Cắn răng, chờ giá
Ông Lý Thol – ngụ xã Vĩnh Tân – kể: “Tôi nuôi CK đã hơn 5 năm. Trước nuôi tôm lỗ liên tiếp nhiều năm, chuyển sang nuôi CK trả được vốn vay ngân hàng. Nhưng năm nay giá CK xuống thấp đột ngột, trở tay không kịp. Cùng kỳ năm trước, giá CK 85.000 đồng/kg, 1ha nuôi lợi nhuận hơn 300 triệu đồng; giờ giá chỉ còn 25.000 đồng/kg…”.
Theo ông Hol, nuôi CK chi phí rất cao, tốn thời gian chăm sóc, nếu giá cá 60.000 đồng/kg người nuôi huề vốn.
Là người có kinh nghiệm nhiều năm nuôi CK, ông Trần Văn Phong – ngụ phường 2 – cũng lao đao vì giá CK giảm. Năm 2011, nuôi tôm công nghiệp không thành công, 7 ao nuôi tôm công nghiệp (diện tích khoảng 2ha), ông Phong chuyển sang nuôi CK. Những năm trước, con CK mang về cho gia đình ông Phong bạc tỉ/năm.
“Trong thời gian chờ giá cá nhích lên, mỗi ngày tôi phải bỏ ra 1 – 2 triệu đồng cho cá ăn cầm chừng. Nếu giá không tăng thì lỗ càng thêm lỗ, nhưng đành phải mạo hiểm” – ông Phong nói.
Chú trọng liên kết “4 nhà”
Anh Lý Minh Sơn – ngụ xã Lạc Hòa – chuyên trồng hành tím. Sau đợt hành tím rớt giá vừa qua, anh đã cải tạo đất trồng hành tím sang nuôi CK (một ao rộng 4.000 mét vuông). Đến nay, CK của anh đã 8 tháng tuổi, nhưng vẫn chưa thu hoạch do chưa tìm được thương lái.
Anh Sơn nói: “CK nuôi 5 – 6 tháng có thể thu hoạch, song hiện giá cá vẫn “giậm chân tại chỗ”. Để nghề nuôi CK có thể phát triển bền vững tại TX.Vĩnh Châu, cần có sự liên kết “4 nhà” nhằm tìm ra biện pháp hữu hiệu cho người nuôi về vốn, kỹ thuật nuôi, con giống và nhất là “đầu ra” ổn định…”.
Trưởng phòng Kinh tế TX.Vĩnh Châu Lê Minh Trường cho biết: “Vĩnh Châu có 362ha thả nuôi CK với 576 hộ nuôi, năng suất bình quân 17 tấn/ha. Hiện giá cá sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh ghẻ lở trên cá ở một số tỉnh bạn.
Để vụ nuôi năm 2018 tránh tình trạng “được mùa, mất giá”, ngành NNPTNT khuyến cáo người nuôi thận trọng lựa chọn con giống, không mở rộng diện tích nuôi CK, có thể nuôi thêm một số loài thủy sản nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra”.