Thông tin trên đã rò rỉ từ hồi tháng 9 và là một chủ đề đặc biệt hot của làng công nghệ trong tuần vừa qua . Động thái này được coi là bước đi mới nhất của Google trong việc nâng cao và cải thiện bộ phận phân phối phần cứng của mình.
Hôm nay, Rick Osterloh, quản lý mảng phần cứng của Google công bố: “Những đồng nghiệp Google tương lai chính là những chàng trai tuyệt vời cùng làm chiếc Pixel với chúng tôi, và chúng tôi rất háo hức chờ đợi sự kết hợp thành 1 đội này sẽ mang tới điều gì. Thỏa thuận này cũng bao gồm quyền sử dụng bằng sáng chế của HTC.”
Điều đáng chú ý là, HTC sẽ vẫn tiếp tục sản xuất điện thoại sau khi bán rất nhiều nhân lực và bộ phận hoạt động cho Google. CEO HTC, Cher Wang khẳng định “sự hợp tác này sẽ tiếp nối sự sáng tạo trong mảng điện thoại HTC cũng như mảng kinh doanh thực tế ảo Vive”. Thậm chí, trong thông cáo, HTC còn khẳng định đang sẵn sàng cho chiếc “flagship smartphone” kế tiếp.
Đây không phải lần đầu tiên Google mua lại một nhà sản xuất smartphone, và chưa thể nói trước được liệu thương vụ này có mang đến thành công cho Google hay không. Hồi năm 2011, Google đã chi 12,5 tỷ USD để sở hữu Motorola, nhưng cuối cùng đành ngậm ngùi bán lại cho Lenovo với giá 2,91 tỷ USD ba năm sau đó. Trong ba năm đó, Google đã phải lần lượt bán những chi nhánh, công ty con của Motorola do không có hiệu quả về mặt kinh tế.
Google đã từng thất bại khi mua lại Motorola.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Google vẫn coi hoạt động chung là “thành công” bởi họ đã giữ lại được rất nhiều bằng sáng chế của Motorola – tài sản đáng giá nhất của nhà sản xuất smartphone này.
Gần đây, Google cho thấy những dấu hiệu công ty sẽ đi theo chiến lược giống như Apple. Với những sản phẩm mới của mình, Google sẽ chú ý đầu tư, phát triển toàn diện cho cả phần cứng lẫn phần mềm.
Vào tháng 4 năm 2016, Google đã mời cựu giám đốc điều hành của Motorola là Rick Osterloh gia nhập đội ngũ của mình. Osterloh được coi là chiến binh phần cứng đầu tiên của Google và sẽ lãnh đạo bộ phận phụ trách phần cứng mới thành lập của gã khổng lồ công nghệ này.
Rick Osterloh sẽ phụ trách mảng phần cứng của Google.
Kết quả: Google đã cho ra mắt chiếc điện thoại đầu tiên mang thương hiệu của mình có tên Pixel (và cả Pixel XL) cùng bộ kính thực tế ảo Daydream View. Không dừng lại ở đó, đầu năm nay, Google còn tiếp tục trình làng bộ loa thông minh Google Home.
Hơn thế nữa, nhiều thông tin cho rằng Google đã quyết định đầu tư mạnh tay vào lĩnh vực sản xuất chip để có đủ khả năng cạnh tranh với các hệ thống, công nghệ tinh vi mà Apple đang áp dụng cho dòng điện thoại iPhone của họ. Apple hoàn toàn không cần phải dựa vào các công ty thứ ba như Qualcomm, và Google cũng muốn được như vậy.
Bên cạnh dòng smartphone Pixel, Google còn cho ra mắt các sản phẩm sử dụng công nghệ VR.
Với sự ra mắt của những sản phẩm đầu tiên cộp mác Google, Osterlod cho biết phần cứng chính là phần quan trọng nhất trong chiếc lược kinh doanh của gã khổng lồ này. Google sẽ còn tiếp đầu tư và phát triển phần cứng “trong một thời gian dài nữa”. Và động thái mua lại HTC mới đây chính là bằng chứng hùng hồn nhất cho khẳng định đó.
Đặc biệt hơn, HTC cũng từng là nhà sản xuất “ngầm” cho cả Pixel vào năm ngoái và có lẽ cũng sẽ là người đứng sau dòng “Pixel 2” sắp ra mắt (LG đã chuyển sang đầu tư cho “Pixel 2 XL” lớn hơn và cao cấp hơn).
HTC sẽ đóng vai trò quan trọng đối với Pixel 2.
Ngoài smartphone, Google dự kiến sẽ cho ra mắt Chromebook Pixel vào sự kiện ngày 4 tháng 10 tới đây.
Theo BusinessInsider