Các cổ đông cũ của OceanBank đòi quyền lợi

Sáng nay (21/9) tại phiên tòa xét xử vụ án Hà Văn Thắm, các nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đã trình bày đề nghị của mình.

Trong vụ án này, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tham gia với tư cách là nguyên đơn dân sự.

Luật sư Nguyễn Văn Thái, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp PVN đề nghị HĐXX xem xét tài liệu đầy đủ, khách quan. Trong trường hợp xác định được các cá nhân, tổ chức vi phạm, gây ra thiệt hại cho PVN để tuyên buộc các cá nhân tổ chức này phải có trách nhiệm bồi thường.

Ngoài ra, vị luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét, loại bỏ các từ ngữ ám chỉ PVN đã nhận tiền chi lãi ngoài, hay đã tiếp nhận các khoản chi chăm sóc lãi ngoài từ cá nhân OceanBank.

“Với những diễn biến diễn ra tại phiên tòa, PVN không nhận chi lãi ngoài từ OceanBank. Chúng tôi đề nghị khi xây dựng bản án không sử dụng ngôn từ ám chỉ tránh dư luận hiểu nhầm lệch lạc ảnh hưởng hình ảnh của PVN”, luật sư Thái kiến nghị.

Còn theo ông Hoàng Văn Dũng, đại diện ủy quyền của PVN – tập đoàn này đã góp 800 tỷ đồng, tương đương 20% vốn điều lệ vào OceanBank cho biết: “Trong đợt xét xử trước đây, chúng tôi là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan còn hiện nay chúng tôi là nguyên đơn dân sự. Trong vụ án này, OceanBank bị xác định đã thiệt hại 1.576 tỷ đồng nên chúng tôi với tư cách cổ đông ít nhiều liên quan đến số tiền thất thoát này”.

Tuy nhiên, đại diện của PVN cũng đề nghị HĐXX xem xét về việc tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” đã bị loại bỏ ra khỏi những hành vi phạm tội trong BLHS 2015 sẽ được áp dụng từ 1/1/2018. Điều đó đồng nghĩa với việc tính chất, hậu quả hành vi không còn nguy hiểm, chỉ là hành vi phi hình sự.

Tiếp theo đó là đại diện uỷ quyền Công ty TNHH VNT và đại diện uỷ quyền CTCP Tập đoàn đại Dương – hai cổ đông cùng nắm 20% vốn Oceanbank trước khi bị mua 0 đồng đã có mặt ở tòa với vai trò là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Hai đại diện này đều cho rằng PVN sở hữu 20% vốn Oceanbank trước khi bị ngân hàng mua 0 đồng, được triệu tập với người có quyền lợi liên quan nhưng sau đó lại được chuyển thành nguyên đơn dân sự. Vậy đề nghị HĐXX xem xét vì sao PVN được thay đổi tư cách tố tụng, các cổ đông khác của ngân hàng lại không được.

“Khi ngân hàng được mua 0 đồng, chúng tôi mặc nhiên mất vốn góp, chúng tôi đề nghị có sự công bằng. Trong tổng số tiền 1.576 tỷ đồng không thể thuộc về Oceanbank cũ hay mới mà là thiệt hại này là của các cổ đông của OceanBank cũ. Nếu bồi thường thì là của cổ đông ngân hàng cũ chúng tôi. Nếu xác định đây là chi phí thì chúng tôi không yêu cầu các bị cáo hoàn trả”, đại diện VNT đề nghị trước tòa.

Đại diện Công ty khách sạn Đại Dương cho biết, công ty khách sạn Đại Dương là do ông Hà Văn Thắm thành lập, tạo hàng nghìn công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước kiến nghị xin HĐXX xem xét giảm nhẹ tội cho ông Hà Văn Thắm.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đình Hưng bảo vệ cho nguyên đơn dân sự Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank) khẳng định, khoản chi lãi ngoài 1.576 tỷ đồng không có chứng từ, không có khả năng thu hồi và được coi là nguồn tiền bị thất thoát.

Oceanbank tính toán, trong tổng số tiền 1.576 tỷ đồng đã có 146 tỷ đã được hoàn lại cho OceanBank trước khi khởi tố vụ án, sau khi trừ đi 49 tỷ do Nguyễn Xuân Sơn và 105 tỷ do Trần Đức Chính ( cựu kế toán trưởng SBIC trong một vụ án khác) chiếm đoạt, như vậy là còn 1.275 tỷ. Số tiền này, Oceanbannk đề nghị thu hồi.

Bài viết mới