Nhớ lại ngày này năm ngoái lúc 12 giờ đêm, khi thức dậy ra ngoài phòng khách uống cốc nước, đi qua phòng con gái thấy đèn vẫn sáng. Tôi liền nhẹ nhàng mở cửa phòng nó vì nghĩ chắc con bé ngủ quên mất. Nào ngờ bước vào mới thấy nó vẫn đang thức làm đề.
“Sao con vẫn chưa đi ngủ?”, tôi hỏi. Hình như con bé có vẻ hơi bực bội, trả lời nhưng không thèm để ý.
Còn hơn tháng nữa là kỳ thi trung học phổ thông bắt đầu, tôi biết nó đang phải chịu áp lực rất lớn nhưng lại khó có thể nói ra.
“Bây giờ con nên nghỉ ngơi xem, đừng chỉ chăm chăm học đến tận giờ này.” Tôi thử khuyên nhủ nó đi ngủ.
Nhưng con bé không trả lời mà chỉ đáp lại bằng 1 tiếng thở dài thật sâu. Một lúc sau, con bé ngập ngừng cất giọng nói: “Mẹ ơi, nếu như con không thi đỗ kỳ thi trung học thì con phải làm sao?”
Tôi giật mình, hỏi ngược lại: “Vậy con nghĩ phải làm sao?”
“Con nghĩ, nếu con không thi đỗ trường trung học mà con mong muốn thì sau này sẽ rất khó để thi đỗ trường đại học mà con yêu thích, không thi đỗ đại học thì tương lai sau này của con…”. Con bé ngập ngừng rồi khóc òa lên.
Thấy vậy, tôi liên vỗ vai nó và nói: “Nếu như con không thi đỗ đại học thì tốt quá rồi, như vậy, con có thể sẽ luôn bên cạnh mẹ. Mẹ cũng sẽ không phải lo lắng một mình con vật lộn với bên ngoài.”
Con bé bất ngờ trước câu trả lời của tôi, rồi hỏi: “Mẹ nghĩ như vậy thật sao?”.
Tôi tiếp tục nói: “Mẹ nói đùa đấy, nhưng mẹ vẫn luôn muốn như vậy. Thực ra, nếu con không đỗ được trường chuyên cũng không sao, học trường bình thường cũng được. Nếu không đỗ được trường trung học bình thường, chúng ta có thể chọn học các ngành năng khiếu mà con yêu thích, hoặc là sang năm thi lại. Nói chung, còn nhiều cách cho con lựa chọn mà.”
Con bé nín khóc, mở to mắt hỏi tôi như không tin: “Thật không ạ?”
“Tất nhiên là thật rồi, nhưng mẹ muốn con biết rằng, thông qua cuộc thi này điều mà con cần đạt được không chỉ là điểm số mà quan trọng hơn đó là khả năng khắc phục áp lực đối với chuyện học hành. Bởi vì xã hội ngày nay phát triển nhanh đến chóng mặt, nếu con chỉ là một con mọt đọc sách trong xã hội này thì cho dù con có đỗ được những trường danh tiếng cũng sẽ bị đào thải một cách không thương tiếc.”, tôi nói.
“Con đừng quá coi trọng điểm số. Đôi khi bởi vì con quan tâm về nó quá nhiều nên mới không đạt được giá trị lý tưởng cuối cùng. Giống như hồi nhỏ mẹ có dẫn con ra biển chơi trò xây lâu đài cát. Khi đó, theo bản năng và ham muốn con đã nắm 1 nắm cát thật chặt. Còn nhớ không?”
Con gái gật đầu và nói: “Nhớ ạ, con còn nhớ lúc đó mẹ còn nói, không nên nắm cát trong tay quá chặt bởi vì nếu con càng nắm chặt thì cát trong tay càng rơi xuống nhanh và nhiều hơn.”
“Thi cử cũng như vậy, thi thoảng bởi vì con nắm điểm số quá chặt, luôn sợ hãi sẽ tuột mất nên con càng ngày thi không tốt. Và mẹ hy vọng, bây giờ con gái mẹ có thể thư giãn đầu óc để tận hưởng từ từ quá trình thi cử này mà không phải chỉ chăm chăm nhằm vào điểm số hay kết quả. Hiểu không?” Tôi tiếp tục nói.
“Vâng ạ.” Sắc mặt con bé bây giờ không còn căng thẳng, lo lắng như lúc tôi mới bước vào phòng. Tôi cũng có thể nhẹ nhõm khi nhìn thấy nó lên giường đi ngủ. Thời gian sau đó, tôi thấy con bé có vẻ vui vẻ và thư giãn hơn rất nhiều, cuối cùng nó cũng làm được. Đỗ vào trường mà nó muốn theo học.
Thực tế, những loại cảm xúc này không những ảnh hưởng đến kết quả học tập, thi cử của con trẻ mà còn ảnh hưởng đến cả tâm trạng sau thi của nó. Vấn đề không nằm ở chúng mà nằm ở bản thân chúng ta có tạo áp lực khiến chúng phải nắm chặt điểm số không buông như thế.