếp vào nhóm cổ phiếu cơ bản tốt với vị thế đầu ngành và được khối ngoại yêu thích. Với doanh thu và lợi nhuận gần như tăng trưởng liên tục qua các năm, không có gì khó hiểu khi giá cổ phiếu liên tục đi lên. Nhưng nếu như NTP đang tiếp tục chinh phục đỉnh lịch sử thì DHG, sau khi chinh phục đỉnh vào tháng 6/2017 lại đang rơi vào xu hướng đi xuống.

Những đại gia bất động sản một thời TDH, NTL

NTL của CTCP phát triển đô thị Nhà Từ Liêm (Lideco) thiết lập đỉnh vào ngày 30/01/2008 tại mức giá 313.000 đồng và đi luôn từ đó. TDH của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức lên sàn ngày 14/12/2006 và đạt mức giá cao nhất lịch sử vào ngày hôm sau tại 315.000 đồng. Cổ phiếu giảm suốt cho đến con sóng thần năm 2009.

Đối với NTL, từ một doanh nghiệp có lợi nhuận hàng năm 500 – 600 tỷ đồng đã rơi về con số dưới 100 tỷ đồng. Năm 2014 còn chưa đến 40 tỷ. Còn TDH, cũng từ doanh nghiệp có lợi nhuận hàng năm từ 160 – 300 tỷ đồng, đến năm 2011 chỉ còn vỏn vẹn vài chục tỷ đồng.

Năm 2017, khi thị trường bất động sản nóng lên và doanh nghiệp bất động sản vào điểm rơi lợi nhuận, làn sóng cổ phiếu nhóm này đã đẩy TDH tăng gấp đôi từ 8.000 đồng lên 16.000 đồng và NTL từ 8.500 đồng lên 11.500 đồng. Dù vậy, vẫn không thể lấy lại ánh hào quang năm nào.

Thê thảm như họ Sông Đà hay phá sản như Vận tải biển Việt Hải

Sáng sủa nhất trong họ sông Đà bây giờ là CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã: SJS) với thị giá 33.500 đồng. SJS từng có giá 728.000 đồng vào ngày 12/01/2007 và nếu tính giá điều chỉnh, mức giá đó tương đương 36.300 đồng. Tức là nếu nắm giữ 10 năm qua, trừ đi cổ tức, chia thưởng, phát hành thêm… thì nhà đầu tư “chỉ” mất đi 11%.

Từng được kỳ vọng trở thành doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam nhưng Sudico đã không tránh khỏi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, những mâu thuẫn nội bộ và sa lầy trong các dự án khiến kết quả kinh doanh Sudico ngày càng giảm sút. Đỉnh điểm là 2 năm báo lỗ liên tiếp (năm 2011 lỗ 80 tỷ đồng, năm 2012 lỗ hơn 300 tỷ đồng) đã kéo theo hệ lụy cổ phiếu lao dốc thê thảm, có thời điểm dưới 10.000 đồng và bị tạm ngừng giao dịch.

Còn lại các cổ phiếu sông Đà khác như SD7, S99, SDA từng một thời có giá 300.000 – 500.000 đồng, nay lẹt đẹt ở mức 3.000 – 5.000 đồng và chưa thấy cơ hội hồi sinh. Riêng Công ty cổ phần Sông Đà 909 (S99) còn thay ruột, đổi cái tên thân thuộc gắn liền với công ty trong suốt 12 năm thành tên của công ty con là Công ty cổ phần SCI và có thể nói là trở thành công cụ để thực hiện các hoạt động mua bán vốn đối với nhiều doanh nghiệp khác.

Những gương mặt sống thoi thóp đó vẫn còn khá khẩm hơn VSP của CTCP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải khi đã bị hủy niêm yết và khi rơi xuống UPCoM, tiếp tục bị tạm ngừng giao dịch tại giá 1.100 đồng. VSP từng có giá 305.000 đồng vào tháng 1/2007.

VnIndex cao nhất 10 năm, hàng loạt cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử

Bài viết mới